Một quan chức cấp cao của Việt Nam dự
kiến sẽ có bài phát biểu trước lãnh đạo các nước tại cuộc họp của Đại
Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), và giới phân tích cho rằng Hà Nội nên nêu
vụ "đối đầu" với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của
nhiều quốc gia hơn nữa.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2016. |
Văn
phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António
Guterres cho VOA tiếng Việt biết rằng, theo lịch trình tạm thời, một phó
thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/9. Tuy nhiên, Bộ
Ngoại giao Việt Nam hiện chưa thấy thông báo về phái đoàn dự kỳ họp của
UNGA lần này.
Mới
đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng yêu cầu Việt Nam
phải “ngay lập tức chấm dứt” các hoạt động thăm dò dầu khí đơn phương
tại Bãi Tư Chính. Trong khi đó, Hà Nội tuyên bố rằng Bắc Kinh đã đưa tàu
thăm dò Hải Dương 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
“Trung
Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và quyền chủ
quyền và quyền tài phán đối với các vùng lãnh hải Vạn An Than (Bãi Tư
Chính) thuộc quần đảo Nam Sa”, ông Cảnh nói.
Trước
tuyên bố mà nhiều người Việt cho là “ngang ngược” này của Trung Quốc,
ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng Việt Nam nên đưa vụ
Bãi Tư Chính ra trước UNGA.
“Về
lâu dài, lựa chọn duy nhất của Việt Nam nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền
của Trung Quốc là vận động sự ủng hộ của quốc tế để Bắc Kinh cảm thấy
rằng họ bị tổn hại nhiều về danh tiếng và ngoại giao. Cho tới nay, ngoài
Mỹ, Hà Nội vẫn chưa được nước nào khác lên tiếng rõ ràng về vấn đề
này”, ông Poling nói với VOA tiếng Việt.
“Một
bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ giúp thu hút sự chú ý
của cộng đồng quốc tế và các nước có tiếng nói như Úc, Nhật và Anh cùng
các quốc gia vốn giữ im lặng phải lên tiếng”.
Năm
ngoái, khi tình hình Biển Đông chưa “nóng” như hiện nay, phát biểu
trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc tới
vấn đề tranh chấp lãnh hải, với tuyên bố rằng Việt Nam “luôn nhất quán
trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của
luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp
hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông, trên cơ sở Công ước của Liên
Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng
hải, hàng không”.
Một
năm trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
cũng có tuyên bố tương tự ở Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi “tất cả các
bên liên quan kiềm chế”.
Ông
Poling nhận định rằng một bài phát biểu có nêu vụ “đối đầu” ở Bãi Tư
Chính “chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, nhưng nó cũng dẫn tới phản
ứng tiêu cực đáng kể đối với Bắc Kinh từ các nước có đồng quan điểm ở
châu Âu, Mỹ, Canada, Australia hay Nhật”.
“Và
nó cũng sẽ mở đường cho các nước này, đặc biệt là Mỹ, tìm cách thay mặt
Việt Nam vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế”, nhà nghiên cứu của trung
tâm ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo Việt Nam từng tới thăm và
phát biểu, nói.
Tổng
thống Trump hôm 24/9 đã sử dụng bài phát biểu trước UNGA để phát đi
thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc
chiến thương mại cũng như cảnh báo rằng thế giới giới đang theo dõi cách
thức Bắc Kinh xử lý các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Bộ trưởng Ngoại
giao Trung Quốc Vương Nghị sau đó đáp trả rằng Bắc Kinh sẽ không khuất
phục trước các lời đe dọa.
Liên
quan tới bài phát biểu sắp tới của lãnh đạo Việt Nam, khi được hỏi rằng
liệu Hà Nội có thể vận động được ủng hộ nhiều tới mức nào ở UNGA nếu đề
cập cụ thể tới vụ Bãi Tư Chính, ông Poling nói rằng “có nhiều hơn hẳn
các nước phản đối thay vì ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Nhà
nghiên cứu này lấy ví dụ về việc hơn 50 nước chúc mừng Philippines
“thắng kiện” khi đưa tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của
Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, trong khi chỉ có hơn 30 nước,
phần lớn là từ Trung Đông và Bắc Phi, đứng về phía Bắc Kinh phản đối
phán quyết có lợi cho Manila. Nhiều học giả và các nhà hoạt động Việt
Nam lâu nay đã kêu gọi Hà Nội theo chân Philippines, kiện Trung Quốc.
“Nếu
vấn đề [Bãi Tư Chính] được nêu lên trước Liên Hợp Quốc, không còn nghi
ngờ gì chuyện nhiều nước lưỡng lự vì áp lực của Trung Quốc đối với các
quốc gia nhỏ hơn ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin và một số quốc gia ở
châu Á, nhưng sẽ có thêm nhiều nước công khai đứng về phía Việt Nam hơn
là Trung Quốc”, ông Poling nói.
“Và các nước ủng hộ Việt Nam sẽ có sức nặng hơn nhiều về mặt dân số, sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng”.
(VOA)
Không có nhận xét nào