Theo nhật báo Hồng Kông South China
Morning Post ngày 25/09/2019, Trung Quốc vừa đưa một giàn khoan dầu hỏa
nước sâu xuống hoạt động tại Biển Đông.
Ảnh minh họa - Một giàn khoan dầu khí ngoài biển. |
Việc
Bắc Kinh đưa giàn khoan mang tên Hải Dương Thạch Du 982 xuống Biển Đông
gợi lại vụ Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trong vùng
thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, làm dấy lên phản ứng dữ dội của Việt
Nam.
Trích
dẫn một bài viết trên trang mạng Trường An Kiếm (Chang An Jian) của Ủy
Ban Chính Pháp Trung Ương Trung Quốc, South China Morning Post cho biết
là giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) bắt đầu
hoạt động từ hôm 21/09 tại một vùng biển sâu đến 3.000 m ở Biển Đông.
Theo
bài viết, đây là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong số các giàn
khoan cùng loại của Trung Quốc, có thể khoan ở độ sâu đến 5.000 m dưới
biển. Tuy nhiên, tác giả không cho biết là giàn khoan đang hoạt động ở
khu vực nào tại Biển Đông.
Vụ
Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 982 xuống Biển Đông chắc chắn sẽ được
chính quyền Việt Nam theo dõi sát, trong bối cảnh hồi tháng 7 vừa qua,
Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào hoạt động trong
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư
Chính.
Chiếc
tàu này hiện đã quay về neo đậu tại Đá Chữ Thập ở vùng Trường Sa, nhưng
giới quan sát không loại trừ khả năng chiếc tàu đó trở lại khu vực Bãi
Tư Chính như đã từng làm.
Ngoài
ra, Trung Quốc cũng đã cho chiếc tàu cẩu Lam Kình di chuyển qua vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà theo South China Morning Post, có lúc
chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90 km.
Vụ
Hải Dương Thạch Du 982 xuống Biển Đông còn đặc biệt gợi lên vụ giàn
khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc, Hải Dương Thạch Du 981, bắt đầu
hoạt động tại Biển Đông vào năm 2012, và hai năm sau đã được Bắc Kinh
lắp đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm
dấy lên phong trào phản đối Trung Quốc xâm lấn Việt Nam.
Theo
tờ báo Hồng Kông, từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt
động thăm dò đầu khí nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn cung ứng dầu thô từ
nước ngoài. Mối quan ngại của Trung Quốc về việc thiếu nhiên liệu càng
gia tăng, trong bối cảnh các cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út vừa bị tấn
công, mà vương quốc này là nguồn cung cấp dầu thô thứ hai cho Trung
Quốc.
(RFI)
Không có nhận xét nào