Header Ads

  • Breaking News

    Greta Thunberg nói với lãnh đạo thế giới: 'Quý vị khiến chúng tôi thất vọng'


    Nhà vận động người Thụy Điển Greta Thunberg, mới chỉ 16 tuổi, đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết và cảm xúc trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc, cáo buộc họ chưa hành động đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nhà hoạt động 16 tuổi Greta Thunberg phát biểu tại Thượng đỉnh Khí hậu ở trụ sở New York của Liên Hiệp Quốc hôm 23/9

    "Các ngài đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những lời sáo rỗng," cô nói tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại New York.

    Khoảng 60 nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt tại một cuộc họp diễn ra trong một ngày này do Tổng thư ký LHQ António Guterres tổ chức.

    Ông Guterres trước đó cho biết, các quốc gia chỉ có thể phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh nếu họ đem theo các kế hoạch hành động để cắt giảm lượng khí thải carbon.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, không được mong đợi xuất hiện tại hội nghị - nhưng ông được trông thấy trong phút chốc ở khu vực khán giả.

    Được biết đoàn Việt Nam có tham dự hội nghị, nhưng không có thông tin có đại diện phát biểu.

    Brazil và Ả Rập Saudi là cũng là hai trong số những nước không có mặt.

    Nhiều nước đang thúc đẩy ngành nhiệt điện than vẫn có mặt như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh.

    Greta Thungberg nói gì?

    Trong bài phát biểu đầy cảm xúc, cô nói: "Điều này hoàn toàn sai. Tôi đáng lẽ không nên ở đây. Tôi đáng lẽ nên đến trường ở phía bên kia đại dương, nhưng tất cả quý vị lại tìm đến giới trẻ chúng tôi để tìm kiếm hy vọng. Sao các ông, các bà có thể làm vậy chứ?

    "Các ông các bà đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng," cô gái 16 tuổi nói.

    Thunberg kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khẩn trương hành động, và nói rằng: "Chúng tôi sẽ luôn theo dõi quý vị."

    Các nhà lãnh đạo thế giới nói gì?

    Ông Guterres, người tổ chức cuộc họp, nói thế giới đang rơi vào tình trạng khí hậu khắc nghiệt và hành động khẩn cấp là cần thiết.

    "Thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn chưa phải là quá muộn," ông nói.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, đất nước của bà sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính lên đến 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ phát hành thêm 500 triệu đô la viện trợ bổ sung để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới.

    Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thì nói về những điều "đang bắt đầu xảy ra" ở quốc gia này.

    "Tổng lượng khí thải của chúng tôi đạt đỉnh vào năm 2006, giờ hơn 80% điện năng của chúng tôi đã đến từ thủy điện và điện gió, và chúng tôi đã bắt đầu một chương trình đầy tham vọng."

    "Chúng tôi đã giới thiệu trước quốc hội về dự luật không carbon, mục đích là để đảm bảo New Zealand trong ngưỡng 1,5C của mức nóng lên toàn cầu, nhằm tránh gây ra các thiên tai thảm khốc cho các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương."

    Cảnh báo của các nhà khoa học

    Hội nghị thượng đỉnh nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi vài triệu người tham gia cuộc tuần hành biểu tình về biến đổi khí hậu toàn cầu, do các nhà hoạt động thanh thiếu niên lãnh đạo.

    Trước thềm hội nghị, các nhà khoa học đã cảnh báo về các dấu hiệu cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang tăng tốc.

    Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, lượng khí CO2 trong khí quyển từ năm 2015 đến 2019 đã tăng 20% ​​so với 5 năm trước.

    Giáo sư Brian Hoskins, Chủ tịch Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, và giáo sư khí tượng học tại Đại học Reading, cho biết: "Chúng ta nên lắng nghe lời kêu gọi từ các em học sinh."

    "Đây là một trường hợp khẩn cấp - cần một hành động giảm nhanh chóng lượng khí thải nhà kính xuống mức 0; đồng thời thích ứng với những thay đổi không thể tránh khỏi của khí hậu," ông nói.

    Các nhà khoa học cầu xin các chính trị gia

    Phân tích của Roger Harrabin, nhà phân tích môi trường BBC

    Sự nguy hiểm của tình trạng nóng lên toàn cầu đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, nhưng kèm theo đó là sự vắng mặt của một ý chí tập thể để giải quyết vấn đề này.

    Vào năm 2015 tại Paris, tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới đều bày tỏ quyết tâm kìm hãm lượng khí thải, vốn đang làm khí hậu nóng lên.

    Hội nghị thượng đỉnh lần này chứng kiến ​​một loạt các sáng kiến ​​từ các doanh nghiệp và các quốc gia vừa và nhỏ.

    Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng mọi cách có thể.

    Và Trung Quốc - bất chấp cam kết thúc đẩy việc sử dụng năng lượng từ mặt trời và gió - vẫn đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.

    Ngay cả Vương quốc Anh, một quốc gia dẫn đầu trong hoạch định các chính sách khí hậu, cũng đang xa rời các mục tiêu trung hạn về cắt giảm khí thải của họ.

    Các chính trị gia dường như tin rằng, có thể ứng phó với biến đổi khí hậu bằng một giải pháp kinh tế thông thường.

    Nhưng các nhà khoa học nói với họ, với một sự tuyệt vọng ngày càng gia tăng rằng, con người đang phải đối mặt với một mối đe dọa chưa từng có và cần một giải pháp cũng chưa từng có.

    BBC News

    Không có nhận xét nào