Trước những hành động gây áp lực của
Trung Quốc qua việc đưa tàu khảo sát vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đang buộc phải đẩy mạnh
việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, kể
cả những quốc gia ngoài vùng biển này.
Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) của Trung Quốc tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson. |
Việc
Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hộ tống đi
vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đặt Hà Nội vào thế rất khó
xử. Một mặt, Việt Nam không thể nào đối đầu trực diện với một lực lượng
áp đảo, không thể nào ngăn chận các tàu của Trung Quốc, mà trong những
ngày qua chỉ có thể lên tiếng phản đối với Bắc Kinh. Nhưng mặt khác, Hà
Nội cũng không thể trông chờ vào bất cứ quốc gia nào khác trong việc bảo
vệ vùng biển của mình, bởi lẽ đối với quốc tế, kể cả đối với Hoa Kỳ,
Biển Đông là khu vực đang tranh chấp và các nước bên ngoài không muốn
đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này.
Để
giải tỏa áp lực của Trung Quốc, Việt Nam chỉ còn cách vận động quốc tế
lên án những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở quyền tự do
hàng hải trên vùng Biển Đông. Trong chiều hướng đó, hôm qua, trong bức
thư trả lời báo chí quốc tế về tuyên bố của ba nước châu Âu Pháp, Anh,
Đức đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ
Ngoại Giao Việt Nam, đã nhấn mạnh : « Biển Đông có những tác động quan
trọng đối với những nước bên trong cũng như bên ngoài khu vực, về mặt
kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ».
Phát
ngôn viên bộ Ngoại Giao tuyên bố : « Việt Nam hoan nghênh và mong muốn
các nước khác và cộng đồng quốc tế tham gia vào việc duy trì hòa bình,
an ninh và ổn định trong khu vực ».
Hà
Nội đã có phản ứng như trên, sau khi ba nước châu Âu và cũng là ba nước
ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ra tuyên bố chung bày tỏ
quan ngại rằng các căng thẳng trên Biển Đông có thể dẫn đến tình trạng
mất an ninh và bất ổn định tại khu vực này. Pháp, Anh và Đức còn nhấn
mạnh là chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quyền chủ quyền
của các nước tranh chấp phải được bảo đảm.
Thật
ra thì ngay từ khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng biển Việt
Nam ngày 13/08, lần đầu tiên Hà Nội công khai kêu gọi quốc tế tham gia
giải quyết vấn đề Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 16/08, phát ngôn
viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố : « Việt Nam kêu gọi các
nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa
bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông ».
Nỗ
lực của Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông cũng đã được thể hiện rõ
qua chuyến thăm của thủ tướng Úc Scott Morrison. Trong tuyên bố chung
sau cuộc hội đàm giữa ông Morrison với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày
23/08, lãnh đạo chính phủ hai nước, tuy không nêu đích danh Trung Quốc,
đã bày tỏ quan ngại trước « các hành động cản trở các dự án dầu khí được
triển khai lâu nay ở Biển Đông ». Hai vị thủ tướng còn nhấn mạnh « tầm
quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế
và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ».
Bản
tuyên bố chung nói trên có ý nghĩa đặc biệt, vì Úc là một quốc gia bên
ngoài vùng Biển Đông và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực.
Ngay chính Hoa Kỳ, tuy vẫn không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ
quyền Biển Đông, cũng đã thẳng thừng lên án việc Trung Quốc hù dọa các
nước tranh chấp khác để ngăn cản họ phát triển các nguồn tài nguyên
trong vùng biển của họ.
Nhưng
Hà Nội cũng thừa biết kêu gọi sự tham gia của quốc tế vào vấn đề Biển
Đông là một ván bài khá liều lĩnh, bởi vì cho tới nay, Trung Quốc dứt
khoát không muốn quốc tế hóa hồ sơ này và đã nhiều lần lên án sự can
thiệp của các nước ngoài khu vực là chỉ « làm gia tăng căng thẳng ».
Mặt
khác, nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông rốt cuộc chỉ làm nỗi rõ một
điều, đó là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không có một
đồng minh thân thiết nào, không thể dựa vào một liên minh nào, thậm chí
không thể trông chờ vào khối ASEAN, mà trong đó gần như chỉ có Hà Nội tỏ
ra kiên quyết nhất với Bắc Kinh.
(RFI)
Không có nhận xét nào