Tạp chí Dân Trí: Đây là một
bài viết quan trọng của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên uỷ viên BCH TW Đảng
Cộng sản Việt Nam, nguyên phó trưởng ban Tuyên Giáo, TW ĐCSVN. Tạp chí
Dân trí xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tàu Trung Quốc thường xuyên hiện diện trên bãi Tư Chính của VN |
TRAO ĐỔI NHANH VỀ CHUYỆN BIỂN ĐÔNG
Âm
mưu của Trung Quốc về việc cưỡng chiếm Biển Đông của VN đã có từ lâu.
Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến nay cảm thấy đủ điều kiện nên
họ đang quyết tâm thực hiện một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm
mưu này. Việc tàu Trung Quốc vào ra vùng biển chủ quyền của VN vài tháng
nay không phải là một cuộc “dạo chơi” mà là một bước leo thang ngoạn
mục. Thế mà phía VN ta cũng có ý kiến cho rằng “nó vào rồi nó ra chứ đã
làm được gì đâu”. Nghĩ vậy thật đơn giản và thơ ngây quá! Nó vào rồi nó
ra, nó ra rồi nó lại vào. Nó muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, vào nhà
người ta mà cứ nhà của nó.
Một
đất nước có chủ quyền mà sao có thể chịu vậy. Kiểu này thì có ngày nó
bảo “hai nhà là một”, nhập chung thôi, rồi lấy tiếng Trung làm tiếng phổ
thông vì đại đa số dân chúng đang nói thứ tiếng này. Thế là nó hoàn
thành âm mưu thôn tính và đồng hóa, đạt mục đích mà hơn 4000 năm nay họ
chưa làm được. Thật nhẹ nhàng, ít tốn công tốn sức. Biển của VN mà họ
bảo của họ, yêu cầu cùng khai thác. Theo luận điệu đó thì VN mất biển.
Mà mất Biển Đông là mất nước. Phần còn lại nhỏ hẹp, không gian sinh tồn
của dân tộc mất đi hơn một nửa, lục địa bị bao vây tứ bề, phần tài
nguyên khoáng sản lớn và quý giá nhất bị cướp hết, không còn cửa để ra
đại dương – cái mà rất nhiều quốc gia đều cần đến để thành cường quốc,
hàng không cũng mất tự do, con cháu muôn đời sẽ bị o ép và lệ thuộc họ
đủ điều, mất lần này là mất hẳn, mãi mãi không bao giờ đòi lại được,
niềm tự hào về lịch sử bất khuất của một dân tộc văn hiến cũng sẽ mờ
nhạt và bị tan biến, đất nước anh hùng chỉ còn lại một cái xác như một
mãnh nhỏ vô hồn, một dân tộc sẽ mãi tụt hậu, tủi nhục và đau đớn.
Vào
lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là
bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết! Có thể đình
hoãn nhiều việc khác, kể cả việc quan trọng, để tập trung suy tính kỹ cả
chiến lược, sách lược và giải pháp cụ thể (đừng chủ quan nói đã tính kỹ
hết rồi). Đây mới chính là “đại cục” chứ còn cái đại cục gì nữa? Đây là
nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi, chính yếu của Đại hội lần nầy,
chứ không thể nội dung nào hơn được. Đây là phương hướng và quan điểm để
chọn nhân sự chứ không có bất cứ tiêu chí gì quan trọng hơn vào lúc vận
mệnh đất nước như thế này. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để chọn cán bộ
lãnh đạo các cấp các ngành là thái độ rõ ràng, mạnh mẽ và tư duy mạch
lạc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông.
Vừa
qua, Chính phủ, Bộ Ngoại giao VN và các lực lượng cảnh sát biển, hải
quân…đã có nhiều cố gắng, và lần này thái độ ta có mạnh mẽ hơn các lần
trước. Chúng tôi xúc động khi được biết tình hình các sĩ quan và chiến
sĩ của quân đội ta lúc xung trận húc nhau với các tàu xâm lăng của Trung
Quốc ở khu vực bãi Tư Chính đã thể hiện một tinh thần rất dũng cảm xứng
đáng là con em của một dân tộc anh hùng. Tuy nhiên, nhìn chung thái độ
tổng thể bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước thì thấy sự thể hiện rất chưa
đủ, chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của tình hình. Và tất
nhiên, muốn bảo vệ được Biển Đông thì không chỉ có tinh thần, bản lĩnh,
trách nhiệm với Tổ Quốc (mặc dù phải bắt đầu từ các yếu tố ấy), mà quan
trọng hơn nữa là phải đổi mới cách tiếp cận vấn đề, đổi mới tư duy, quan
điểm, kể cả chủ trương và hành động. Bảo vệ Biển Đông và đổi mới là hai
yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, cần được thực hiện đồng
thời.
Có
ý kiến bảo phải kiện Trung Quốc ngay, công khai chủ trương và thúc đẩy
nhanh công việc, ý kiến khác lại không đồng ý vì nhiều lẽ khác nhau. Ý
kiến khác nhau trong quá trình thảo luận là việc bình thường. Nhưng cần
phải có phương pháp tiếp cận tốt và khả năng quyết đoán sắc sảo, kịp
thời, nhất là khi có tình thế nghiêm trọng đối với vận mệnh đất nước
(xin nhắc lại để nhớ lần này không phải họ “dạo chơi”, mà là quyết tâm
tạo ra một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu lớn lâu dài).
Trong
đọan ý kiến này, tôi xin có đôi lời góp phần trao đổi để tham khảo về
việc kiện Trung Quốc. Kiện là giải pháp hòa bình. Kiện chẳng những không
phải là chiến tranh mà còn là một giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử
dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện
pháp cần thiết và đúng đắn trong một thế giới văn minh và hội nhập. Đó
cũng là tư tưởng pháp quyền tiến bộ. Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi
chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay là sợ Trung Quốc? Đặt câu hỏi như
vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện thì Trung Quốc sẽ làm
căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù
vặt thì rất khó ở. Đó cũng là một cách suy nghĩ. Mà họ cũng dọa ta như
thế. Dọa để ta đừng kiện.
Họ
không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau nhằm
dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la.
Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lý lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn
nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải
kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục
đích của họ là độc chiếm Biển Đông, và vì thấy ta yếu mềm nên có thể
chèn ép được. Các loài cá lớn ăn thịt sở dĩ không nuốt hết những loài cá
nhỏ là vì không nuốt được, sợ bị gai nhọn đâm hoặc sợ nọc độc và còn sợ
bị phản công của các nhân tố khác từ môi trường chung quanh, chứ hoàn
toàn không phải nó thương cảm vì sự mềm yếu của đối phương. Trung Quốc
to làm vậy nhưng đâu có dễ cưỡng chiếm Đài Loan. Ý kiến khác lại nói
rằng, kiện cũng chẳng được gì, nó không chấp nhận, không chấp hành,
chẳng có chế tài nào để cưỡng chế. Cách tiếp cận ấy theo tôi là không
đúng.
Tác giả Vũ Ngọc Hoàng |
Khi
lãnh đạo nước ta tuyên bố khởi kiện Trung Quốc thì tập họp cả một dân
tộc, cả kiều bào khắp nơi trên thế giới, tập họp thêm nhiều bạn bè quốc
tế, bản thân chúng ta cũng nhanh chóng trưởng thành về sự hiểu biết luật
pháp quốc tế, đồng thời cũng là lên tiếng để nhân dân Trung Quốc biết
thái độ rõ ràng của VN chứ không phải như lâu nay nhà cầm quyền Trung
Quốc cứ tuyên truyền một chiều, còn ta thì im lặng hoặc ít nói nên dân
Trung Quốc nhiều người đang hiểu sai bản chất của vấn đề. Vậy thì kiện
là được chứ, sao lại không được gì. Được dân và được bạn bè quốc tế
chẳng phải là cái được lớn sao. Mặt khác, hãy tin rằng, với nhận thức
của thế giới ngày nay, chân lý không không dễ bị chà đạp đâu. Khi chân
lý rõ ràng và thuộc về ta chẳng phải là cái được lớn hay sao. Một mình
ta nói với họ không xong vì họ coi thường ta, không thèm nghe ta mà lại
còn dùng mọi thủ đoạn để áp đặt. Cần phải dựa vào luật pháp và thông lệ
quốc tế để đối mặt với họ là một giải pháp không thể khác trong tình thế
này. Nếu không kiên quyết như thế hãy coi chừng sẽ mất Biển Đông. Mà
mất Biển Đông là mất nước như đã trình bày trong điểm 1. Còn việc ta
phải sống cạnh họ lâu dài là tất nhiên, và cũng chính vì thế mà phải
đứng lên nói thẳng, phải biết tôn trọng lẫn nhau để có thể sống cùng
theo đúng nghĩa là sống. Đây cũng là mục tiêu độc lập dân tộc mà Hồ Chí
Minh đã chiến đấu suốt đời.
Quan
điểm không liên minh quân sự là đúng trong trường hợp nhằm để chống
nước khác, nhưng sẽ không đúng đối với trường hợp để bảo vệ Tổ Quốc của
mình. Cần có cách tiếp cận mới và sớm điều chỉnh quan điểm chỉ đạo này.
Vì mục đích bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước
thì chẳng những cần thiết mà thậm chí nên chủ động liên minh trước với
các nước thật sự tôn trọng độc lập chủ quyền của VN. Không thể tự trói
mình bởi những quan điểm bất lợi mỗi khi Tổ Quốc có nguy cơ bị xâm
lăng.
Nhân
dịp này cần nhìn nhận đánh giá lại các đối tác của chúng ta để mà hiểu
cho đúng bạn bè. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn bạn lúc này là ai thật
sự tôn trọng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của VN. Trong số các
đối tác chiến lược của VN thì một “đối tác” đã lộ diện rõ ràng là kẻ có
âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của nước ta. Trong khi đó lại có nước tuy
chưa gọi là đối tác chiến lược nhưng chính họ đã lên tiếng sớm nhất và
mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của VN. Theo tôi, với thực tế đó họ
xứng đáng là đối tác chiến lược của chúng ta, kể cả trường hợp trước đây
họ có lúc đã không phải với ta. Ít nhất là họ xứng đáng hơn nhiều so
với “đối tác chiến lược toàn diện” kia đang xâm lăng đất nước ta. Thực
tiễn đã kiểm nghiệm ai tốt ai không tốt. Một dân tộc biết điều không thể
quay lưng lại với thực tế trong văn hóa ứng xử với bạn bè. Nước có chủ
quyền phải biết tự chủ trong chọn bạn mà chơi, không phải sợ gì ai bất
bình hay quở trách.
Cái
Phương Bắc bá quyền ấy có động cơ và âm mưu xấu với ta, họ luôn tìm mọi
cách để giữ ta trong vòng kiểm soát của họ, không muốn và không cho ta
thoát ra khỏi họ để quan hệ thân thiết với các cường quốc khác. Ta không
gây thù hận với ai và luôn thật lòng mong muốn sống hòa hiếu với lân
bang, nhưng đồng thời ta cũng phải biết cảnh giác và có bản lĩnh tự
cường. Hãy đừng bao giờ quên mà ngược lại phải luôn nhớ đến bài học cay
đắng thuở ông cha ta vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà bị Phương Bắc cướp nước
để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh
“chim lồng cá chậu” đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra
được. Các nước Đông-Nam-Á về cơ bản là tốt, không có chuyện gì mâu thuẫn
lớn với nhau, nhưng chưa phải đã đoàn kết một lòng cùng nhau thành một
khối thống nhất vững mạnh, mà cá biệt đôi khi cũng có chuyện “đồng sàn
dị mộng”.
Mặt
khác thì Phương Bắc lại tác động vào, kể cả bằng tiền và bằng các thủ
đọan chính trị, tranh thủ lôi kéo dụ dỗ nước này nước khác, để khu vực
này không thành một khối được, không có sức mạnh chung, cho họ dễ bề chi
phối. Thực chất là “tách ra từng chiếc đũa” chứ không để “một bó đũa”,
không để cho khu vực này chụm lại thành một khối. Thực tế ở khu vực
Trường Sa mặc dù của ta là chính nhưng vẫn đang có nhiều nước quản lý
một số đảo, mà việc này đã có từ trước, chỉ riêng Trung Quốc thì đến
sau, bắn giết người của VN ta để chiếm đảo, rồi đồn trú ở đó đến nay,
lại còn muốn lấy tiếp, lấy hết. VN cần phải có cách ứng xử phù hợp thực
tế ở đây trong mối quan hệ với các nước Đông-Nam-Á, thừa nhận và bảo đảm
quyền lợi chính đáng của các nước nhỏ, đừng để họ bị xuyên tạc mà suy
nghĩ rằng Trung Quốc là đại bá còn VN cũng là tiểu bá mà dẫn đến phân
tâm.
Còn
có ý kiến khác cho rằng, ta với Trung Quốc là anh em đồng chí, cùng
XHCN với nhau, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng
sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với
nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng…Tinh thần
hữu nghị với mọi người nói chung là tốt, nhưng nếu nhẹ dạ cả tin, mất
cảnh giác, để cho những người có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại
đến chủ quyền quốc gia thì sẽ là sai lầm lớn, thậm chí là có tội lớn với
dân tộc mà lịch sử không thể tha thứ. Đồng chí anh em gì mà vô cớ bất
ngờ đem 60 vạn quân sang VN để bắn giết dân chúng và đốt phá các làng
mạc, nay lại quyết dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông. XHCN gì mà
đi xâm lược VN. Nhân dân ta chắc không ai cần cái kiểu XHCN xâm lược ấy.
Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau. Không có CHXH chân chính nào
lại như thế cả (chuyện XHCN và TBCN cũng cần có cách tiếp cận khác căn
bản so với cách hiểu, cách nghĩ lâu nay – sẽ nói sau ở bài khác). Đó chỉ
là một đế chế phong kiến trá hình và biến tướng.
Một
quốc gia bảo vệ độc lập chủ quyền và một quốc gia khác đi xâm lăng sao
lại cùng tư tưởng? Đảng cộng sản VN từ khi ra đời đã lấy mục tiêu dân
tộc và dân chủ làm mục tiêu phấn đấu. Đến nay chưa hoàn thành xong mục
tiêu ấy thì phải tiếp tục chiến đấu nữa. Xa rời mục tiêu dân tộc và dân
chủ như ngày mới ra đời đã nêu lên thì Đảng sẽ không còn là đảng chân
chính vì dân. Đảng CSVN quan hệ với các đảng khác không thể và không bao
giờ được gây tổn hại cho mục tiêu độc lập chủ quyền của dân tộc. Còn
kiên trì trao đổi, đối thoại? Trung Quốc đâu có cần trao đổi đối thoại
với ta. Họ không tôn trọng và không coi VN là đối tác bình đẳng. Họ chỉ
áp đặt và chèn ép. Còn VN ta đâu có tỏ ra căng thẳng gì. Sự căng thẳng
là do họ chủ ý gây ra đấy chứ. Sao lại đổ vấy cho ta. Còn việc ta buộc
phải kiện họ chính là do họ đẩy ta đến đó, không còn con đường nào khác.
Lòng tự trọng dân tộc không cho phép ta nhân nhượng thêm nữa, vì ta
càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Đó cũng là tư tưởng chống ngoại
xâm của Hồ Chí Minh.
Chỗ
dựa vững chắc và đáng tin nhất chính là cộng đồng nhân dân Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh qua nhiều nghìn năm nay rằng dân tộc này không bao
giờ biết đầu hàng. Thuở xưa có lúc triều đình đã đầu hàng hoặc không đủ
sức chiến đấu với quân giặc, nước đã mất và sau đó nhân dân đã tập họp
nhau lại, đứng lên chiến đấu với quân thù, giành lại độc lập cho đất
nước. Thời chiến tranh vệ quốc trước đây, có nơi, có lúc không còn tổ
chức Đảng, không còn đảng viên, thì nhân dân đã tự mình lập ra chi bộ,
một chi bộ của dân, để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu, sau này tổ chức
Đảng cấp trên phải công nhận các đảng viên và tổ chức đảng đó. Nhân dân
ta từ thuở xưa đã là vậy. Ngày nay ta càng nhận thức sâu sắc rằng, nước
là nước của dân. Dân là chủ nhân của đất nước. Chính người chủ ấy phải
lo giữ lấy nước của mình. Nhà nước là của dân, do dân lập ra, có nhiệm
vụ bảo vệ và phục vụ nhân dân, trong đó có công việc bảo vệ tổ quốc. Nhà
nước phải làm theo ý dân, phải dựa vững vào dân mà bảo vệ tổ quốc, phải
thường xuyên và kịp thời thông báo đầy đủ cho nhân dân biết thực chất
tình hình xung quanh vấn đề Biển Đông.
Không
có bất kỳ ai, không có bất cứ đối tác nào, dù họ tốt đến bao nhiêu,
cũng không thể thay được nhân dân. Nhân dân ta muôn đời nay thật anh
hùng. Luôn mang trong mình dòng máu và khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu,
của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Hồ Chí Minh.
Mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm thì triệu người như một, tha thứ, xóa
bỏ hoặc gát lại tất cả các bất đồng, các mâu thuẫn trong nội bộ, để một
lòng cùng nhau quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Tất nhiên, với tư cách
là những người tham mưu cho nhân dân, nhà nước thỉnh thoảng cũng cần
nhắc nhân dân phải bình tĩnh, không để nóng đầu, quá bức xúc. Cuộc chiến
đấu thuở xưa đã vậy và ngày nay càng phải vậy, lòng dũng cảm là vô cùng
đáng quý, đáng trân trọng, nhưng để bảo đảm chiến thắng nhất định phải
cộng với sự bình tĩnh, trí tuệ và mưu lược. Có nhân dân thì Đảng và Nhà
nước sẽ có tất cả. Dân chủ hóa là con đường nhất định phải tiếp tục tiến
lên. Có nhân dân, có bạn bè và luật pháp quốc tế nước ta nhất định bảo
vệ được Biển Đông./.
Vũ Ngọc Hoàng
(Tạp chí Dân trí)
Không có nhận xét nào