Vào tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ
Obama đã tung ra chiến lược mới: "Xoay trục sang châu Á" (Pivot to Asia)
để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trong khu vực nói chung, biển Đông
nói riêng.
"Câu hỏi tiếp theo là liệu liên minh quân sự với Mỹ có dẫn đến "mất Đảng"? Câu trả lời của tôi tiếp tục là "KHÔNG"... |
Để
triển khai, Báo cáo chiến lược quân sự quốc gia của Mỹ năm 2012 nhấn
mạnh nước này phải phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam, xây dựng
Việt Nam trở thành đối tác chiến lược mới.
Tuy
nhiên, bằng chứng ngọan mục nhất của quyết tâm "biến cựu thù thành đồng
minh" của Tổng thống Obama là việc ông đón tiếp chính thức tại Nhà
Trắng Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng
7/2015. Thực vậy, đây là lần đầu tiên một người đứng đầu một đảng cộng
sản được Mỹ tiếp đón cấp Nhà nước.
Tổng
thống Trump, về phần mình, tiếp tục chiến lược "Xoay trục sang châu Á"
của người tiền nhiệm nhưng với cái tên mới: "Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Nếu
như Chính quyền Obama để lại dấu ấn với việc bỏ cấm vận vũ khí sát
thương đối với Việt Nam thì Chính quyền Trump năm 2018 đưa ra Chiến lược
quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất", được minh họa
một cách ấn tượng bằng việc tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà
Năng, sự kiện chưa từng có thuộc loại này kể từ khi kết thúc chiến tranh
Việt Nam vào năm 1975.
Tóm
lại, theo quan điểm của tôi, người đã có nhiều cuộc trao đổi với giới
quan sát chính sách đối ngoại của Washington, Mỹ nay đã sẵn sàng cho một
liên minh quân sự với Việt Nam để chống Trung Quốc độc chiếm biển Đông
cho dù vẫn luôn quan ngại về dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á
này.
Sập bẫy Trung Quốc
Về
phần mình, ban lãnh đạo Việt Nam cho đến nay giữ một thái độ tiêu cực
với một ý tưởng quốc phòng như vậy khi theo đuổi chính sách "Ba Không".
Hồi
thăm Trung Quốc tháng 10/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
khẳng định Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng
minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ
quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, gọi đó
là chính sách "Ba Không".
Ngày
24-9-2014, bốn tháng sau khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào
vùng biển thuộc Hoàng Sa, sự kiện gây ra một làn sóng biểu tình phản
đối Trung Quốc trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có, Phó Thủ tướng
kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong trả lời phỏng
vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách "Ba Không".
Chính sách này mới đây đã được luật hóa bằng Khoản 3 Điều 4 Luật Quốc phòng 2018, có hiệu lực từ 01/01/2019.
Nhưng lý do đằng sau chính sách "Ba Không" xuất phát từ sự kiện Hà Nội mất đồng minh Liên Xô.
Khi
các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bắt đầu sụp đổ vào cuối thập
kỷ 80 của thế kỷ trước (1), một cách bản năng ban lãnh đạo Việt Nam xác
định bảo vệ chế độ cộng sản trong nước là ưu tiên hàng đầu trong khi
Việt Nam không còn nhận được viện trợ từ đồng minh quân sự Liên Xô để
duy trì cuộc chiến chống Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng ở
Campuchia.
Bình
thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vốn bị cắt đứt bởi cuộc chiến tranh
xâm lược do chính láng giềng phương Bắc này phát động vào năm 1979, vì
vậy được đặt ra một cách khẩn cấp. Điều này không những tạo điều kiện
cho việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc về việc Khmer Đỏ không quay trở
lại cầm quyền một khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, mà quan trọng
hơn, giúp chính quyền cộng sản Việt Nam đối phó thành công với những
cuộc phản loạn tiềm tàng được "các thế lực thù địch quốc tế" yểm trợ.
Thực
vậy, Trung Quốc không chỉ có cùng chế độ chính trị mà còn chung biên
giới, rất thuận tiện cho việc trở thành "hậu phương lớn" cho Đảng cộng
sản Việt Nam trong tình huống chống lật đổ nói trên, như nước lớn này đã
từng là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây.
Lẽ
dĩ nhiên Trung Quốc nắm ngay cái "thóp" này của ban lãnh đạo Việt Nam
để đẩy mạnh hơn nữa xâm lược đảo và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển
Đông. Đặng Tiểu Bình đã mời ban lãnh đạo Việt Nam đến Thành Đô, Trung
Quốc vào tháng 9/1990 để thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai
nước, điều này đã được thực hiện một năm sau đó, vào tháng 11/1991. Tuy
nhiên, Trung Quốc hiểu toan tính của họ chỉ có thể được thực hiện trót
lọt chừng nào Việt Nam còn đơn độc về quân sự, cụ thể không phải là đồng
minh quân sự của bất cứ nước nào, nhất là Mỹ.
Do
đó, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, từ Giang Trạch Dân cho đến Tập
Cận Bình, đều ra sức khoét sâu nỗi lo "mất Đảng", "mất chế độ xã hội chủ
nghĩa" của ban lãnh đạo Việt Nam và nêu cao tương đồng chế độ chính trị
hai nước. Họ đưa ra những khẩu hiệu "lý tưởng tương đồng", "vận mệnh
tương quan", "đồng chí tốt" với kết cục là ban lãnh đạo Việt Nam đã mắc
bẫy "dương Đông kích Tây" của Trung Quốc khi đồng ý lấy đó làm phương
châm để xử lý quan hệ giữa hai nước.
Nói
cách khác, sẽ không có chuyện Việt Nam tìm kiếm ủng hộ quân sự từ cường
quốc khác, nhất là với Mỹ, vốn được coi là kẻ thù của chủ nghĩa cộng
sản. Chính sách "Ba Không" mà cốt lõi là "không liên minh quân sự" từ đó
mà ra.
Điều
cần lưu ý là chính sách "không liên minh quân sự" không chỉ dẫn đến mất
lãnh thổ và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông vào tay Trung Quốc
mà còn đe dọa an ninh tổng thể của Việt Nam trong trường hợp chiến
tranh xâm lược năm 1979 được lặp lại.
Thực
vậy, so với cách đây 4 thập kỷ sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã
có bước nhảy vọt với chi phí quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, mà
cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm
1/10 đã cho thấy rõ, và nhất là người Trung Quốc đã chiếm cứ dưới vỏ bọc
kinh doanh hầu hết các khu vực xung yếu về an ninh - quốc phòng của
Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là trong tình huống "mất Nước" như vậy liệu quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam có còn tồn tại?
Tôi
khẳng định là "KHÔNG" vì lịch sử của chính đảng này cho thấy cho thấy
khi một chính quyền để mất Nước thì nhân dân tất đứng lên để thay thế
chính quyền ấy bằng một chính quyền cứu Nước. Thực vậy, Cách mạng Tháng 8
năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương (tên gọi lúc đó
của Đảng cộng sản Việt Nam) đã phế bỏ Nhà Nguyễn, một chính quyền đã để
mất Nước vào tay Pháp rồi Nhật, để thiết lập nền Dân chủ Cộng hòa và
tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9 cùng năm.
Tóm
lại, chính sách "không liên minh quân sự" chẳng những không giữ được
Nước trước xâm lược Trung Quốc mà cũng không giữ nổi chế độ cộng sản,
hay làm Đảng cộng sản Việt Nam "mất cả chì lẫn chài" như cách nói của
người xưa.
'Đi với Mỹ không mất Đảng'
Câu hỏi tiếp theo là liệu liên minh quân sự với Mỹ có dẫn đến "mất Đảng"? Câu trả lời của tôi tiếp tục là "KHÔNG"
Sau
khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt cùng với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm
1991, Mỹ không còn coi chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là mối đe dọa đối
với lợi ích của Mỹ. Ngược lại, chủ nghĩa bành trướng bằng vũ lực của
Trung Quốc, cụ thể là mưu toan biến biển Đông thành "ao nhà" của nước
này đe dọa trực tiếp quyền tự do đi lại trên biển nói riêng, lợi ích của
Mỹ với tư cách cường quốc toàn cầu nói chung.
Do
đó, Mỹ sẽ không tự bắn vào chân mình khi đánh đổi đồng minh đầy tiềm
năng và hơn thế nữa, chủ chốt, trong chiến lược của mình chống bành
trướng Trung Quốc để lấy thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhưng Mỹ
sẽ không tìm kiếm liên minh quân sự với Việt Nam bằng mọi giá, mà phải
trên cơ sở nước này cải thiện nhân quyền và dân chủ cũng như thúc đẩy
Nhà nước pháp quyền theo một lộ trình có thể kiểm chứng.
Câu
hỏi còn lại là liệu Mỹ có "hy sinh" Việt Nam với tư cách đồng minh quân
sự cho quan hệ Mỹ - Trung như Mỹ đã từng "bỏ rơi" Việt Nam Cộng hòa?
Câu trả lời của tôi là "KHÔNG" vì tình hình Việt Nam và quốc tế đã khác
hẳn.
Từ
năm 1972 Mỹ đã quyết định rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam vì địch thủ -
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng cộng sản miền Nam, là người Việt
Nam, khiến Mỹ không có sự chính danh ngay từ trong nước như khi chống
các nước xâm lăng Đức, Ý, Nhật hồi Thế Chiến 2.
Tiếp
theo, rút quân khỏi Việt Nam, đồng nhất với loại bỏ nguy cơ xung đột
quân sự trực tiếp với Trung Quốc, đã mang lại cho Mỹ một sự hòa hoãn
đáng kể với Trung Quốc để từ đó dùng nước này cho mặt trận phá Liên Xô,
trụ cột của chủ nghĩa cộng sản thế giới. Mục tiêu này đã được hoàn thành
với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, đồng nhất với sự kết thúc chiến
lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ và các nước phương Tây khác
được biết dưới cái tên "Chiến tranh lạnh".
Nay,
chiến lược của Hoa Kỳ là chống Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở
Biển Đông, và ở đây Việt Nam đóng vai trò then chốt nên Washington sẵn
sàng sát cánh với Việt Nam về quân sự. Như vậy, chỉ khi nào Trung Quốc
từ bỏ tham vọng của mình ở biển Đông thì Mỹ mới có thể thôi là đồng minh
của Việt Nam.
Bài
học từ Cuộc chiến 1979 cho thấy nếu Việt Nam có được quan hệ ngoại
giao với Mỹ ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975 thì đã không
bị Bắc Kinh tấn công. Do đó, Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm ngày
nào thì nguy cơ tiếp tục mất đảo, mất quyền chủ quyền trên Biển Đông vào
tay Trung Quốc cũng như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh trên
biển lẫn đất liền bị đẩy lùi ngày ấy.
Hy
vọng dưới sự điều hành Tổng bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng,
người mới đây kêu gọi "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao" trong
bối cảnh đội tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục tiến sâu
vào bãi Tư Chính (Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, Hội nghị Trung ương Đảng CSVN lần thứ 11 (khoá XII), đang diễn ra
tại Hà Nội, sẽ tạo đột phá với việc từ bỏ chính sách 'Ba Không" để hướng
tới một liên minh vì an ninh chung của hai nước Việt - Mỹ.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ
*
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù
nhân chính trị Việt Nam, hiện sống tại Washington DC. Bài viết thể
hiện quan điểm cá nhân.
(BBC)
Không có nhận xét nào