Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hòa - Kênh Đảng có đuổi được tàu TQ ra khỏi Bãi Tư Chính?

    Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu 'nghiên cứu' Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực 'tạo tranh chấp' và có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực. Như vậy là gần tròn hai tháng cuộc khủng hoảng Tư Chính diễn ra và chưa thấy lối thoát.

    Kênh Đảng có đuổi được tàu TQ ra khỏi Bãi Tư Chính?
    Những tin tức mới nhất cho thấy đội tàu khảo sát địa chất biển của Trung Quốc xâm nhập cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, cách bờ biển Phan Thiết có 185km.

    Có vẻ như Việt Nam đã cho tàu có vũ trang ra đối đầu với Trung Quốc, mặc dù Việt Nam cho tới nay không hề chính thức xác nhận việc huy động lực lượng này.

    Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc, thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại chung về Biển Đông tuy không bằng lời lẽ mạnh mẽ.

    Đối lại chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng họ đang thực hiện việc khảo sát trong vùng mà họ làm chủ.

    Cuộc đối đầu trên Biển Đông của hai quốc gia có thể chế chính trị độc đảng, và chung ý thức hệ cộng sản, vẫn tiếp tục chưa được giải quyết.

    Câu hỏi là hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc có gặp gỡ nhau để giải quyết các bất đồng hay không?

    Nói một cách khác, các xung đột lãnh thổ, lãnh hải giữa Hà Nội và Bắc Kinh, ngoài cách giải quyết theo thông lệ quốc tế bằng những tuyên bố, những cuộc gặp gỡ giữa hai chính phủ, có giải quyết bằng "kênh đảng" hay không?

    Gặp gỡ thường xuyên

    Là những đảng cộng sản hiếm hoi trên thế giới hiện nay vẫn còn cầm quyền, năm nào hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng tổ chức những cuộc gặp gỡ gọi là "Hội thảo lý luận (cộng sản)", tuần tự thay phiên nhau tổ chức trên lãnh thổ của nhau.

    Năm ngoái 2018, cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Hoàng Khôn Minh, quan chức tuyên truyền tham dự. Hai đảng đã cam kết "tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa hai đảng và hai nước".

    Năm nay, khi cuộc khủng hoảng Tư Chính nổ ra, một cuộc hội thảo tương tự đang được tổ chức tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

    Báo Việt Nam đưa tin là ông Võ Văn Thưởng, trưởng đoàn đại biểu đảng cộng sản Việt Nam đã "thẳng thắn đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên biển."

    Đó là những cuộc gặp thường niên.

    Ngoài ra người ta cũng cho rằng khi có những xung đột xảy ra, các quan chức cao cấp chức đảng hai bên cũng thực hiện những cuộc tiếp xúc.

    Vào mùa hè năm 2014 xảy ra vụ giàn khoan dầu Trung Quốc, Hải Dương 981 gây phẫn nộ của dân chúng Việt Nam đưa đến việc đốt phá các cơ sở của người Trung Quốc.

    Đặc phái viên của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là ông Lê Hồng Anh đã thăm Trung Quốc.

    Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời câu hỏi của tôi qua điện thư, chuyến đi hồi đó của ông Lê Hồng Anh chỉ diễn ra sau khi Bắc Kinh đã rút giàn khoan HD 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam, nên không rõ chuyến đi đó có góp phần giải quyết xung đột hay không.

    TS Nguyễn Thành Trung không loại trừ là trước chuyến đi được công bố của ông Lê Hồng Anh, các viên chức đảng hai bên có thể đã có những cuộc tiếp xúc bí mật.

    Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Trung thì hiểu một cách hợp lý nhất là chuyến đi của ông Lê Hồng Anh là nhằm làm cho quan hệ hai bên không xấu hơn, chứ không phải để giải quyết khủng hoảng.

    Từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ, GS Vũ Tường cho tôi biết rằng rất khó biết được "kênh đảng" hoạt động như thế nào và có góp phần giải quyết xung đột hay không vì thường nó diễn ra rất bí mật.

    Cũng theo ông Vũ Tường, diễn từ trong và sau các cuộc gặp gỡ đó đều rất thắm tình hữu nghị.

