Header Ads

  • Breaking News

    Hội An: Vì sao chủ quán từ chối khách Việt?

    Mấy hôm nay, thông tin một quán cà phê, nhà hàng ở phố cổ Hội An từ chối tiếp đón khách Việt khiến nhiều người bức xúc. Thực hư ra sao?

    Một tiệm bán đèn lồng ở phố cổ Hội An.
    Từ chối phục vụ khách Việt?

    Thông tin trên mạng xã hội cũng như báo chí trong nước mấy hôm nay “dậy sóng” với thông tin quán cà phê, nhà hàng Cyclo’s Road ở Hội An không tiếp khách Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là việc “con sâu làm rầu nồi canh”, làm mất uy tín khu phố du lịch, nhưng cũng có nhiều người cho rằng do cách hành xử của khách không phù hợp với không khí, môi trường của quán nên quán không tiếp, và việc này không chỉ xảy ra với khách hàng là người Việt Nam.

    Khi thông tin không tốt về một quán ăn ở Hội An được lan truyền thì Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, cho biết đã mời chủ quán lên làm việc. Chủ quán khẳng định: “Quán tôi phục vụ khách Việt bình thường, với điều kiện là phải lịch sự”.

    Về việc xử lý nếu có sự phân biệt khách như phản ánh, ông Sơn cho hay, “Pháp luật không thể can thiệp việc này. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Nếu đúng có sự việc như vậy thì thành phố mời lên nhắc nhở, răn đe chứ không thể dùng pháp luật. Họ muốn bán cho ai, họ từ chối ai là quyền của họ chứ pháp luật không can thiệp được”.

    Ông Lê Văn Giảng, Nguyên Chủ tịch Hội An trao đổi với RFA về vấn đề này:

    “Chuyện đó không có đâu. Nếu có thì đó chỉ là sự cố nho nhỏ rồi họ nhân lên thôi. Chỉ một vài trường hợp thôi chứ không phổ biến, về bản chất là không có. Hội An vẫn ổn định và phát triển tốt.”

    Ông Minh Hải, một người dân Hội An thì cho rằng chuyện nhà hàng từ chối phục vụ khách Việt hay khách châu Á đã có từ lâu, vì phố cổ Hội An vốn hiền hòa, nhẹ nhàng và yên tĩnh nên không chấp nhận những người khách ồn ào, ăn nói “bỗ bã” cho dù họ có tiền, bởi lòng tự trọng của người dân nơi đây rất cao. Đồng tiền không thể đánh đổi văn hóa. Anh nói thêm:

    “Những người buôn bán, kinh doanh trong khu phố cổ không đồng tình với việc đuổi khách, nhưng họ không ủng hộ những vị khách đến quán mà ỷ thế có tiền, tỏ ra thiếu văn hóa, nói chuyện, điện thoại to tiếng, gây ồn ào trong quán, làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Những hành động đó vô hình chung ảnh hưởng đến bản sắc chung của phố cổ Hội An cũng như những người dân nơi đây”.

    Ở chiều ngược lại, ông Quỳnh, một du khách lại cho biết, khách ở phố cổ Hội An quá đông, đa số là khách Hàn và khách Trung Quốc, người Việt Nam rất ít. Đa số khách Việt Nam rất hiền hòa, lịch sự trong khi chủ quán thì lại rất thô lỗ:

    “Tôi không hiểu sao cả chủ quán lẫn nhân viên đều không vui vẻ với khách. Chủ quán còn mắng nhân viên trước mặt khách, rồi nói chuyện oang oang trong quán”.

    Để có thêm thông tin một cách khách quan, chúng tôi truy cập vào trang TripAdvisor - trang web du lịch lớn nhất thế giới, với hàng triệu khách du lịch truy cập mỗi tháng - thì thấy có 175 lượt đánh giá về quán Cyclo’s Road. Nổi bật trong những đánh giá gần đây là “Quán không tiếp đón khách Châu Á và khách Việt Nam”; “Phân biệt chủng tộc”; “Không vui vẻ với khách Châu Á”…

    Giữ gìn nét cổ nên kén khách

    Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam, với diện tích chỉ khoảng hai km vuông với những con đường ngắn và hẹp, chạy uốn lượn, ngang dọc.

    Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu.

    Cho đến nay, phố cổ Hội An là một trong những nơi hiếm hoi giữ lại được những nét đẹp cổ xưa nguyên vẹn nhất, khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong thời hiện đại. Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999.

    Chính vì những nét cổ như vậy nên người Hội An họ tự thấy mình có trách nhiệm gìn giữ. Ông Lê Văn Giảng bày tỏ:

    “Hội An vừa được chọn là một trong hai nơi đang sống trên thế giới. Phải giữ ‘kìn kìn’ đó, chứ với nền kinh tế thị trường phát triển như thế này thì cũng dễ hỏng nếu không biết giữ.”

    Ông Minh Hải dẫn chứng trường hợp những nhà hàng từ chối phục vụ khách với việc gìn giữ văn hóa nơi đây khi ông phân tích:

    “Không có nhà hàng nào không cần khách. Kinh doanh là phải vì đồng tiền. Nhưng nếu khách hàng bước vô một quán yên tĩnh, lịch sự mà ăn nói ồn ào, hành vi kém văn hóa thì buộc lòng chủ quán phải mời ra. Đó là chuyện cực chẳng đã. Họ muốn gìn giữ cho cái văn hóa chung của Hội An.”

    Người dân Hội An muốn thay đổi cái nhìn của du khách, một phần để gìn giữ văn hóa cổ, một phần họ muốn làm ăn lâu dài và uy tín trên mảnh đất này, bởi mấy năm trước đây, khi Hội An phát triển, một số du khách đã ít nhiều than phiền về chất lượng dịch vụ, giá cả, tình trạng “chặt chém” gia tăng, sự ồn ào ở các khu phố cổ vốn tĩnh mịch... Chưa kể việc xây dựng các khối nhà bêtông lớn đã lấn át hình ảnh phố cổ.

    Thời điểm đó, lãnh đạo UBND TP Hội An cho rằng nguyên nhân chính là lượng du khách đã gia tăng với trước đây trong khi bộ máy quản lý vẫn không thay đổi về số lượng, cách làm.

    (RFA)

    Không có nhận xét nào