Người phát ngôn của Quốc hội Việt
Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc vào ngày 25/9 được truyền thông trong
nước dẫn lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc “không
thuộc thành phần đoàn ngoại giao” và chỉ “đi nhờ máy bay”.
Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. |
Phát
biểu vừa nêu của ông tổng thư ký quốc hội VN khóa 14 được đưa ra sau
vài ngày giữ im lặng hoàn toàn về vụ việc. Truyền thông Việt Nam hôm
25/9 bất ngờ dẫn phát ngôn của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, người
phát ngôn của Quốc hội: “Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Số người
bỏ trốn nêu trên thuộc thành phần của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu
tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc.”
“Sự
kiện này do Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và
Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tổ chức. Những người bỏ trốn
không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không
được cấp visa ngoại giao".
"Trong
quá trình chuẩn bị phục vụ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Quốc hội
đến Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức diễn đàn nêu trên có
liên hệ cho đoàn của họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng
tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính
thức. Hiện lãnh đạo Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp các bên có
liên quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Tuy
vậy, truyền thông Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về danh tính và
nghề nghiệp của những người “đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân”
và tại sao những người này có được “đặc quyền” đó.
Hơn
10 tháng sau khi phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm
việc tại Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài
truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi
theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến
ngày 7/12/2018.
Bộ
Ngoại giao Hàn Quốc sau đó xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong
chuyến thăm của phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, có chín người
nhập cư bất hợp pháp, hai trong số họ đã trở về nước, bảy người vẫn còn
đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Liên
quan đến vụ này, ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa
14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, nói
với RFA: “Phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công
nghiệp thực phẩm, thì đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi
kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi
kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có
chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn đại biểu Quốc hội thì vị nào
chuyên về việc đó thì đi.”
“Theo
tôi biết thì trước kia chưa có ai trong đoàn Quốc hội trốn cả, các đoàn
kinh tế bình thường thì hồi xưa, hàng chục năm trước cũng có, các đoàn
công tác thì cũng có người ở lại, nhưng rất là hạn hữu. Còn đoàn của
Quốc hội đi nước ngoài thì tôi chưa thấy trốn bao giờ.”
Theo
tin Thông tấn xã Việt Nam đăng tải hồi tháng 12/ 2018, chuyến thăm Hàn
Quốc của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam “có ý nghĩa quan trọng, thể
hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc
và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới”.
Theo Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, Quốc hội Hàn Quốc “đã
không thông báo cho phía Việt Nam biết về việc chín người Việt Nam bỏ
trốn, cũng như đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra, hay yêu cầu
đảm bảo tránh sự việc tương tự tái diễn trong tương lai”.
(RFA)
Không có nhận xét nào