Bắc Kinh có thể đang xem xét việc
thay thế trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Reuters và AFP hôm nay 23/10/2019 dẫn tin từ Financial Times cho biết
như trên. Tuy nhiên ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng đó chỉ là tin đồn.
Lãnh đạo đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), tới trụ sở nghị viện Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 17/10/2019 |
Tờ
báo Anh dựa theo một số nguồn thạo tin nói rằng đang có việc bàn bạc
trong nội bộ chính quyền trung ương, để soạn thảo ra một kế hoạch thay
thế bà Lâm bằng một « quyền trưởng đặc khu ». Nhưng cũng theo các nguồn
tin trên, tất cả còn tùy thuộc vào tình hình tại chỗ. Nếu trật tự quay
trở lại, thì Bắc Kinh mới ra lệnh cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra đi, để
không tạo cảm giác là nhường bước trước đòi hỏi của người biểu tình.
Trong
trường hợp ông Tập Cận Bình chấp nhận việc thay thế bà Lâm, mà nhiệm kỳ
còn kéo dài đến năm 2022, tân trưởng đặc khu sẽ nhậm chức vào tháng Ba
sang năm. Những khuôn mặt ứng viên đang được cân nhắc là ông Trần Đức
Lâm (Norman Chan), cựu chủ tịch cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông và ông
Đường Anh Niên (Henry Tang), cựu chánh văn phòng chính quyền Hồng Kông,
đối thủ của ông Lương Chấn Anh trong cuộc bầu cử năm 2012.
Việc
bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải ra đi là một trong năm yêu sách chính của
phong trào phản kháng ở Hồng Kông : hủy bỏ dự luật dẫn độ, bà Lâm từ
chức, điều tra về bạo lực cảnh sát, phổ thông đầu phiếu và trả tự do cho
những người biểu tình bị bắt.
Nghị
Viện Hồng Kông đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ vào hôm nay, còn bà
Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn là trung tâm chỉ trích của người phản kháng,
nhất là sau khi ra lệnh cấm che mặt lúc biểu tình. Theo các thăm dò mới
nhất, tỉ lệ ủng hộ bà chỉ khoảng 22%. Trong một băng ghi âm được Reuters
tiết lộ vào tháng Chín, bà Lâm thổ lộ nếu được chọn lựa, thì bà sẽ từ
chức.
Nhà
phân tích chính trị Thành Danh (Dixon Sing) cho rằng kế hoạch thay thế
bà Lâm được đưa ra quá trễ, khó thể tin rằng người dân Hồng Kông sẽ
ngưng biểu tình. Ông Ben Bland, giám đốc dự án Đông Nam Á của Lowy
Institute nhận định, vấn đề chính là các nhà lãnh đạo Hồng Kông không có
được tính chính danh, vì họ do Bắc Kinh chọn lựa.
(RFA)
Không có nhận xét nào