Một báo cáo vừa mới công bố hôm 26/9
của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở ở
Washington cho biết các tàu hải cảnh mà Trung Quốc triển khai trên Biển
Đông trong thời gian qua cùng với tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đã
“cố ý” để lộ diện trên dữ liệu theo dõi hàng hải nhằm khẳng định chủ
quyền.
Tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. Ảnh: China Geological Survey. |
AMTI
cho biết họ xác định được 14 tàu hải cảnh Trung Quốc đã phát tín hiệu
AIS (hệ thống nhận dạng tự động) trong lúc tuần tra ở các bãi cạn
Luconia, Second Thomas và Scarborough trong năm qua.
Theo
quy định, các tàu thương mại trên 300 tấn phải phát tín hiệu AIS để
tránh va chạm, trong khi các tàu công lực và quân sự có quyền quyết định
phát tín hiệu này khi nào và ở đâu.
Theo
báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ, nhiều tàu hải cảnh của
Trung Quốc đang tuần tra ở những khu vực khác trên Biển Đông chỉ phát
tín hiệu khi ra vào cảng. Tuy nhiên, chỉ trong 365 ngày qua, các tàu hải
cảnh Trung Quốc đã phát tín hiệu AIS lên đến 258 ngày ở bãi Luconia,
215 ngày ở bãi Second Thomas và 162 ngày ở bãi Scarborough.
Kể
từ đầu tháng 7, tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với nhóm
tàu hải cảnh hộ tống đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang hợp tác với một số nước
để thăm dò và khai thác dầu khí.
Sự
kiện này đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm,
kể từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Báo
cáo của AMTI cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến
tháng 9 năm 2019, tín hiệu AIS cho thấy đã có 3308 cuộc tuần tra của tàu
hải cảnh Trung Quốc được thực hiện xung quanh ba bãi cạn trên, ngoài
việc tham gia vào hoạt động quấy rối khu vực thăm dò và khai thác dầu
khí của Việt Nam tại Lô 06-01, cũng như hộ tống tàu thăm dò Hải Dương 8.
Theo
các nhà nghiên cứu Mỹ, cách tuần tra tạo thành “khuôn mẫu” và “thông
lệ” này càng cho thấy ý định “khẳng định chủ quyền” của Trung Quốc ở
những nơi mà Bắc Kinh đã tuyên bố yêu sách chủ quyền nhưng chưa xây dựng
được cơ sở vật chất tại đó.
Giải
thích vì sao số lượng phát tín hiệu AIS ở bãi Luconia và bãi Second
Thomas lại thường xuyên hơn ở bãi Scarborough, báo cáo của AMTI nói là
vì hai bãi cạn trên vẫn đang nằm dưới sự quản lý của Philippines và
Malaysia trong khi bãi Scarborough xem như đã nằm dưới sự “kiểm soát
chặt chẽ” của Trung Quốc nên “không nhất thiết phải phát tín hiệu nhận
dạng vị trí của tàu như một cách tuyên bố chủ quyền”.
Theo
AMTI, Trung Quốc có vẻ như sẽ tiếp tục thực hiện cách thức cho tàu hải
cảnh hiện diện “bán thường trực” ở những khu vực tranh chấp trên Biển
Đông trong một thời gian đủ lâu để dần dần tạo thành tình trạng kiểm
soát “trên thực tế” khiến các quốc gia trong khu vực buộc phải chấp
nhận.
(VOA)
Không có nhận xét nào