Chuyến đi thứ hai của tôi tới châu
Phi trong tháng Chín diễn ra chỉ sau lần đầu vài tháng. Nếu thủ phủ
thương mại Lagos của Nigeria để lại trong tôi cảm giác về một châu Phi
lộn xộn và hỗn độn thì thủ đô Nairobi của Kenya mang đến một bức tranh
hoàn toàn khác.
Quảng cáo lúa lai Trung Quốc mang lại “hy vọng” cho người dân châu Phi. (Hình: Hùng Nguyễn) |
Điều
ngạc nhiên đầu tiên của tôi về Kenya diễn ra trước khi chuyến đi bắt
đầu. Vì đây là chuyến đi tư vấn về sản xuất nội dung cho thế giới mạng
trong đó có các mạng xã hội, tôi phải xin visa vào Kenya. Tôi vào trang
mạng điền đơn, nộp tiền, tải lên copy hộ chiếu và ảnh vào một chiều thứ
Năm. Chưa đầy 24h sau tôi đã có visa để tải xuống và in ra. Ngả mũ trước
thủ tục không phải lấy hành là chính của đất nước Đông Phi.
Một
trong những điều đầu tiên đập vào mắt tôi ở sân bay là thông báo về
chuyến bay thẳng từ Trường Sa thuộc Hồ Nam của Trung Quốc tới thủ đô
Nairobi. Hãng China Southern Airlines mỗi tuần có hai chuyến bay như vậy
bên cạnh hai chuyến bay thẳng khác từ Quảng Châu tới Nairobi. Các bạn
của tôi nói trước đây cũng đã từng có đường bay thẳng Nairobi – Hà Nội
nhưng dịch vụ đó nay đã không còn.
Trung
Quốc đang tìm cách thế chân Hoa Kỳ tại châu Phi và trụ sở của tập đoàn
tuyên truyền CGTN của họ ở Nairobi còn hoành tráng hơn cả đại bản doanh
của BBC của Anh hay VOA của Hoa Kỳ. Trong tuần tôi ở Nairobi, tôi cũng
thấy Tân Hoa Xã mua cả một trang trên báo Daily Nation, nhật báo lớn
nhất ở Kenya, để quảng cáo về chuyện lúa lai Trung Quốc mang lại “hy
vọng” cho người dân châu Phi ra sao.
Ngoài
tham vọng xuất hiện trong bữa ăn của người dân châu Phi, Trung Quốc
hiện đang vận hành dịch vụ tàu xuyên quốc gia chạy từ thủ đô Nairobi tới
biên giới Uganda, nước cũng đang được Trung Quốc trợ giúp để phát triển
hệ thống tàu tương tự. Một nước Đông Phi khác, Tanzania cũng đã tuyên
bố sẽ tham gia hệ thống xe lửa xuyên quốc gia này. Các bạn Kenya của tôi
nói Trung Quốc để người Kenya lái tàu nhưng đòi họ phải học tiếng
Trung, thay vì sử dụng tiếng Anh, ngôn ngữ quen thuộc với người dân
Kenya. Một bạn cũng kêu ca ghế hạng hai trên tàu do Trung Quốc phát
triển và vận hành “cứng như ngồi trên bàn” dù giá không rẻ hơn nhiều so
với giá vé máy bay cho một số điểm đến.
Trong
mấy ngày ở Kenya, tôi chưa có dịp gặp người Việt nào nhưng đã thấy
người Trung Quốc ở sân bay, trong khách sạn và tại toà nhà BBC mà tôi
hàng ngày tới dự các cuộc gặp gỡ. Ở ngay tầng bốn của toà nhà có trụ sở
BBC, một công ty Trung Quốc cũng có văn phòng ở đó.
Nói
chuyện với một số người dân Kenya, tôi có cảm giác họ cũng không thiện
cảm gì với các hoạt động của Trung Quốc ở Kenya. Họ nói Kenya có truyền
thống tự do chính trị, tự do truyền thông trong khi Trung Quốc làm việc
theo kiểu giấu giếm được càng nhiều càng tốt. Họ cũng nói người Trung
Quốc có tiếng xấu ở Kenya vì từng đưa các cô gái Trung Quốc sang hoạt
động trong lĩnh vực mại dâm và cũng vì hay buôn bán sừng tê giác hay ngà
voi.
Nói
về trình độ phát triển, Kenya vẫn còn là nước đang phát triển như Việt
Nam. Quanh khu tôi ở, cách khu trung tâm không xa, các công trình xây
dựng mọc lên nhiều. Vỉa hè đi một đoạn lại có những hố sâu và to mà
chẳng hề có cảnh báo nào hết. Nếu buổi tối chẳng may có chàng trai Kenya
ngà ngà say nào mà rơi xuống đó có khi qua đêm dưới hố luôn. Người nước
ngoài tới Kenya vẫn phải trả giá cho các dịch vụ cao hơn người bản xứ.
Chẳng hạn tôi vào khu bảo tồn hươu ở Nairobi, giá vào cửa khoảng 15 đô
la, cao hơn nhiều so với mức người địa phương phải trả. Khu bảo tồn cũng
chỉ chấp nhận thẻ tín dụng hay dịch vụ thanh toán qua điện thoại di
động mang tên Mpesa. Có lẽ người ta sợ nhân viên biển thủ tiền nếu nhận
tiền mặt. Mới đây cũng có vụ nhân viên người Kenya và Trung Quốc bị xử
lý vì làm như vậy tại một công ty vận hành dịch vụ xe lửa.
So
với trải nghiệm của tôi ở Lagos, Nigeria, những ngày ở Nairobi êm ả hơn
nhiều. Thậm chí tôi còn nghĩ tới việc quay lại đây để thăm vườn quốc
gia nơi có nhiều động vật hoang dã, từ voi tới tê giác và sư tử. Các bạn
tôi nói hệ thống xe lửa do Trung Quốc phát triển chạy xuyên qua vườn
quốc gia ở Nairobi. Không rõ Kenya tự quyết hay Trung Quốc đề nghị làm
như vậy. Nếu tôi là sư tử, tôi chẳng thích thú gì khi ngày ngày nghe
tiếng bánh xe nghiến trên đường ray. Không ít người Kenya cho rằng cứ
theo Trung Quốc rồi sẽ có ngày vỡ nợ.
Nguyễn Hùng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào