Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam lên án Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí ở Biển Đông

    Hôm 12/09, Việt Nam nói các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

    Thông cáo của PetroVietnam về dự án Cá Voi Xanh, ngày 12/09/2019.
    Báo Lao Động dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, nói: “Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, được xác định theo đúng quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.”

    Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin liên quan tới ExxonMobil và dự án Cá Voi Xanh, bà Hằng nói: “Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam hay PVN) đã có thông tin cho biết về các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được các tổ hợp nhà thầu gồm PVN, công ty thăm dò khai thác dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế hoạch.”

    Cũng hôm 12/09, PetroVietnam ra thông cáo ngắn trên trang web của tập đoàn: “Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch.”

    “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này.”

    Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ Cá Voi Xanh với PetroVietnam “bỏ cuộc,” trong lúc có tin nói rằng Trung Quốc “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.

    Hôm 12/09, giáo sư Úc Carl Thayer chuyên nghiên cứu về tình hình Việt Nam, viết trên Twitter rằng: “Rất có thể lý do ExxonMobil bán mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam, một dự án nhỏ ở khu vực không cốt lõi, để thoái vốn 15 tỷ đôla nhằm cân đối hạng mục đầu tư cho 5 khu vực khác” ngoài Việt Nam.

    Liên quan tới việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao ngày 12/09 khẳng định đã xác nhận và cho biết kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc.

    Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu HD (Hải Dương 08) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

    (VOA)

    Không có nhận xét nào