Ông Trương Tấn Sang, hình chụp 2015, khi đang là chủ tịch nước CSVN. (Hình: Getty Images) |
Vụ kiện “hướng đến đại hội 13”
Dù
Đặng Thị Hoàng Yến (chủ tịch Công Ty Năng Lượng Tân Tạo – TEC – và từng
là “người đẹp một thời” của giới “nghị gật” Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam)
đã lấy tên là Maya Dangelas sau khi cày cục để được nhập quốc tịch “xứ
tư bản giãy chết” Hoa Kỳ, nhưng việc bà Yến thình lình phát đơn kiện cựu
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Tháng Chín, năm 2019, với lý do vì ông
Dũng đã ra lệnh xóa dự án vi phạm trực tiếp thỏa thuận đầu tư giữa TEC
và chính phủ Việt Nam khiến TEC thiệt hại lợi nhuận hơn $2.5 tỉ, vẫn
được một số nhà quan sát xem là một động thái “chính trị nội bộ” và mang
đặc thù riêng của giới đồng chí nhưng còn lâu mới đồng lòng trong đảng
CSVN.
Vụ kiện trên do hãng truyền thông PR Newswire đưa tin theo nguồn tin từ Văn Phòng Luật Sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”
Vụ
kiện trên lại xảy ra hầu như đồng thời với một loạt bài viết được tung
lên mạng xã hội mang tựa đề “Màn kịch bẩn thỉu của Johnathan Hạnh
Nguyễn, quan chức ACV và Út Trọc để chiếm đoạt sân bay quốc tế Cam
Ranh,” “Con đường rửa tiền của cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và gia
tộc”…, nhằm “đánh” Trương Tấn Sang – cựu chủ tịch nước, nhân vật duy
nhất còn giữ tư thế “quyền lực của kẻ không quyền lực” trong chính
trường Việt Nam.
Tác giả ẩn danh của loạt bài viết này được một số dư luận cho là người của phe “anh Ba X” (tức Nguyễn Tấn Dũng).
Ngay
trước khi có loạt bài viết trên và vụ kiện của Đặng Thị Hoàng Yến đối
với Nguyễn Tấn Dũng, đã xuất hiện loạt bài viết “Hướng đến Đại Hội 13”
của cùng tác giả Hoàng Việt – rất có thể chỉ là một bút danh – trên mạng
xã hội, với rất nhiều chi tiết ruột rà trong nội bộ đảng lẫn nội bộ
ngành công an.
Những
bài viết này chĩa mũi dùi vào một số quan chức Bộ Chính Trị còn muốn đi
tiếp và “vươn lên một tầm cao mới” như Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Trưởng
Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính, Bí Thư Hà Nội Hoàng Trung Hải,
Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình và những quan chức cấp
“trung ủy” như Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương,
Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa Án Tối Cao…
Loạt
bài viết trên thậm chí còn nêu rất cụ thể về một cuộc họp kín tại nhà
riêng giữa một số quan chức cao cấp để chuẩn bị nhân sự và tài chính cho
chiến dịch lobby tại Đại Hội 13, về một âm mưu hất đổ Nguyễn Phú Trọng,
về việc đại gia ngân hàng Hà Văn Thắm đã “chi” cho những quan chức nào
và bao nhiêu…
Dù
có rất nhiều chi tiết không thể kiểm chứng được, nhưng loạt bài viết
trên khiến người ta nhớ lại hình ảnh của trang mạng Chân Dung Quyền Lực,
với rất nhiều thông tin nội bộ mà đã khiến chính trường sôi sục và dư
luận Việt Nam sôi động vào khoảng thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Hầu
như không còn nghi ngờ gì nữa, loạt bài viết “Hướng đến đại Hội 13” của
tác giả Hoàng Việt là tín hiệu báo trước cuộc chiến khó yên bề thỏa
hiệp giữa các phe phái chính trị ngay từ lúc này cho đến khi đại hội 13
diễn ra – dự kiến vào đầu năm 2021.
Có
thể dễ dàng nhận ra rằng tác giả của loạt bài viết “Hướng đến Đại Hội
13,” trong khi vạch trần và tố cáo khá nhiều quan chức trong Bộ Chính
Trị, thì lại không một từ chỉ trích hay tố cáo một số quan chức khác
cũng trong Bộ Chính Trị như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trương
Hòa Bình… Cũng bởi thế, một số dư luận cho rằng tác giả Hoàng Việt
“không khách quan” và “thiên vị.”
Toàn
cảnh gấu ó trên lại xảy ra trước một sự kiện rất quan trọng: Hội Nghị
Trung Ương 11 sẽ diễn ra vào cuối năm 2019, với nhiệm vụ chốt danh sách
sơ bộ các gương mặt ủy viên Bộ Chính Trị cho khóa 13. Nếu Hội Nghị Trung
Ương 10 chỉ là cuộc đấu giữa những “cá bé,” thì Hội Nghị Trung Ương 11
mới thật sự là cuộc săn đớp moi ruột của “cá mập” với nhau.
