Tham nhũng, phạm pháp nghiêm trọng đã
lên tới hàng ngũ cao cấp ở Việt Nam và đây là một mức độ chưa từng thấy
đáng báo động, một cựu lãnh đạo Văn phòng Quốc hội (VPQH) nói với BBC
News Tiếng Việt.
Hai cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông, các ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải) nhận hơn 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ, theo truyền thông Việt Nam |
Dấu
hiệu tham nhũng cấp cao và hiện tượng nói một đằng làm một nẻo trong
quan chức cấp cao của đảng và chính quyền gây ra một sự "khủng hoảng
niềm tin" rất lớn không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân, Luật sư
Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH nói với BBC hôm 05/9/2019.
Các đại án Mobiphone/AVG, "Vũ Nhôm' và chống tham nhũng ở VN
"Những
vụ án gần đây đặc biệt nổi lên vụ án Mobiphone mua AVG, đây đúng là một
vụ đại án lớn nhất, từ trước đến giờ chưa có xảy ra như vậy.
"Nếu
trước đây vụ Vinashin, Vinalines, vụ dầu khí, vụ Đinh La Thăng, [những
người phạm tội] tuy chức vụ thì to, nhưng khi phạm tội ở cương vị nhỏ
cỡ cấp vụ.
"Còn
đây là người trực tiếp là bộ trưởng ở trung ương phạm tội, thì có lẽ là
lần đầu tiên. Điều này cho thấy dấu hiệu suy thoái lên ở tầm cao, là
một dấu hiệu báo động rất lớn, và người ta đang nghĩ tới cần những biện
pháp gì mạnh mẽ hơn nữa, kiểm soát hơn nữa.
"Trong
khi đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh,
rồi làm gương, thì hóa ra là những ông đứng ra làm gương thì những ông
đó lại phạm trọng tội. Và đặc biệt đối với những ông như ông Trương Minh
Tuấn, là ông đã viết ra một tác phẩm chống suy thoái, chống diễn biến,
thì chính ông là người suy thoái, diễn biến lớn nhất.
"Điều
này cũng cho thấy nó cũng là biểu hiện của một số ông lớn mà nói một
đằng, làm một nẻo. Dấu hiệu đó tạo nên sự khủng hoảng niềm tin rất lớn,
không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân."
Công luận đặt câu hỏi gì?
Theo
Luật sư Trần Quốc Thuận, vụ án này đã được biết đến từ lâu trong nội bộ
Việt Nam, nhưng tốc độ xử lý và cùng một số vấn đề khác trong quá trình
điều tra, xử lý, trong đó có chính sách với các đối tượng điều tra, đã
và đang được công luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông nói:
"Vụ
án này tôi biết là trong nội bộ loan truyền với nhau từ rất lâu rồi.
Nhưng theo quy định của luật tổ chức thanh tra, (trước đây thanh tra gọi
là Thanh tra Nhà nước, nhưng từ năm 2005 thì gọi là Thanh tra Chính
phủ. như vậy vai trò của thanh tra coi như cũng chỉ là một đơn vị cấp Bộ
ở trong Chính phủ,) nhất nhất mọi hoạt động của Tổng thanh tra Chính
phủ phải nghe lệnh của ông thủ tướng cầm đầu thì mới có thể làm được.
Cho nên việc đó bị ảnh hưởng và kéo dài...
"Việc
thay Tổng Thanh tra Chính phủ là ông Phan Văn Sáu bằng anh Lê Minh Khái
là một Tổng thanh tra trẻ, thì từ khi anh Lê Minh Khái lên, vụ án này
mới vỡ ra.
"Và
cơ quan này chuyển hồ sơ sang cho các cơ quan điều tra thì mới làm vụ
án thành một vụ án được điều tra mà chúng ta biết kết quả rồi và dẫn đến
là bắt cả những người là đương là Bộ trưởng, đó là một chuyện chưa từng
có. Ông Trương Minh Tuấn khi về làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo thì hàm
chức đó cũng là Bộ trưởng.
"Trong quá trình điều tra, người ta thấy có nhiều vấn đề.
"Có
những dấu hiệu như tại sao vụ Mobiphone mua AVG lại là "đóng dấu mật",
rồi lại có nguồn tin hình như trên mạng công khai "người ta hạn chế
nói", hay là không biết có lệnh cấm gì không?
"Lúc
đầu người ta hăm, người ta bảo là nếu nhà nước không mua AVG, thì AVG
sẽ bán cho Trung Quốc, mà bán cho Trung Quốc thì vấn đề an ninh, quốc
phòng, ngoại giao phức tạp, cho nên 'giá nào' cũng mua, hay đó là tin
giả? Rồi tin giả lại 'ẩn' dưới tài liệu gọi là 'mật', nhưng bây giờ
người ta 'khui ra' thì đâu phải 'mật'?
"Bởi
vì chúng ta biết rằng vấn đề mật hay không mật có quy định rất chặt chẽ
về pháp luật về danh mục nào mật, danh mục nào không mật. Mà danh mục
nào mật phải có trong Nghị định của Chính phủ, tùy từng bộ có danh mục,
mà nếu vào danh mục đó thì mới gọi là 'mật', 'tối mật', hay 'tuyệt mật',
chứ không phải là muốn 'mật' thì đóng dấu 'mật'. Cho nên riêng tài liệu
mà Mobiphone mua AVG mà đóng dấu 'mật' cũng là một dấu hiệu khác không
bình thường."
"Hư hỏng cán bộ chứng tỏ điều gì?"
Theo
cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, điều không bình
thường mà công luận đặt dấu hỏi còn nằm ở mức giá cả giao dịch mua bán
giữa các bên trong vụ án.
Ông nói:
"Cái
mà người ta nói là không bình thường lớn nhất là người ta phóng cái giá
lớn lên như thế. Phóng giá lên một số tiền là 6.600 tỷ VNĐ mà tiền lại
quả, hối lộ chỉ là 140 tỷ VNĐ, thì số tiền hối lộ đó rất nhỏ.
"Cho
nên người ta yêu cầu phải điều tra tới nơi về việc số tiền nói vống
lên, khoảng 2.000 tỷ VNĐ, đẩy giá lên đến gần 9.000 tỷ VNĐ, số tiền
chênh lệch đó được chia cho ai, vào tay ai? Người ta vẫn cảm giác rằng
vụ án này chưa làm tới nơi, tới chốn."
Một
vụ án nữa, cũng trong số nhiều vụ đại án đang được công luận Việt Nam
quan tâm, đó là vụ án doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Theo dõi vụ việc này đến nay, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét:
"Vụ
đó cũng cho thấy rằng phẩm chất của những người lãnh đạo trong bộ máy
nhà nước là có vấn đề, có những lỗ hổng nghiêm trọng, suy thoái nghiêm
trọng, liên quan đến tướng lãnh, liên quan đến lãnh đạo, hàm thứ trưởng,
bộ trưởng...
"Điều
đó cho thấy rằng một lớp người đáng kể là hư hỏng. Người ta bảo trước
kia sau năm 1975, thường người ta nói là những người mà hư hỏng thì đây
là tàn dư của chế độ cũ, nhưng mà tàn dư gì bây giờ là gần 45 năm rồi?
Những người này là do chế độ này đào tạo, mà bây giờ hư cỡ đó thì điều
đó chứng tỏ là có vấn đề.
"Cho
nên vấn đề là cần chọn lựa, đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ như
thế nào, phải có một sự cạnh tranh như thế nào, có một cơ chế, thể chế
như thế nào, để loại bỏ những thành phần như thế không ngoi lên những vị
trí cấp cao lãnh đạo của đảng và nhà nước của chúng ta (Việt Nam) hiện
nay."
(BBC)
Không có nhận xét nào