Mỹ càng vận động các nước đông nam Á
tránh xa Trung Quốc chừng nào thì càng có nguy cơ bị phản tác dụng và
khiến các nước này rời xa Mỹ nhiều chừng đó, một phúc trình vừa được
công bố của Viện Brookings, viện nghiên cứu chính trị và chiến lược hàng
đầu ở thủ đô Washington, cho biết.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Singapore hồi cuối năm 2018. |
Thay
vào đó, phúc trình đề xuất chính quyền Mỹ nên hợp tác với các nước
trong khu vực trên cơ sở đáp ứng lợi ích của họ thay vì lôi kéo họ cho
lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng cần tăng cường can dự, thay vì
đối đầu, với Bắc Kinh để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực
trong khi phải có lập trường cứng rắn mỗi khi Bắc Kinh bất chấp luật
pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền hay có hành vi thương mại không công
bằng.
Một
học giả nói với VOA rằng chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống
Mỹ Donald Trump càng làm cho vị thế của Mỹ thêm suy yếu trước Trung Quốc
trong khu vực.
Ảnh hưởng kinh tế
Lý
do mà các nước đông nam Á không thể lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc là
ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực vốn đã vượt xa và ngày
càng bỏ xa Mỹ, báo cáo cho biết.
Phúc
trình dẫn một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) có
trụ sở ở Singapore thực hiện với các chuyên gia chính sách, các doanh
nhân và các đối tượng có liên quan khác trên khắp các nước ASEN cho thấy
hơn 73% cho rằng ‘Trung Quốc là nước có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất ở
khu vực’, bỏ xa Mỹ chỉ với 7,9%.
Trên
lĩnh vực chính trị và chiến lược, mặc dù khoảng cách giữa Trung Quốc và
Mỹ hẹp hơn nhưng tỷ lệ đông nhất những người được thăm dò (42%) cho
rằng Trung Quốc mới là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong khi Mỹ chỉ được
30,5%.
Tuy
nhiên, mặc dù thừa nhận tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu
vực, phần đông những người được vấn ý không tin tưởng Bắc Kinh, với
45,4% cho rằng ‘Trung Quốc là cường quốc xét lại (tức muốn lật đổ trật
tự do Mỹ lãnh đạo) với ý định đưa đông nam Á vào phạm vi ảnh hưởng của
họ’.
Các
nước ASEAN không tin Trung Quốc đã đành nhưng đối với Mỹ, nhất là chính
quyền của Tổng thống Donald Trump, họ cũng không tin tưởng là bao. Có
trên 50% nói rằng họ có rất ít sự tin tưởng hay không hề tin tưởng Mỹ
đang hành động đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu.
Báo
cáo của ISEAS cho rằng sự thiếu tin tưởng vào Mỹ này bắt nguồn từ thái
độ không đáng tin cậy của Mỹ chẳng hạn như đã ký rồi rút ra khỏi Thỏa
thuận Paris về biến đổi khí hậu, duy trì sự công kích mậu dịch tự do và
khinh thường cơ chế đa phương. Mới đây nhất, Tổng thống Trump còn quyết
định rút quân Mỹ ra khỏi Syria và bỏ mặc đồng minh của họ là người Kurd
trước sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính
sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Trump cũng được cảm nhận rõ rệt ở
khu vực ASEAN với 68% người được thăm dò cho rằng sự can dự của Mỹ ở
đông nam Á đã suy giảm hoặc giảm rất nhiều.
Về
giao thương với ASEAN, Trung Quốc cũng bỏ xa Mỹ để trở thành đối tác
thương mại lớn nhất của khu vực trong hơn một thập kỷ qua. Hiện tại, kim
ngạch thương mại song phương hàng năm giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 591
tỷ đô la Mỹ so với 272 tỷ đô la giao thương với Mỹ.
Tuy
nhiên, về khía cạnh đầu tư thì Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ và Nhật Bản.
Tổng cộng, các nước ASEAN nhận được gần 329 tỷ đô la vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài lũy tiến từ Mỹ, báo cáo cho biết.
Về
viện trợ, mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu với 800 triệu đô la tiền
viện trợ nước ngoài cho các nước ASEAN trong năm 2018, nhưng Trung Quốc
đã vươn lên vị trí nhà viện trợ lớn nhất ở một số nước. Đơn cử như ở
Campuchia, viện trợ của Bắc Kinh đã nhiều gấp 4 lần viện trợ của
Washington, phúc trình lưu ý.
Mặc
dù các nước ASEAN vẫn có những lo ngại và kháng cự trước sức ảnh hưởng
kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhưng họ cũng đã ‘ngày càng
khôn ngoan hơn’ trong việc xử lý các dự án ‘Vành đai-Con đường’ để tránh
bẫy nợ với điển hình là trường hợp của Malaysia và Indonesia, phúc
trình cho biết.
Trong
khi đó, Bắc Kinh cũng đã học được cách tự điều chỉnh, khắc phục những
sai lầm để giải tỏa những quan ngại của các nước về Ý tưởng Vành đai-Con
đường của họ, nhất là tại hội nghị thượng đỉnh về ý tưởng này hồi tháng
Tư năm nay ở Bắc Kinh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 9 trong 10
nước ASEAN, cũng theo phúc trình của Brookings.
Không thể bỏ Trung Quốc?
“Do
những xu thế kinh tế này, không có gì ngạc nhiên khi khu vực không muốn
chọn giữa Mỹ và Trung Quốc ở cả cấp độ ngoại giao và chiến lược. Mặc dù
đa số các chính phủ ASEAN trân trọng sâu sắc sự đóng góp của Mỹ vào an
ninh khu vực, những thực tế kinh tế thay đổi này có nghĩa là ít có nước
nào, nếu không nói là không có, sẵn sàng ngả hoàn toàn về phía một
nước,” phúc trình nhận định.
Các
nước ASEAN đều có ‘suy nghĩ giống nhau’ trong việc kháng cự lại sức ép
của Washington muốn họ xa lánh Trung Quốc, phúc trình của Viện Brookings
viết. Thay vào đó, họ ‘muốn có mối quan hệ xây dựng với cả hai nước’.
“Nỗ
lực liên tục của chính quyền Mỹ nhằm khắc họa Trung Quốc là kẻ xấu
không đem lại lợi ích cho Mỹ mà nó lại tạo ra cảm giác rằng Washington
đang nuôi dưỡng một cuộc chiến tranh lạnh mới vốn có thể bị Trung Quốc
lợi dụng để đẩy Washington ra rìa,” báo cáo viết.
Lập
trường lên án Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực của Mỹ ‘cũng có tác
dụng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực, nhất
là với hoạt động bồi đắp đảo của họ trên Biển Đông’, theo Viện
Brookings, nhưng nó ‘cũng tiềm ẩn những mối họa nghiêm trọng đối với
chính sách của Mỹ trong tương lai’.
“Khi
mà sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng với cấp số nhân trong
khu vực thì liệu có khôn ngoan hay không khi kêu gọi các nước đông nam Á
phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc?” phúc trình lập luận.
Phúc
trình cũng nêu ra ba ví dụ các nước trong khu vực đã lên tiếng mạnh mẽ
là họ ‘không muốn chọn’ giữa Mỹ và Trung Quốc là Singapore, Indonesia và
Úc.
Theo
đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối
tháng 5 đã kêu gọi Bắc Kinh và Washington ‘cùng làm việc với nhau, hòa
giải các khác biệt và kiềm chế trong việc đưa ra các điều kiện để buộc
các nước khác phải chọn phe’.
Ông
Lý thừa nhận rằng ‘việc Trung Quốc tham vọng trở thành một cường quốc
trên biển cũng là điều tự nhiên’ nhưng ông kêu gọi Bắc Kinh ‘giải quyết
tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế thay vì dùng vũ lực hay đe
dọa dùng vũ lực’ và thúc giục ‘đảm bảo rằng Ý tưởng Vành đai-Con đường
sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các đối tác và không biến khu vực thành
‘một khối khép kín xung quanh một cường quốc kinh tế duy nhất’.
Còn
đối với Washington, ông Lý than phiền về việc nước này ‘nói công khai
chuyện kiềm chế Trung Quốc’ và bày tỏ thái độ lo lắng về ‘lập trường trở
nên cứng rắn của Mỹ’. Ông nói sẽ là việc khó khăn để Mỹ có những sự
điều chỉnh với tư cách là cường quốc áp đảo lâu nay.
Ngay
cả Úc, một đồng minh trung thành nhất của Mỹ, phúc trình lưu ý, cũng đã
lên tiếng công khai rằng họ ‘sẽ không chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
Thủ tướng Úc Scott Morrison từng phát biểu hồi tháng 11 năm 2018 rằng:
“Mối quan hệ giữa chúng tôi với hai cường quốc này là khác biệt và cả
hai mối quan hệ đó đều thành công.” Hồi tháng Giêng năm nay, ông
Morrison nói rằng ‘không có ai có ích lợi gì khi nhìn thấy mối quan hệ
Mỹ-Trung trở nên ngày càng đối đầu’.
Còn
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã kêu gọi tầm nhìn cho khu vực châu
Á-Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc và tuyên bố rằng ‘ASEAN và Trung
Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác cùng nhau’.
Mỹ nên làm gì?
Thay
vì lôi kéo các nước trong khu vực về phía mình, phúc trình của Viện
Brookings đề xuất Washington nên ‘giúp đỡ thúc đẩy xây dựng một khu vực
độc lập, mạnh mẽ và dẻo dai’ để các nước trong khu vực có đủ sức mạnh để
‘không cần thấy phải chọn’ dù là Mỹ hay Trung Quốc.
“Trong
bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó là sẽ là cách làm hiệu quả nhất
để đạt được mục tiêu trong chiến lược châu Á của Mỹ: ngăn chặn sự xuất
hiện của một quốc gia bá quyền áp đảo và do đó duy trì vai trò của Mỹ
như là một cường quốc Thái Bình Dương’.
Để
làm được điều này, Viện nghiên cứu này đề xuất Mỹ nên tiếp tục đẩy mạnh
thương mại, đầu tư, hỗ trợ an ninh, viện trợ nước ngoài… cũng như giải
quyết những vấn đề cơ bản mà các nước ASEAN hiện đặc biệt lo ngại: cơ
chế khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN đang bị đe dọa (ASEAN cảm
thấy bị gạt ra lề với chiến lược Bộ Tứ của Mỹ bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc),
phát triển kinh tế vào thời điểm tranh chấp địa kinh tế gia tăng và
những thách thức môi trường như biến đổi khí hậu.
Ngoài
ra, phúc trình cũng kêu gọi Washington nên tận dụng cơ hội là các hội
nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Bangkok và Thượng đỉnh APEC ở Santiago,
Chile vào tháng 11 để ‘giảm giọng điệu cứng rắn’ và ‘tính toán lại ngoại
giao kinh tế’ trong khu vực.
Theo
phúc trình này, Mỹ nên ủng hộ những sáng kiến được đưa ra từ các nước
trong khu vực thay vì áp đặt ý tưởng của mình, nhất là tôn trọng vai trò
trung tâm của ASEAN. Việt Nam được phúc trình đánh giá là ‘một đối tác
đang nổi lên’ đối với Mỹ mà Washington cần tăng cường quan hệ.
Ngoài
xây dựng quan hệ với đối tác mới, Mỹ cũng nên đẩy mạnh hợp tác xây dựng
cơ sở hạ tầng bền vững với các đồng minh và đối tác trong khu vực vì
các nước này cần nguồn vốn rất lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ
nhu cầu phát triển trong khi Bắc Kinh đang tăng cường lôi kéo với Ý
tưởng Vành đai-Con đường của họ, phúc trình cho biết.
Riêng
đối với Trung Quốc, theo Viện Brookings, Mỹ nên tăng cường hợp tác bằng
cách can dự trực tiếp với Trung Quốc trên các vấn đề như biến đổi khí
hậu và đối phó thảm họa cũng như can dự, thay vì tẩy chay, các định chế
khu vực do Trung Quốc khởi xướng như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu
Á (AIIB).
‘Đa phương mềm dẻo’
Trao
đổi với VOA, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu Giáo sư Đại học Harvard, một học
giả ngành luật quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam bao gồm cả vấn đề
tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, bày tỏ đồng tình với những kết luận
và khuyến nghị trong phúc trình này.
“Mặc
dù các nước đông nam Á tin vào Mỹ để đối trọng với Trung Quốc nhưng Mỹ
cần uyển chuyển hơn,” ông phân tích. “Còn về Trung Quốc thì họ nể về sức
mạnh kinh tế nhưng lại kính nhi viễn chi, không muốn đến gần để bị
Trung Quốc o ép.”
Theo
ông, cách ASEAN nên xử lý mối quan hệ với Trung Quốc là ‘ngoại giao đa
phương mềm dẻo’. “Không lệ thuộc vào nước nào cả, quyền lợi nào của mình
gắn với nước nào thì chơi với nước đó (Mỹ, Trung Quốc, EU, Úc, Nhật).
Phải mềm dẻo thì mới tránh được cái bẫy của các cường quốc.”
Riêng
về tranh chấp Biển Đông của Việt Nam, Tiến sĩ Tài cho rằng ‘không thể
nào nhường nhưng có thể thương lượng mềm dẻo và nhất quyết phải bám theo
luật pháp quốc tế’.
“Khi
đó các quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam để
chống lại thái độ côn đồ của Trung Quốc,” ông giải thích.
Còn về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc, ông Tài khuyến nghị ‘vừa hợp tác vừa cạnh tranh’ và ‘đừng có quá khích’.
“Một
mặt cần đương đầu với sự tham lam của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng
cần có thái độ mềm dẻo tức là thương lượng đa phương với Trung Quốc,”
ông nói.
Giáo
sư Tài không tán thành chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống
Donald Trump. Ông nói: “Nếu cứ nước Mỹ trên hết thì làm sao trong quan
hệ với người ta (các nước đông nam Á) có sự trao đổi, tương nhượng được?
Các nước ASEAN mong Mỹ có sự điều chỉnh lại.”
(VOA)
Không có nhận xét nào