Ngày 28/09/2019, trên diễn đàn Liên
Hiệp Quốc, ngoại trưởng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình hình căng
thẳng tại Biển Đông. Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm lược với hành
động cho tàu công vụ của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông), diễn văn của ngoại trưởng
Việt Nam không hề nói đến Trung Quốc, cũng không nhắc một cách cụ thể
đến Bãi Tư Chính và các hành vi phi pháp cụ thể của Trung Quốc.
Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 28/09/2019. |
Những
hành động xâm lấn của Trung Quốc ngay trong vùng thềm lục địa của Việt
Nam ở Biển Đông trong ba tháng đã được gợi lên trong nhóm từ « những
diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có những vụ vi phạm chủ quyền
và quyền tài phán tại vùng biển của Việt Nam », còn thủ phạm thì được
gọi là « các bên liên quan ».
Lời
lẽ tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam khác xa với tuyên bố ngày 12/09 vừa
qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã nêu đích danh Trung
Quốc để « kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8
của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền,
quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình,được xác định phù
hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
(UNCLOS 1982). »
Tuyên
bố « rất ngoại giao » của ngoại trưởng Việt Nam đã không đáp ứng mong
đợi của nhiều chuyên gia ở trong nước cũng như ngoài nước, cho rằng Việt
Nam cần phải mạnh dạn nêu bật các hành vi xâm lược của Trung Quốc ra
trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đã công khai tố cáo
ngược lại rằng chính Việt Nam mới là bên đã vi phạm vùng biển của Trung
Quốc và đòi phía Việt Nam phải đình chỉ toàn bộ các hoạt động dầu khí
tại khu vực Bãi Tư Chính.
Tuy
nhiên, trong một bài phân tích đăng ngày 24/09/2019 trên trang mạng của
cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu
Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, bà Phạm Ngọc Minh Trang,
giảng viên Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thỉnh giảng tại
Trường Luật Đại Học New York, đã nêu bật một số yếu tố khiến cho việc
vạch mặt chỉ tên Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc không có lợi
cho Việt Nam.
Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng, nhưng…
Mở
đầu bài phân tích, tác giả xác nhận rằng hiện có ý kiến cho rằng Việt
Nam nên mạnh dạn phơi bày các « hành vi bắt nạt » của Trung Quốc ở Biển
Đông ra trước mắt cộng đồng quốc tế. Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc là thời cơ lý tưởng.
Trên
nguyên tắc Đại Hội Đồng và Hội Đồng Bảo An là các định chế quan trọng
nhất Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia thành viên thường đưa ra các vấn đề về
hòa bình và an ninh quốc tế ra trước Đại Hội Đồng thay vì Hội Đồng Bảo
An, vì lẽ ở đó các quyết định không bị vướng phải quyền phủ quyết của
một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Pháp,
Nga và Trung Quốc.
Một
nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua có thể mang lại
những hậu quả chính trị và pháp lý nhất định mà nhiều quốc gia hy vọng
có thể giúp giải quyết xung đột.
Sức
mạnh của Đại Hội Đồng nằm ở chỗ định chế này bao gồm tất cả các quốc
gia thành viên, và mọi quốc gia đều có một phiếu bầu bình đẳng với nhau.
Một nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua được cho là
phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế, và các quốc gia thường tìm
kiếm một nghị quyết như vậy tạo tính chính đáng cho hành động của họ.
Nghị
quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có thể ảnh hưởng đến các quốc gia
thành viên về mặt chính trị và do đó ảnh hưởng đến các lựa chọn về
chính sách đối ngoại. Chẳng hạn như các khuyến nghị do Đại Hội Đồng Liên
Hiệp Quốc đưa ra đã được Hoa Kỳ công nhận làm nguyên tắc đàm phán với
Trung Quốc trong Chiến Tranh Triều Tiên.
Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng có thể mang lại một số hiệu lực pháp lý…
Một
số học giả thậm chí còn coi các nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, có thể được coi là một yếu
tố của luật tập quán quốc tế (customary international law). Theo hướng
này, nhiều nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã được trích dẫn
tại các tòa án quốc tế...
Đưa Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng LHQ : Có thể lợi bất cập hại
Theo
tác giả bài phân tích, chính vì những tác động tiềm tàng trên đây của
một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải cân nhắc khi đem vấn đề
Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Căn
cứ vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn có
quyền đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam ra trước Đại
Hội Đồng. Điều 11 và 14 của Hiến Chương quy định rằng chức năng chủ chốt
của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bao gồm việc thảo luận và ra khuyến
nghị về những vấn đề có tác hại đến an ninh và hòa bình thế giới.
Với
thực tế là Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế và quan trọng đối
với hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, Việt Nam có thể dễ dàng lập
luận rằng tình hình ở Biển Đông đã vượt quá phạm vi tranh chấp giữa một
số quốc gia hay thậm chí xung đột khu vực và nên được coi là một vấn đề
của hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy
nhiên, hiện có những trở ngại nghiêm trọng khiến Việt Nam khó có thể
đạt được một chiến thắng đáng kể nếu bạo dạn đưa vấn đề Biển Đông ra
trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Khó
khăn chủ yếu là làm sao vận động được đại đa số các thành viên Liên
Hiệp Quốc ủng hộ mình. Đã đành là các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức
đều đã bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc,
nhưng hậu thuẫn này có thể không đủ để thông qua nghị quyết của Đại Hội
Đồng Liên Hiệp Quốc.
Nhiều nước còn ủng hộ Trung Quốc…
Về
phía Trung Quốc, số lượng các quốc gia trước đây từng ủng hộ quan điểm
của Trung Quốc về Biển Đông không phải là ít. Ảnh hưởng của Trung Quốc
trên các nước châu Phi phải được đặc biệt tính đến. Hơn nữa, Bắc Kinh
dường như đang trong quá trình đàm phán với Malaysia và Philippines, và
hai nước này có thể sẽ không muốn phá hỏng quan hệ hữu hảo với Trung
Quốc. Kịch bản này khiến Việt Nam khó thuyết phục các nước khác trong
Liên Hiệp Quốc, kể cả các nước láng giềng Biển Đông, nhiệt tình ủng hộ
mình tại Đại Hội Đồng.
Vào
năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 sâu trong thềm
lục địa của Việt Nam, sự kiện này đã chiếm lĩnh tựa lớn trên báo chí
quốc tế, và thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Lần này, tình thế đã
khác đi, hành động của Trung Quốc đã không làm dấy lên những phản ứng
quốc tế tương tự.
Trong
tình hình đó, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang, khả năng Việt Nam
thắng lớn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm này khá xa vời.
Do
việc một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Biển Đông sẽ có
một tác động chính trị và pháp lý sâu sắc, Việt Nam nên giữ khả năng này
trong danh sách các chiến lược khả thi, nhưng cần thực hiện một số bước
sơ bộ để huy động hậu thuẫn quốc tế và tăng cơ hội thành công.
Theo
tác giả bài viết, một tuyên bố của các nước ASEAN hoặc của toàn khối
ASEAN chẳng hạn, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, có thể khiến
vấn đề được thông suốt hơn tại các cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc. Một tuyên bố chung được Việt Nam và các quốc gia có quan tâm đến
Biển Đông như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng soạn thảo và ký
kết cũng có thể giúp ích cho Việt Nam.
Trong cả hai trường hợp trên, Hà Nội phải đóng vai trò tích cực và áp dụng một chiến thuật ngoại giao khéo léo.
Tóm
lại, đưa vấn đề về Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ
không chỉ đòi hỏi một chiến lược tỉ mỉ, mà còn cần đến rất nhiều nỗ lực
và thời gian. Hiện tại, khả năng thành công có lẽ không đủ cao để Việt
Nam chấp nhận rủi ro. Nhưng với một công cuộc vận động thích hợp, một
nghị quyết Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vẫn là một lựa chọn có giá trị
cho các nước nhỏ như Việt Nam, đang tìm cách kháng cự lại Trung Quốc ở
Biển Đông.
(RFI)
Không có nhận xét nào