Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức tăng
thêm thuế đối với tổng cộng hơn 200 tỉ đô la hàng hóa của nhau, bắt đầu
từ ngày 01/09/2019. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc gia tăng
cường độ, dù gần đây cả hai bên cố thể hiện mong muốn hạ nhiệt.
Đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh minh họa. |
Phía
Trung Quốc sẽ tăng thuế đối với khoảng 75 tỉ đô la hàng nhập khẩu Mỹ,
từ 5% đến 10% tùy theo chủng loại. Hoa Kỳ tăng 15% thuế đối với hơn 125
tỉ đô la trên tổng số 300 tỉ đô la sản phẩm của Trung Quốc chưa bị áp
thuế. Mức thuế 15% được tổng thống Mỹ công bố cách đây 8 ngày, tăng thêm
5 điểm so với mức thuế 10% hiện nay. Quyết định tăng thêm 5 điểm là để
đáp trả các biện pháp tăng thuế hàng Mỹ của Bắc Kinh.
Theo
Reuters, trong số những mặt hàng Trung Quốc bị tăng thuế từ ngày 01/09
có đồng hồ nối mạng, tai nghe Bluetooth, hàng may mặc, thực phẩm, dụng
cụ thể thao… Phần 175 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc còn lại sẽ dần bị
tăng thuế cho đến ngày 15/12/2019, trong đó có hàng điện tử như điện
thoại di động, máy tính xách tay và trò chơi điện tử…
Tờ
Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc khẳng định mức thuế mới của Mỹ sẽ
không cản trở được sự phát triển của Trung Quốc. Còn Tân Hoa Xã cho rằng
« Hoa Kỳ nên học cách hành xử như một cường quốc thế giới có trách
nhiệm và ngừng cư xử như một ‘kẻ ngổ ngáo’ ».
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và hiệu ứng domino
Ngoài
Trung Quốc và Hoa Kỳ bị tác động trong cuộc chiến thương mại, nhưng rất
nhiều nước trên thế giới cũng bị « vạ lây », theo giải thích với RFI
của giáo sư Mary-Françoise Renard, đại học Clermont-Auvergne, phụ trách
Viện Nghiên cứu về Kinh tế Trung Quốc ở CERDI :
«
Một cuộc chiến thương mại gây tốn kém cho tất cả các nước. Trước tiên
là Trung Quốc, vì các doanh nghiệp nước này bị mất đầu ra. Họ xuất khẩu
ít hơn sang thị trường Mỹ vì sản phẩm của họ trở nên đắt hơn. Mặt khác,
đối với hàng hóa nhập từ Mỹ và bị Trung Quốc đánh thuế, thì chính người
tiêu dùng phải chịu chi phí.
Ngoài
ra còn phải chú ý đến chuỗi giá trị, có nghĩa là cùng một sản phẩm
nhưng được sản xuất ở nhiều nước khác nhau. Ví dụ, Úc xuất khẩu len sang
Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc chế biến len cho hàng dệt may, rồi
xuất khẩu sang Mỹ. Vì Mỹ muốn đánh thuế hàng may mặc Trung Quốc nên dĩ
nhiên, ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc bị tác động, vì bán ít hàng
hóa hơn trên thị trường Mỹ. Nhưng chính ngành công nghiệp dệt may Úc
cũng bị ảnh hưởng vì họ bán được ít len hơn.
Tất
cả các nước liên quan đều bị tác động vì các biện pháp tăng thuế. Tổng
thống Trump không ngừng tăng thuế và Trung Quốc cũng tăng thuế trả đũa.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang có một lợi thế, đó là chủ tịch Tập Cận Bình
không phải chuẩn bị cho bầu cử, mà tổng thống Trump mới phải lo vấn đề
này ».
Không có nhận xét nào