Một
chiến dịch chạy đua vào Bộ Chính Trị tương lai đã được khởi động từ năm
2017 và kéo dài cho đến nay. Không chỉ Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân
Phúc là hai ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng bí thư, với điều kiện
Nguyễn Phú Trọng chịu “về vườn,” mà còn cả một lô quan chức khác như
Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ,
Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thiện Nhân,… mà bất kỳ ai
trong số đó cũng đều sẵn sàng trám vào vị trí của một kẻ bại trận bị
văng ra trong cuộc chiến nảy lửa.
Nhưng
một hiện tượng bất thường đã xảy đến là trong chiến dịch đua tranh trên
là sự xuất hiện một gương mặt cũ, rất cũ: Trương Tấn Sang.
Vai diễn nào của cựu chủ tịch nước?
Thông
thường, các ủy viên Bộ Chính Trị và kể cả những quan chức “tứ trụ” khi
đã về hưu đều rời hẳn chính trường mà rất ít khi xuất hiện với vai trò
tham chính. Nhưng sau Đại Hội 12, Trương Tấn Sang dù đã “nghỉ” các chức
vụ nhưng vẫn hiện ra như một ngoại lệ. Trong thời gian gần đây, ông ta
xuất hiện trở lại trên mặt báo khá dày đặc – đi thăm nhà máy Điện Gió
Bạc Liêu, đi kiểm tra 9 cây cầu bê tông nông thôn đang thi công ở các xã
ở Long An, khánh thành 12 cầu nông thôn ở Long An…
Rất
đặc biệt, một chuyến đi của Trương Tấn Sang đến An Giang vào Tháng Tư,
năm 2019 – chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng bất thần bị cơn bạo bệnh
tại xứ Kiên Giang “nhà ba Dũng,” đã được báo An Giang rút tít “Nguyên
Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang hỗ trợ Tân Châu 15 tỷ đồng cất mới 10 cây
cầu nông thôn.”
Có
trời mới biết làm cách nào cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang lại có
được đến 15 tỷ đồng, và vì sao ông ta lại dùng cả số tiền khổng lồ ấy
cho việc công quả.
Đáng
chú ý không kém, những chuyến đi ấy của Sang đều được không ít lãnh đạo
địa phương đón tiếp và tháp tùng chu đáo – như một thông điệp về việc
Trương Tấn Sang không chỉ là cựu thần, không chỉ là “cố vấn đặc cách
phía Nam” của Nguyễn Phú Trọng, mà cách nào đó vẫn giữ được một uy quyền
vô hình trong hệ thống đảng cầm quyền.
Cùng
với sự tái xuất của Trương Tấn Sang, có nhiều đồn đoán về việc ông ta
đang “bảo kê” cho một lớp chính khách để lao vào trận mạc Đại Hội 13.
Đại
Hội 13 lại khiến cho người ta buộc phải nhung nhớ trận chiến giữa hai
phe “Trọng-Sang” và phe Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào
cuối năm 2012. Khi đó, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã tưởng đâu
có thể kỷ luật được “đồng chí X,” nhưng không ngờ đến phút cuối cùng lại
nảy sinh sự việc là có đến 3/4 Ban Chấp Hành Trung Ương không đồng ý kỷ
luật Nguyễn Tấn Dũng.
Tại
phiên bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6, Nguyễn Phú Trọng đã phải rơi lệ.
Người ta xem đó là cử chỉ tấm tức như một đứa trẻ của ông ta, một trạng
thái bất lực chẳng thể làm gì được cái kẻ ngỗ ngược xem trời bằng vung
và bị dân chửi là “thủ tướng phá chưa từng có” kia.
Năm
2012 cũng là năm hiện ra trang mạng Quan Làm Báo, chỉ trích và tố cáo
phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng kịch liệt. Đạo diễn của trang mạng này được một
số dư luận cho là Đặng Thị Hoàng Yến – “người của Tư Sang,” dù chưa có
xác nhận nào mang tính kiểm chứng về dư luận này.
Phải
chăng vụ kiện của bà Yến đối với cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào
Tháng Chín, năm 2019 cho thấy phe Trương Tấn Sang rất có thể đã nhận
thấy dấu hiệu “manh động” mà có thể dẫn tới hành vi “cướp ấn” của phe
Nguyễn Tấn Dũng nên ra đòn đánh phủ đầu?
Nhưng vụ kiện trên cũng cho thấy Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa hẳn mấp mé “lò” của Nguyễn Phú Trọng, mà đang tìm cách phản công.
Hàng
loạt đơn thư, bài viết tố cáo lẫn nhau trên mạng xã hội và cả một vụ
kiện lớn xảy ra ngoài đời giữa những người đã từng là đồng chí của nhau,
và ngay vào lúc này vẫn xưng hô đồng chí với nhau, đang phát đi tín
hiệu về một cuộc chiến dữ dội, sắc máu, sống mái và tởm lợm giữa các phe
phái trong những tháng còn lại của năm 2019.
Và
tất nhiên leo sang cả năm 2020, khoảng thời gian cuối cùng để “toàn
đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 13.”
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào