Tuần tra trên biển, bắn thử tên lửa,
diễn tập đổ bộ, bộ Quốc Phòng Mỹ gần đây đã có nhiều hành động trong
vùng châu Á Thái Bình Dương. Washington muốn nhắc nhở Trung Quốc tránh
vượt qua lằn ranh đỏ hay chính quyền Trump tăng tốc chặn đứng những tham
vọng chiến lược của Bắc Kinh ?
Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc Phòng Mỹ, tại thủ đô Washington. |
Hãng
tin Pháp AFP nêu lên hai câu hỏi này sau sự kiện Hạm Đội Bảy của Hoa Kỳ
hôm 13/09/2019 điều tàu khu trục USS Wayne E.Meyer áp sát các đảo do
Trung Quốc chiếm giữ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuối tháng 8/2019,
cũng chiến hạm này đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ
Thập và Đá Vành Khăn tại Trường Sa.
Trong
chín tháng đầu năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ đã sáu lần điều chiến hạm đến
các khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhân danh quyền tự do
hàng hải. Để so sánh, trong hai năm 2017 và 2018, Hải Quân Mỹ chỉ có
tổng cộng tám lần điều tàu vào các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở
Biển Đông. Trong suốt tám năm dưới chính quyền Obama, Lầu Năm Góc cũng
chỉ có sáu lần đến khu vực mà Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền trên
gần như toàn bộ.
Tại
Biển Hoa Đông, Washington cũng đã tăng cường sự hiện diện qua đợt diễn
tập quân sự trên đảo Ie-Shima, cách không xa Okinawa, hôm 11/09/2019.
Trong cuộc tập trận lần này, lính Mỹ và Nhật Bản thực hiện nhiều bài tập
gồm : tập đổ bộ lên một hòn đảo bị một lực lượng thù nghịch chiếm đóng ;
tập chiếm một sân bay để chứng minh khả năng của quân đội Mỹ có thể
đánh chiếm một hòn đảo có tranh chấp chủ quyền, biến địa điểm đó thành
một căn cứ tiếp liệu cho Không Quân.
Theo
lời một sĩ quan Mỹ, những chiến dịch kiểu này nhằm "cho phép quân đội
triển khai lực lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, tiến hành các
chiến dịch viễn chinh tại các vùng ven bờ có tranh chấp chủ quyền".
Theo
giới quan sát, Lầu Năm Góc, vốn chỉ đưa tin nhỏ giọt về các chiến dịch
tập trận, trong thời gian gần đây lại thường xuyên thông báo về các hoạt
động quân sự này. Có lẽ đây là một sự thay đổi lớn từ khi ông Mark
Epser được chỉ định vào chức bộ trưởng Quốc Phòng. Hơn nữa, các chiến
dịch dồn dập nói trên thể hiện chính sách của Mỹ đối lại với chiến lược
của Nga và Trung Quốc.
Bộ
trưởng Quốc Phòng Epser đã dành chuyến công du đầu tiên cho châu Á và
đã không che giấu kế hoạch của Washington nhanh chóng triển khai thêm
tên lửa mới tại châu lục này. Dự án đó có thể được thực hiện trong "một
vài tháng sắp tới" nhằm "ngăn cản sức mạnh của Trung Quốc trong khu
vực", như ghi nhận của tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, tướng Ryan McCarthy hôm
12/09/2019. Và theo ông việc triển khai tên lửa tầm trung sẽ làm "thay
đổi bàn cờ tại Đông Nam Á".
Không
nêu đích danh Trung Quốc và Nga, nhưng tướng Ryan McCarthy nhấn mạnh,
nếu mở rộng được quan hệ đối với các đối tác trong vùng, cho phép quân
đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của các đối tác này, thì Hoa Kỳ gần
như có khả năng tương xứng để đối chọi với sự hiện diện quân sự của hai
nước nói trên.
Vào
tháng trước, Lầu năm Góc đã cho thử tên lửa tầm trung trên biển Thái
Bình Dương sau khi Washington chính thức khai tử Hiệp Định Tên Lửa Tầm
Trung INF. Cuối tháng 8/2019 chính phủ Mỹ khai sinh Bộ Tư Lệnh Không
Gian Spacecom. Mục tiêu đề ra là bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ trước hai
mối đe dọa là Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Bắc Kinh
đã phát triển một tên lửa tiêu diệt vệ tinh. Đây là bước mới nhất trên
con đường quân sự hóa không gian của Trung Quốc.
(RFI)
Không có nhận xét nào