Không thể bác bỏ tất cả thành tích
kinh tế đưa quốc gia trở thành cường quốc, nhưng sau 70 năm, Trung Quốc
cũng đã trở thành một quái vật giẫm đạp tàn bạo chữ “Nhân”. Trong lịch
sử phát triển các quốc gia thế giới thời hiện đại, gần như không nước
nào xây dựng sự thịnh vượng khi cùng lúc nghiền nát tuyệt đối những giá
trị nhân bản như Trung Quốc...
Sau 70 năm, Trung Quốc đã biến thành một quái vật tàn ác nhất thế giới (China Daily) |
Để
chào mừng 70 năm ngày quốc khánh (1-10), ngày 22-9-2019, Cơ quan thông
tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “bạch thư” mang tựa “Mưu cầu hạnh
phúc cho nhân dân: 70 năm tiến bộ nhân quyền ở Trung Quốc” (“Vi nhân dân
mưu hạnh phúc: Tân Trung Quốc nhân quyền sự nghiệp phát triển 70
niên”). Tuy nhiên, thế giới đã và tiếp tục thu thập những hồ sơ dày cộm
về “thành tích bất hảo” của Trung Quốc về vi phạm nhân quyền. Tổ chức
Phóng viên không biên giới “chấm” Trung Quốc hạng 177/180 quốc gia về tự
do báo chí trong bảng xếp hạng 2019. Luật sư bị bỏ tù, internet bị kiểm
soát, xã hội bị theo dõi, giáo dục bị nhồi sọ, tôn giáo bị “đảng hóa”,
chính trị bị tham nhũng…, tất cả đều tồn tại cùng lúc với những thành
phố bóng lộn ngạo mạn đắc ý. Không chỉ nhân quyền hiểu theo nghĩa liên
quan những quyền căn bản con người, mọi chữ “nhân” khác, từ nhân đạo,
nhân bản, đến nhân tính, đều bị phá hủy dưới bàn tay cộng sản Trung
Quốc.
Cùng
với cơn lốc “trí phú quang vinh” (làm giàu là vinh quang) – theo chủ
trương Đặng Tiểu Bình – là sự đổ nát giá trị đạo đức. Cái xấu được nhân
rộng. Cái ác tràn lan. Người ta sẵn sàng giết nhau không gươm giáo bằng
mọi thủ đoạn gian trá trên con đường làm giàu. Không lĩnh vực nào có thể
thấy rõ điều đó bằng vệ sinh thực phẩm. Không có gì mà không bị đầu
độc. Bà bán thịt đầu độc ông bán trái cây và ngược lại. Mọi thứ đều bị
nhiễm độc: từ bột sữa chứa melamine; thịt heo “phát sáng” (phát… dạ
quang trong bóng tối); mì sợi “ướp” mực in; bánh bao chỉ nhồi nhân thịt
thối; giá đỗ nhiễm sodium nitrite, urea, thuốc kháng sinh và hormone
6-benzyladenine (giúp tăng trưởng cấp tốc); bánh bao nhiễm… nhôm; gạo
cao su; trái cây “ướp” phócmon; đến “dầu ăn” vớt từ cống thải… Đó là
chưa kể nạn thuốc giả.
Song
hành với nạn đầu độc thực phẩm là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn ½
nguồn nước ngọt nước này (khảo sát tại 198 điểm ở 4.229 thành phố) đã bị
ô nhiễm trầm trọng trong đó có 5 trong 10 lưu vực sông lớn nhất và 25
trong 60 con hồ. Và trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc
chiếm đến 16 thành phố! Ô nhiễm không khí đang nằm vị trí thứ tư các
nguyên nhân gây chết người (với trung bình 1,2 triệu ca tử vong mỗi
năm). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ vỏn vẹn 1% trong 560 triệu cư
dân đô thị Trung Quốc là được hít thở không khí trong lành theo chuẩn
EU. Ngay ở thời điểm này, ô nhiễm vẫn bao phủ toàn bộ thành phố Bắc
Kinh.
Câu
chuyện sau đây là một phiên bản làm giàu đặc sệt “phong cách Trung
Quốc”. Khi tập đoàn khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group) dọa dời trụ
sở khỏi Thượng Hàng để đến Hạ Môn cách đó 270 km, tay bí thư địa phương
đã lập tức đến gặp chủ tịch tập đoàn Trần Cảnh Hà và nói rằng: “Nếu muốn
đi, ông cũng phải dời cả ngọn núi ở đây đến Hạ Môn!”. Với giới chức địa
phương, tập đoàn Tử Kim – nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc và là
nhà khai thác đồng lớn thứ hai nước này – là nguồn doanh lợi không thể
mất được. Là một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc, với
các dự án khai thác khoáng sản tại 20 tỉnh nước này và 7 quốc gia, tập
đoàn Tử Kim cũng là nơi mang nhiều tai tiếng liên quan tàn phá môi
trường.
Chỉ
riêng tại Thượng Hàng, một dòng chất thải khổng lồ 9.100 m3 từ mỏ vàng
của Tử Kim đã chảy vào một con đập và tràn vào con sông địa phương, làm
chết khoảng 4 triệu con cá. Tuy nhiên, Tử Kim cũng là công ty chiếm đến
70% nguồn thu của Thượng Hàng, mang lại công ăn việc làm cho dân địa
phương. Nhờ Tử Kim, chính quyền Thượng Hàng mới có tiền xây xa lộ nối
với phần còn lại của tỉnh Phúc Kiến. Mất Tử Kim, Thượng Hàng không chỉ
thất thu ngân sách mà còn thiệt hại về “chỉ tiêu phát triển”!
Một
phần của câu chuyện cho thấy, Trung Quốc không thể trở thành một quốc
gia giàu có tử tế khi cơ chế phát triển của nó dựa vào mô hình thành
tích. Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra một mô hình phát triển chụp giật
bất chấp hậu quả. Họ khai sinh một mô hình bị lỗi ngay từ căn bản. Họ
“phát triển” cái sai đến mức nó đã trở thành hệ thống của những cái sai.
Họ đẻ ra và nuôi những con quái vật tàn phá chính họ. Một đảng cai trị
lưu manh đã tạo ra một xã hội lấy lưu manh làm tôn chỉ sống. “Xã hội
hóa” lưu manh xảy ra ngay cả trong giáo dục, trong sinh hoạt tôn giáo...
và nó còn phát triển đến mức trở thành “quốc tế hóa” sự lưu manh trong
đường lối ngoại giao.
Ngày
17-9-2019, một video lọt lên YouTube đã gây chấn động thế giới như một
bằng chứng về điều mà giới chính trị gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc rằng Bắc
Kinh đang cố xóa sạch văn hóa Hồi giáo ở Tân Cương. Video cho thấy hàng
trăm tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị còng và bịt mắt một cách man rợ. Sự đối xử
của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là dã man ngoài sức
tưởng tượng. Không chỉ bị theo dõi bởi hàng triệu camera, tất cả người
Duy Ngô Nhĩ còn bị lấy mã di truyền (ADN). Ngày 23-8-2019, Ủy ban điều
hành Quốc hội Hoa Kỳ đặc trách Trung Quốc đã gửi thư cho Chủ tịch Ngân
hàng Thế giới (WB) David Malpass bày tỏ lo ngại về khoản cho vay 50
triệu USD mà WB dành cho chương trình huấn nghệ Tân Cương mà thật ra
được dùng để mua thiết bị và vũ khí đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Tân
Cương chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số toàn quốc nhưng khu vực này chiếm
hơn 20% các vụ bắt bớ toàn quốc trong năm 2017 (New York Times
8-9-2018). Hai năm qua, Trung Quốc đã giam từ 1-2 triệu người Duy Ngô
Nhĩ, tức 11,5% dân số sắc dân này từ 20 đến 79 tuổi, trong những nhà tù
bí mật khổng lồ khắp Tân Cương, nơi ngày càng nghẹt thở từ khi Bắc Kinh
đưa Trần Toàn Quốc (cựu bí thư Tây Tạng) về cai trị từ tháng 8-2016. Tù
nhân Duy Ngô Nhĩ buộc phải từ bỏ đạo Hồi và ngôn ngữ mình cùng lúc phải
học tiếng Hán và thuộc lòng các ca khúc tuyên truyền. Cuối năm 2018,
theo AP, Trung Quốc đã đưa 1,1 triệu cán bộ đảng viên đến sống chung
trong các ngôi nhà người dân địa phương để giám sát họ ngày đêm. Và để
tiêu diệt tận gốc văn hóa Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh cũng khuyến khích các
giải pháp đồng hóa toàn diện. Từ năm 2014, các cặp vợ chồng Hán-Duy Ngô
Nhĩ được tặng 10.000 tệ (1.442 USD)/năm, trong 5 năm, kể từ khi đăng ký
kết hôn.
Đàn
áp tôn giáo là hành động bất nhân nữa của chế độ phi nhân Trung Quốc.
Báo cáo Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2019 cho biết, chỉ trong
năm 2018, Trung Quốc đã giam 310 tín đồ Tin Lành, 205 tín đồ Chúa Toàn
Năng (Giáo hội “Đông Phương Thiểm Điện”), 136 tín đồ Hồi giáo (không kể
người Hồi giáo Tân Cương), 22 tín đồ Phật giáo, và 9 tín đồ Cơ Đốc giáo.
Từ tháng 4, các trang mua sắm trên mạng như Taobao, JD.com và Dangdang
đã cấm bán Kinh Thánh Cơ Đốc giáo. Tồi tệ hơn nữa, Kinh Thánh cũng bị
“biên tập” lại! Tại Liêu Ninh, công an văn hóa đã đưa ra mức phạt
400.000 tệ (58.200 USD) cho bất kỳ nhà thờ nào dùng bản Kinh Thánh
“không chính thức”. Bỏ tù, bắt cóc giám mục, phá sập nhà thờ…, không gì
mà Bắc Kinh không làm.
Mức
độ tàn độc và phi nhân của chế độ cộng sản Trung Quốc càng khủng khiếp
dưới thời Tập Cận Bình. Một cách tổng quát, sự phát triển Trung Quốc đã
không mang lại những giá trị mới nào cho đất nước họ lẫn thế giới mà còn
thảm sát tất cả giá trị nhân bản cũ từng tồn tại hàng trăm hoặc thậm
chí hàng ngàn năm. Trung Quốc càng tiến lên cao trên bậc thang phát
triển kinh tế thì họ càng xuống dốc không phanh về mặt đạo đức. Chẳng có
sự phát triển nào có ý nghĩa nếu nó không được đặt trên căn bản lợi ích
nhân loại. Thế giới đáng lý cần phải nhận thức sớm hơn điều này nhưng
tất cả đã bị cuốn vào ma lực hấp dẫn làm giàu từ tư duy làm giàu bất
nhân của Trung Quốc. Nếu thế giới bất lực trước sự tàn phá vô nhân của
Trung Quốc, tương lai thế giới sẽ là một ngày tận thế. Khi những dòng
này được viết ra, người ta đã có thể thấy ngày hủy diệt đang đến rất gần
với những quốc gia hạ lưu Mekong, bởi vô số con đập thủy điện mà Trung
Quốc đầu tư. Và đó mới chỉ là một vết rách rất nhỏ trên tấm lụa nhân
loại mà con quái vật 70 tuổi Trung Quốc đang cào cấu rách bươm từng giờ
từng ngày.
(FB Mạnh Kim)
Không có nhận xét nào