Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi
phán quyết và phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc là những lý do
Việt Nam nên cân nhắc kỹ nếu muốn đưa hành động Trung Quốc xâm lấn vào
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra tòa quốc tế, Giáo sư Carlyle
Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia,
nhận định với VOA.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014 |
Cuộc
đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã
kéo dài gần hai tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lúc ngày càng
có nhiều lời kêu gọi Hà Nội nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do xâm
phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam.
Nhiều
chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội chiến thắng Trung Quốc ở
tòa án nếu chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng giống
như Philippines đã làm hồi năm 2016 với phán quyết của Tòa Trọng tài
Thường trực (PCA).
'Không thực thi được'
Trao
đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định rằng nếu như Việt Nam
cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ
Phụ lục 7 của UNCLOS thì Việt Nam ‘sẽ có chiến thắng vang dội’.
“Mỹ, Australia, Nhật toàn bộ sẽ ủng hộ phán quyết (cho Việt Nam thắng) nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tuân thủ,” ông nói.
Theo
ông phân tích, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu làm như Philippines là yêu
cầu tòa phân định đâu là quyền của Việt Nam trên Biển Đông, họ có được
quyền khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình không, và
trưng ra bằng chứng là Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền này.
Ông
nói những bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đang ‘đứng trên luật pháp
quốc tế’ và rõ ràng là Bắc Kinh tự diễn giải luật quốc tế theo ý mình
Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là ‘không có cơ chế thực thi’.
“Nếu
anh nhìn trên khắp khu vực, không có ai đề cập đến phán quyết này (kể
cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Trong ASEAN, họ
gọi đó là quá trình ngoại giao và pháp lý,” ông cho biết.
“Ngay
cả tuyên bố chung của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng
Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nói rằng cần tôn trọng tiến trình
pháp lý nhưng lại không đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài sau ba năm
họ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines,” ông nói thêm.
Mặc
dù một chiến thắng pháp lý như vậy sẽ ‘làm tổn thương uy tín của Trung
Quốc’ và khiến cho Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật, Australia
mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, nhưng vào
thời điểm này ‘không có dấu hiệu gì cho thấy ít nhất những quốc gia này
sẽ hỗ trợ bằng cách gây áp lực đủ đối với Trung Quốc để họ chấp nhận
phán quyết’, theo ông Thayer.
Ông
chỉ ra là bản thân của Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư
cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan.
“Do đó cần phải có câu trả lời đạo lý và câu trả lời thực tiễn,” ông Thayer nói.
Trả
lời câu hỏi Bắc Kinh sẽ trừng phạt Hà Nội như thế nào nếu Hà Nội kiện
họ ra tòa, vị giáo sư này nói rằng ‘chắc chắn sẽ có hậu quả’.
“Việt
Nam có thể giành chiến thắng về đạo lý nhưng Trung Quốc sẽ trừng phạt
Việt Nam trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa
trọng tài,” ông nói.
“Liệu
việc chiến thắng ở tòa có đáng để chịu cái giá mà Việt Nam phải trả hay
không bởi gì sẽ không có gì thay đổi trên thực địa cả (do không có cơ
chế thực thi)?” ông đặt vấn đề. “Cho nên (các lãnh đạo Việt Nam) cần
phải tính toán lợi ích quốc gia: chúng ta sẽ được gì nếu có hành động
pháp lý, chiến thắng đạo lý hay chiến thắng chính trị nhưng với cái giá
như thế nào?”
Vào
thời điểm này, ông Thayer cho biết cách xử lý của giới lãnh đạo Việt
Nam là ‘kháng cự âm thầm’ trong khi ‘kiểm soát truyền thông’ và Việt Nam
đã ‘tận dụng tất cả các kênh từ đảng, lãnh đạo và quân đội’ để nói
chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải rút đi.
Việt Nam có thể làm gì?
Trả
lời câu hỏi của VOA rằng Việt Nam đang có trong tay những lựa chọn nào
để đối phó với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng trước hết
Việt Nam ‘phải tiếp tục phản đối Trung Quốc’ bởi vì nếu Việt Nam có đưa
vụ việc ra tòa thì điều đầu tiên họ phải chứng minh với ban trọng tài là
họ đã tìm mọi cách nói chuyện với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút
đi trên thực địa nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hà
Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang
xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của
nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông nói thêm.
“Hiện
dự luật này đang gặp khó khăn được thông qua trong phạm vị hẹp của ủy
ban đối ngoại cho nên các nhà ngoại giao (của các nước bị ảnh hưởng trên
Biển Đông) cần phải trình bày trước ủy ban về những gì đang xảy ra ở
vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam,” ông giải thích.
“Và
các phái đoàn của Việt Nam ở cấp đủ cao đến Mỹ cần phải gặp các thành
viên của ủy ban đó để thông báo cho họ tình hình,” ông nói thêm và cho
rằng chuyến thăm dự kiến vào tháng 10 của Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn
Phú Trọng sẽ ‘là cơ hội tốt’.
Ngoài
ra, Việt Nam cũng phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự ‘với mục
đích huấn luyện’ ở những vùng biển mà Trung Quốc có khả năng sẽ tăng
cường hoạt động và tăng cường sự hiện diện, ông Thayer khuyến nghị.
Cuối
cùng, Hà Nội nên tìm cách tận dụng truyền thông quốc tế để đưa tin về
vụ việc Bãi Tư Chính như nước này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng
giàn khoan hồi năm 2014, ông nói thêm.
“Việt
Nam có thể đưa các phóng viên quốc tế lên tàu cảnh sát biển, lên máy
bay để họ ghi hình lại những gì Trung Quốc đang làm theo thời gian thực
cho thế giới thấy,” ông nói. “Và những hoạt động này nên được duy trì
liên tục để gây sức ép lên Trung Quốc.”
Ông
cũng đề xuất là Việt Nam nên phối hợp với Malaysia vốn mới đây cũng bị
Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò trong vùng biển của họ.
“Malaysia
luôn xử lý mọi việc (với Trung Quốc) rất, rất âm thầm… Chúng ta sẽ chờ
xem liệu việc hãng Petronas bị Trung Quốc thách thức ngoài khơi bờ biển
Surawak có dẫn đến mặt trận chung giữa Malaysia và Việt Nam mà nếu có sẽ
trở thành một nhóm vận động hùng mạnh hơn để lôi kéo cộng đồng quốc tế
lên án Trung Quốc,” ông nói và nhắc đến chuyến công du Hà Nội mới đây
của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Theo lời ông Thayer thì nếu Hà Nội quốc tế hóa vấn đề sẽ ‘đi ngược lại điều Trung Quốc muốn’.
“Trung
Quốc muốn đẩy tất cả các nước bên ngoài ra để họ có thể tự mình đối phó
với các nước đông nam Á,’ ông giải thích và cho rằng nếu Việt Nam có
thể tập trận với các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Úc hết lần này đến lần khác
thì Trung Quốc ‘sẽ thấy rằng con đường mà họ đang đi có tác dụng ngược’.
“Mỹ
hay Úc không có lợi ích gì để làm tất cả mọi thứ giúp Việt Nam. Việt
Nam trước hết phải đề ra là họ sẽ cho phép sự hiện diện quân sự nước
ngoài tạm thời như thế nào để diễn tập quân sự và để đánh đi tín hiệu
rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền,” ông nói.
Ông
Thayer cũng cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Mỹ là cơ hội
đến hai nước ‘mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện’ để hướng đến nâng
cấp lên thành ‘đối tác chiến lược’.
Ông
nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho phép hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ
cập cảng Việt Nam hàng năm và vấn đề này ‘đang được thảo luận’.
“Việt Nam rất cẩn trọng thăm dò xem Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào,” ông nói.
Bên
cạnh đó, theo Carl Thayer, uy tín của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng lên
với việc Hà Nội phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh
cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, tổ chức cuộc gặp thượng
đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay – tất cả những
điều này đều quan trọng đối với Mỹ. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là
Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và sắp
đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Tuy vậy, chuyên gia này cho
rằng, Việt Nam ‘vẫn còn dè dặt trong việc nâng cấp hợp tác quân sự với
Mỹ’.
(VOA)
Không có nhận xét nào