    Giáo sư Vũ Tường có nhiều nghiên cứu về lịch sử đảng cộng sản Việt Nam.

    Kênh Đảng hay Nhà nước hiệu quả hơn?

    Ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, câu chuyện được nói đến là "nhất thể hóa", tức là hợp nhất hai bộ máy đảng và nhà nước.

    Bên Trung Quốc, việc nhất thể hóa này được thấy rõ nhất ở vai trò của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng.

    Tại Việt Nam người ta cũng thấy ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang nắm cả hai vị trí sau cái chết của chủ tịch nước Trần Đại Quang.

    Do khuynh hướng "nhất thể hóa" này, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho rằng ông không thấy có sự khác biệt lớn giữa "kênh đảng" và kênh nhà nước khi xảy ra xung đột giữa hai nước Việt - Trung.

    Mặt khác ông cho rằng:

    "Một trong hai bên có thể tin tưởng rằng kênh Đảng có thể giúp họ bỏ qua các yếu tố về lợi ích quốc gia mà tập trung vào sự tương đồng hay cùng lý tưởng chính trị giữa hai đảng cầm quyền để đồng ý làm giảm căng thẳng."

    Giáo sư Vũ Tường cũng cho rằng có nhiều lãnh đạo Việt Nam tin như vậy.

    Liệu trong cuộc khủng hoảng Tư Chính lần này "kênh đảng" có được bật lên hay không?

    Giáo sư Vũ Tường cho rằng điều này hoàn toàn có thể vì kênh nhà nước khó có thể giấu kín.

    Có còn là anh em ý thức hệ?

    Trả lời câu hỏi về tác dụng của "kênh đảng", ý kiến của ông Vũ Tường và ông Nguyễn Thành Trung khá khác nhau.

    TS Nguyễn Thành Trung cho rằng "kênh đảng" vẫn hữu ích khi hai bên không muốn mất mặt lúc phải nhượng bộ nhau trong những căng thẳng được đẩy lên cao, và khi tiếp xúc qua "kênh đảng", cũng theo lời ông Trung thì ít bị dòm ngó hơn là kênh chính thức qua các chức vụ nhà nước.

    GS Vũ Tường thì cho rằng "kênh đảng" chưa bao giờ có hiệu quả, hay hiệu quả rất ít (ít nhất là đối với Việt Nam), nhưng lại rất hiệu quả đối với Trung Quốc, để xoa dịu Việt Nam trong khi vẫn áp dụng chính sách cương quyết.

    Dư luận mạng xã hội Việt Nam cũng thường xuyên chỉ trích cái mà ông Vũ Tường gọi là sự xoa dịu từ phía Trung Quốc, ví dụ như đưa ra những khẩu hiệu hữu nghị giữa hai đảng nói về "đại cục", nói về bốn tốt, 16 chữ vàng.

    Mặt khác, dù kênh đảng" vẫn hữu ích nhưng ông Nguyễn Thành Trung cho rằng nếu không khéo thì kênh này là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam.

    Trong lịch sử của các quốc gia XHCN đã có ba cuộc chiến tranh xung đột giữa các nước này với nhau.

    Đó là là chiến biên giới Xô - Trung năm 1969, chiến tranh Việt Nam với Campuchia 1978-1989, và chiến tranh biên giới Việt Trung 1979.

    Quan sát áp lực của Trung Quốc lên Việt Nam trong những năm qua, hiện nay với cuộc khủng hoảng Tư Chính, giáo sư Vũ Tường cho rằng đến một lúc nào đó, do áp lực của dân chúng và chính đảng viên trong đảng cộng sản, những người chủ trương dùng "kênh đảng" sẽ bỏ cách tiếp cận này.

    Còn vào thời điểm hiện nay, ông Vũ Tường tin rằng, như 10 năm qua đảng cộng sản Việt Nam về cơ bản không thay đổi về cách thực hiện đường lối đối ngoại.

    Vì thế, chúng ta vẫn cần chờ xem khủng hoảng Tư Chính được giải quyết ra sao, và kênh Đảng còn tác dụng đến đâu.

    Nguyễn Hòa

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào