Ảnh minh họa: Hai công nhân đang làm việc tại nhà máy Ford Hải Dương ngày 11/1/2017 |
Đôi
tuần trước, tin tức trên tờ Nikkei Asian Review cho hay hãng Google đã
quyết định sẽ chuyển việc sản xuất và lắp đặt điện thoại đa năng Pixel
từ Trung Quốc qua Việt Nam nhằm tránh cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện
nay, cũng như theo xu hướng các hãng nước ngoài dời ra khỏi đại lục vì
chi phí nhân công tại đây ngày càng đắt đỏ, gần gấp đôi Việt Nam theo
như số liệu từ ADB . Một đôi nguồn tin khác cũng cho biết hãng Apple có
thể chuyển khoảng 15-25 % sản lượng iPhone của mình sang Việt Nam. Những
nguồn tin tương tự và đại loại như vậy, dù chưa chính thức được các
hãng xác nhận cũng đã tạo cho nhiều người một cảm giác lạc quan rằng
Việt Nam đã sẵn sàng và nhanh chóng thay thế Trung Quốc để trở thành một
"đại công xưởng" của thế giới trong tương lai. Nhưng trên thực tế, liệu
nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đổ vào Việt Nam là như thế nào,
cũng như Việt Nam đã hội đủ điều kiện cho cơ hội này?
Theo
số liệu từ Cục Đầu Tư Nước Ngoại thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư vừa công
bố thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam trong tám
tháng đầu năm 2019 đã giảm 7.1 % so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 22.6 tỉ
đô la. Cũng theo báo cáo này, không có những dự án quy mô mà phần lớn
chỉ là góp vốn, đầu tư địa ốc, mua bán lẻ hay mua cổ phần trực tiếp từ
các doanh nghiệp trong nước để chiếm lãnh thị trường nội địa, như vụ mua
cổ phần của Tổng Công Ty Bia Rượu Nước Giải Khát Vietnam Beverage gần
bốn tỉ đô la chẳng hạn. Những thương vụ đầu tư này hầu hết đến từ các
quốc gia như Hồng Kông, Nam Hàn, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, nhắm
vào việc khai thác thị trường Việt Nam trong các lãnh vực tiêu dùng hơn
là giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Đáng chú ý hơn là Trung Quốc đang gia tăng mạnh việc đầu tư sang Việt
Nam, từ thứ hạng thứ bảy, tám của đôi năm trước đã leo đến thứ hạng thứ
tư trong năm nay và còn hứa hẹn sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ hơn một khi
thương chiến leo thang. Các hãng thầu Trung Quốc hiện có mặt trong hầu
hết các dự án quan trọng của Việt Nam hiện nay. Điều này không kể là,
nhằm né bớt sự phát hiện việc sử dụng Việt Nam như một "sân sau" trong
cuộc thương chiến hiện nay qua các đầu tư vào việc gia công, chế biến và
sản xuất, không loại trừ việc các công ty Hoa Lục đã sử dụng Hồng Kông
và vài nước khác để đi vào Việt Nam dưới danh nghĩa các quốc gia này.
Việt Nam có thể chỉ xem xét các hãng đầu tư nước ngoài đặt bản doanh tại
đâu mà đưa ra các số liệu về các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng
liệu có truy lùng nguồn gốc, thời gian thành lập của các hãng đầu tư này
là như thế nào?
Việc
đầu tư vào Việt Nam hay các nước kém phát triển thường được các nhà đầu
tư cân nhắc nhiều yếu tố, không chỉ riêng một thị trường nhân công giá
rẻ hay nguồn nhân công có đủ khả năng hay không. Nó liên quan đến mức độ
tham nhũng tại quốc gia đó như thế nào, thủ tục hành chánh nhiêu khê ra
sao và cơ chế luật pháp, việc bảo vệ nhà đầu tư có minh bạch, rõ ràng.
Đây là trở ngại lớn nhất mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phân tích và
đánh giá khi cần nhắc việc đầu tư tại Việt Nam hiện nay.
Còn
tình trạng tại Việt Nam hiện nay thì sao? Theo đánh giá và sắp hạng
của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) - tổ chức
chống tham nhũng toàn cầu, thì trong năm qua, chỉ số về tham nhũng (CPI)
của Việt Nam đạt 33 điểm (trên 100), tụt 2 điểm so với năm trước, xếp
hạng 117 trên toàn thế giới. Việt Nam kêu gọi chống tham nhũng nhưng kết
quả và thực tế dường như chưa đến đâu, thậm chí tụt lùi như báo cáo vừa
dẫn. Một vài vụ án xem như tham nhũng được đưa ra công luận như các vụ
tại công ty gang thép Thái Nguyên, Vinashin, Ngân Hàng Phương Nam, vụ
án "Vũ Nhôm" tại Đà Nẵng hay mới nhất là tiết lộ việc đưa nhận hối lộ
trong vụ Mobifone liên quan đến hai cựu bộ trưởng Việt Nam... chỉ là con
số quá nhỏ. Không kể dư luận còn cho rằng chúng mang mục đích "thanh
trừng quyền lực" hơn là chống tham nhũng thật sự. Người ta có lý do để
nhận xét như vậy khi công luận vẫn chưa quên vụ án Trịnh Xuân Thanh rình
rang đôi năm trước. Vụ án đã phải được dàn dựng kịch bản từ việc Thanh
sử dụng chiếc xe Lexus sang trọng mang biển xanh tại Hậu Giang, cho đến
việc cho an ninh sang Đức bắt cóc bất chấp luật pháp quốc tế và hậu quả
để dẫn đến việc truy tố Đinh La Thăng, đã cho thấy rằng, nếu đó chỉ là
một vụ chống tham nhũng thông thường thì đã không quá phức tạp và liều
lĩnh, tổn hại đến quan hệ ngoại giao đến vậy.
Thêm
vào đó, các thủ tục hành chính, quan thuế nhiêu khê và luật lệ thiếu rõ
ràng cũng là điều kiện để các giới chức thẩm quyền liên quan có cơ hội
nhận hối lộ, đưa tình trạng tham nhũng tại Việt Nam lên cao. Ngay chính
các đại biểu quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ 7 khoá XIV vừa qua cũng
thừa nhận các thủ tục hành chính hiện nay là quá "nhiêu khê, rườm rà".
Am hiểu văn hóa và biết cách tận dụng hiện trạng tham nhũng tại Việt
Nam, các hãng thầu và đầu tư Trung Quốc dễ dàng đạt được những giao dịch
và thoả thuận có lợi cho mình khi đầu tư vào Việt Nam hơn là các hãng
Mỹ và phương Tây, vốn tuân thủ pháp luật hoặc có thể chịu trách nhiệm
trước pháp luật tại quốc gia của mình một khi đi theo con đường này. Họ
thà chấp nhận chuyển việc đầu tư và mở hãng sang các quốc gia Đông Nam Á
có tệ nạn tham nhũng thấp hơn (tính theo chỉ số CPI) và luật lệ rõ ràng
hơn như Malaysia, Indonesia, Thái Lan... chẳng hạn, cho dù giá nhân
công cao hơn nhưng tổng chi phí có thể tương đương hoặc thấp hơn khi
không phải lo lót hối lộ đầy rủi ro.
Đọc
lại sách xưa, trong điều 138 của Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh
Tông có ghi rằng, "Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép
nước thì bị phạt. Tham ô từ 1 đến 9 quan tiền thì bị bãi chức, từ 10 đến
19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên thì bị xử
chém". Một quan tiền có thời giá bao nhiêu khó lòng quy đổi chính xác
nhưng chiếu theo điều 494 cũng của bộ luật này có ghi rằng, "tội ngộ sát
thì đền tiền mai táng 20 quan" thì có thể ước lượng giá trị 20 quan
tiền để bị án chém nặng nề chỉ là một số tiền rất nhỏ. Còn hiện nay,
những vụ án hàng nhiều triệu đô, nếu quả thật là tham nhũng, mà cũng
được đề nghị có "tình tiết giảm nhẹ" hay hưởng "chính sách hình sự đặc
biệt" thì chuyện "chống tham nhũng" còn tùy thuộc vào ai là kẻ tham
nhũng. Chuyện các thanh tra chống tham nhũng nhưng tham nhũng là chuyện
chẳng làm ai ngạc nhiên tại Việt Nam hiện nay. Trong hội nghị Thanh Tra
Chính Phủ vừa tổ chức hồi tháng Bảy 2019 vừa qua, chính Phó Tổng Thanh
Tra Trần Ngọc Liêm thừa nhận rằng, "Tình trạng tham nhũng vặt, nhũng
nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công
việc chưa được ngăn chận hiệu quả. Vẫn còn xảy ra các sai phạm, tham
nhũng xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật...". Như vậy, chừng nào
vấn nạn tham nhũng còn chưa giải quyết được thì Việt Nam vẫn còn khó
lòng nhận được đầu tư nước ngoài mạnh mẽ để trở thành một "đại công
xưởng" thế giới như viễn ảnh lạc quan mà Việt Nam mong chờ.
Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
(RFA)
Không có nhận xét nào