Tối ngày 12/09/2019 tại Berlin, Tổ
chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã chính thức trao giải Tự do Báo
chí với hạng mục Tầm ảnh hưởng cho nhà báo độc lập, blogger Phạm Đoan
Trang của Việt Nam.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng cho nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 12/09/2019. Photo chụp từ Facebook Le Trung Khoa. |
Blogger
Phạm Đoan Trang, tác giả của một số sách chính luận bị cấm xuất bản
trong nước, cho VOA biết bà quyết định không tới Berlin để dự lễ trao
thưởng của RSF hôm 12/9 vì biết rằng chính quyền Việt Nam có thể gây cản
trở việc bà xuất cảnh, dù Đại sứ quán Đức tại Hà Nội có can thiệp.
Nữ blogger Phạm Đoan Trang nói:
“Tôi
nghĩ nếu tôi muốn đi thì chính quyền có thể cho đi, nhưng chắc chắn
trước khi đi thì phải ngồi đàm phán, và tôi phải chấp nhận một số điều
kiện do bên chính quyền đưa ra, còn nếu tôi không chấp nhận thì không
được đi. Vì tôi không muốn đối thoại với họ nên tôi quyết định không đi.
“Theo
tôi biết thì Đại sứ Đức có can thiệp với phía chính quyền Việt Nam để
họ trả lại quyền mang hộ chiếu cũng như đảm bảo quyền tự do xuất nhập
cảnh của một số nhà hoạt động Việt Nam trong đó có tôi.
“Phía
Đức rất nhiệt tình, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì kiểu gì cũng
phải đàm phán với phía công an Việt Nam như: không được đi vận động,
không tuyên truyền, không nói xấu đất nước…nếu không thì họ sẽ khởi tố;
họ cũng sẽ cho rằng họ sẽ khó xử liệu tôi có đi về hay không, cho nên
tốt nhất là tôi quyết định không đi.”
Hôm
29/08, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập của trang mạng
online Luật khoa Tạp chí, được RSF đề cử Giải Tự do Báo chí trong hạng
mục Tầm ảnh hưởng.
Ông
Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nhận
định với VOA: “Phạm Đoan Trang là một nữ anh hùng chân chính - như chúng
ta đã biết tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam là các nhà báo và
blogger không tuân theo đường lối của Đảng cộng sản phải đối mặt với
những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.”
Đại
diện của RSF nói rằng chính phủ Việt Nam cương quyết bóp nghẹt tiếng
nói của bà thông qua việc bị công an đe dọa, chỉ vì bà phơi bày những
bất công và lên tiếng nhằm đảm bảo các quyền dân sự và chính trị.
Ông
Bastard nói rằng mặc dù bị sách nhiễu và trấn áp liên tục từ năm 2016
cho đến nay, bà Đoan Trang vẫn quyết tâm đóng một vai trò quan trọng
trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin độc lập và vận dụng quy tắc
thượng tôn pháp luật - như Hiến pháp Việt Nam quy định - để chống lại
các hành vi độc đoán của chính quyền.
Ông
Bastard nói thêm: “Chúng tôi đã mời bà tham gia buổi lễ trao giải tại
Berlin, nhưng chính phủ Việt Nam không cho phép bà đi ra nước ngoài -
điều đó thật xấu hổ.”
Bà Đoan Trang nhận định về lý do bà được RSF đề cử trao giải mục Tầm ảnh hưởng:
“Tôi
nghĩ có thể họ biết rằng trong 2-3 năm qua tôi đã xuất bản rất nhiều
sách, bên cạnh công việc biên tập của tôi ở Luật khoa Tạp chí. Mỗi năm
tôi xuất bản 2-3 quyển sách và có lượng độc giả nhiều đến mức chính tôi
cũng bất ngờ. Có thể họ căn cứ vào đó để trao giải thưởng.
“Tôi
biết rằng giá trị mà RSF theo đuổi khi xét trao giải thưởng này là họ
muốn các nhà báo trên toàn thế giới, nhất là các nhà báo đang là nạn
nhân của bức hại, sách nhiễu, hành hạ, ngược đãi của chính quyền biết
rằng là các nhà báo đó không cô đơn trong cuộc chiến của họ.
“RSF đã thực sự giúp cho những người trong tình trạng như tôi cảm thấy mình không cô đơn.”
Những
quyển sách của Blogger Phạm Đoan Tranh được Nhà xuất bản Tự Do phát
hành gần đây như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang
nuôi tù, Politics of A Police State…
Vào tối ngày 12/09, có mặt tại Berlin, nhà báo Trịnh Hữu Long thông báo trên Facebook:
“Vì
nhiều lý do, nhà báo Đoan Trang không đi Đức dự lễ trao giải này. Nhà
báo Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa, sẽ thay mặt nhà báo Đoan
Trang tham dự sự kiện.”
(VOA)
Không có nhận xét nào