100% du học sinh không muốn quay về.
Và rất khó cho những người đã trở về áp dụng những gì được học vào thực
tế tại Việt Nam, theo kết quả một nghiên cứu của TS Phạm Thị Liên, thuộc
Đại học Công nghệ Sydney.
Học sinh tìm hiểu cơ hội du học trong một ngày hội du học Pháp tại Hà Nội. |
Sinh
viên du học xong, trở về hay không trở về - một đề tài tưởng cũ, nhưng
thỉnh thoảng lại được xới lên trên báo chí lẫn trên mạng xã hội.
Nhiều
người cho rằng, lựa chọn - về hay ở lại - không chỉ là lựa chọn cá
nhân, mà còn là phản ánh khả năng tiếp nhận nguồn vốn con người của một
nền kinh tế.
Một ví dụ thường được nêu lên là trong số 17 quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" đi du học Úc, chỉ 2 người chịu về nước.
Khoan
hãy bàn cãi việc những học sinh này là những người học giỏi và có khả
năng, hay đích thực đã là nhân tài, mà hãy chú tâm vào chuyện, tại sao
nhiều du học sinh không muốn trở về nước làm việc?
TS
Phạm Thị Liên, giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ Sydney, đã
thực hiện một nghiên cứu có đối tượng tập trung là các du học sinh trở
về nước mà kết quả là cuốn 'International Graduates Returning to
Vietnam: Experiences of the Local Economies, Universities and
Communities' do nhà xuất bản Springer phát hành năm 2019.
Theo số liệu được trích dẫn trong nghiên cứu này, năm 2016, có khoảng 130 ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.
Nghiên
cứu kháo sát 440 du học sinh, và phỏng vấn sâu hơn 48 người gồm 21 du
học sinh, các thành viên gia đình, đồng nghiệp của họ, để xem mức độ
thỏa mãn của họ với công việc hiện tại ở Việt Nam so với những kiến
thức, kỹ năng mà họ học được tại nước ngoài, cũng như kỳ vọng của họ khi
du học.
Trước
đó, bà cũng đã làm một nghiên cứu khác, phỏng vấn sâu 20 du học sinh,
đang theo học tại các trường đại học ở Sydney (Úc), về động lực của họ
khi quyết định ở lại hay trở về.
Trao
đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 20/09 về kết quả nghiên cứu trên, TS
Liên cho biết 100% du học sinh đều mong muốn ở lại nước họ đến học để
làm việc, dẫu gia cảnh của họ có thể là khá giả hoặc họ đang có việc làm
tại Việt Nam.
Còn việc học xong, họ ở lại hay trở về lại Việt Nam, lại phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có kiếm được việc làm hay không.
"Nếu
kiếm được việc làm ở nước ngoài, tôi cam đoan là các bạn sẽ ở lại. Nếu
không kiếm được việc làm và quốc gia họ đang học cũng không có dạng visa
ở lại làm việc sau tốt nghiệp, cũng như họ không thể gia hạn visa, họ
buộc phải quay về Việt Nam" - bà Liên nói.
Tại sao du học sinh không muốn về?
Lý
do khiến nhiều du học sinh học xong không muốn về nước, theo kết quả
nghiên cứu nói trên, là vì họ muốn kiếm việc làm. Nếu trở về, khả năng
xin được việc làm có thể vận dụng được những kỹ năng, kiến thức và kinh
nghiệm mà họ học được vào bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam rất khó
khăn. Đó là chưa nói đến tiền lương và các mối quan hệ xã hội.
GS
Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc), trao đổi với BBC News
Tiếng Việt hôm 23/09, về những nhận xét do tiếp xúc thực tế với các sinh
viên học tại Úc, rằng:
"Cũng
như sinh viên nhiều nước khác, sinh viên từ Việt Nam muốn ở lại Úc chủ
yếu là xuất phát từ điều kiện làm việc và nghiên cứu. 'Điều kiện' ở đây
không chỉ gồm cơ sở vật chất khoa học (vốn cần thời gian để xây dựng) mà
còn là hệ thống đề bạt và tưởng thưởng, và nhất là môi trường làm việc
và sự tương tác giữa người với người. Ở Việt Nam, dân gian có câu nói về
cơ hội như "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ" làm nản
lòng rất nhiều người muốn về nước đóng góp.
Kế
đến là vấn đề tài chánh. Họ ra nước ngoài học là một đầu tư khá lớn của
gia đình, nên họ muốn có thu nhập tốt và ổn định để bù đấp những chi
phí trong thời gian theo học. Một số trường hợp thì nghĩ xa cho tương
lai con cái. Họ nghĩ rằng khi có con thì môi trường học hành cho con ở
nước ngoài vẫn tốt hơn và có khi rẻ hơn so với ở trong nước." GS Tuấn
nói.
GS
Tuấn cũng chia sẻ thêm: "Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm. Nhìn như vậy,
chúng ta sẽ không ngạc nhiên tại sao nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh
muốn ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. "
Rào cản với người về
Vấn đề là khi đã trở về, kiến thức và kỹ năng mà người trẻ tiếp thu được trong quá trình du học được tiếp nhận ra sao?
Theo
nghiên cứu nói trên của TS Phạm Thị Liên, với những du học sinh tốt
nghiệp có trình độ cử nhân, họ chỉ có thể áp dụng những kỹ năng mềm, chứ
không áp dụng được các kỹ năng kỹ thuật hoặc chuyên môn, nghiệp vụ.
Lý
do là du học sinh khi trở về, thường vào làm tại các công ty đa quốc
gia nước ngoài. Nhưng chi nhánh các công ty đa quốc gia này tại Việt Nam
lại thường không có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) mà chỉ
sản xuất, bán hàng hay kinh doanh theo chuỗi cung ứng. Bởi vậy, các kỹ
năng kỹ thuật trở nên không cần thiết.
Còn
với những người học thạc sĩ nghiên cứu hay tiến sĩ, khi trở về, họ
thường giảng dạy tại các trường đại học, nhưng tình trạng của họ cũng
không khá hơn.
"Những
gì họ học được ở nước ngoài không thể áp dụng vào thực tế giảng dạy ở
Việt Nam bởi cách dạy ở trong nước vẫn theo kiểu một chiều, từ trên
xuống. Các kỹ thuật giảng dạy ở nước ngoài khó áp dụng bởi học sinh
không quen, không mấy mặn mà hưởng ứng. Ngay với những kiến thức mà họ
học được ở nước ngoài cũng khó áp dụng, bởi việc giảng dạy ở nước ngoài
thường chú trọng vào các ví dụ cụ thể. Trong khi tại Việt Nam, hợp tác
giữa các doanh nghiệp với các cơ sở giảng dạy chưa chặt chẽ; doanh
nghiệp ở Việt Nam ít khi giữ được dữ liệu hay có giữ cũng không muốn
tiết lộ ra ngoài, nên việc đưa những ví dụ cụ thể vào bài giảng là rất
khó. Còn về nội dung, ở Việt Nam, điều này gắn rất chặt với chương trình
giảng dạy. Và nếu muốn đem nội dung từ nước ngoài về áp dụng ở trong
nước, lại phải được sự chuẩn thuận từ trên. Vậy là, thêm lần nữa, nhóm
này cũng chỉ có thể vận dụng các kỹ năng mềm mà thôi," TS Liên phân
tích.
Bởi
vậy, không ngạc nhiên khi mức độ thỏa mãn của những du học sinh trở về
Việt Nam với công việc hiện tại ở Việt Nam khá thấp. Theo nghiên cứu,
chỉ khoảng 44% du học sinh trở về thấy hài lòng với công việc hiện tại.
Trong nhiều yếu tố, sự thỏa mãn với kỳ vọng về mức lương và kỳ vọng về sự phát triển nghề nghiệp khá thấp.
Không
dễ dàng cho các du học sinh khi trở về Việt Nam để áp dụng những kiến
thức và kỹ năng được học. Và nếu du học trở về mà chỉ áp dụng được những
kỹ năng mềm thì "họ sẽ không sử dụng được những điểm mạnh mà họ có được
thông qua việc du học và những kỹ năng kỹ thuật khác sẽ dần mất đi," TS
Liên nhận định.
Như vậy, vấn đề không nằm ở du học sinh mà ở khả năng tiếp nhận chất xám của Việt Nam.
Chảy máu chất xám - một cái nhìn khác
Lâu nay, báo chí vẫn thường thảo luận về chuyện 'chảy máu chất xám,' hay tình trạng du học sinh một đi không trở lại.
Nhìn
nhận về hiện tượng này, Lê Hải Nam, nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin
(Ireland), trong một bài viết đăng trên báo trong nước cho rằng, chất
xám hiện nay là tài sản chung, cần được lưu chuyển trên thế giới chứ
không thuộc về một khu vực địa lý nào.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, cũng đồng quan điểm khi cho rằng:
"Trong
thực tế thì khái niệm 'chảy máu chất xám' (hay 'brain drain') không hẳn
thích hợp trong thời đại toàn cầu hoá và thế giới phẳng. Ngày nay,
những sinh viên học hành và được chấp nhận cho ở lại nước ngoài có những
tác động tích cực đến cả nước xuất phát và nước sở tại, và cả cá nhân
sinh viên. Một khi thành danh ở nước ngoài, họ có thể giúp cho quê hương
mình không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế. Nhiều nghiên
cứu trong quá khứ để chỉ ra sự thật đó. Do đó, nói là 'chảy máu chất
xám', nhưng trong thực tế thì 'đôi bên cùng có lợi."
Trao
đổi với BBC News Tiếng Việt cùng ngày, TS Nguyễn Tiến Vũ, nghiên cứu
hậu tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh), viện dẫn thống kê của Tổ chức Sở
hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Thống kê này cho thấy trong giai đoạn
2007-2012, 86% số lượng bằng sáng chế độc quyền đứng tên người Việt được
đăng ký khi họ đang làm việc tại nước ngoài. Đặt trường hợp nhóm người
này quyết định ở lại quê nhà, các cống hiến của họ cũng khó lòng phát
huy hết hiệu quả.
Bởi
vậy, theo TS Vũ, "không nên cứng nhắc xem việc chảy máu chất xám là
tiêu cực, mà phải xem đó là một phần tất yếu trong của sự phát triển
chung của nhân loại."
Để tạo động lực cho du học sinh trở về
Nhưng
ngay cả khi thay đổi cái nhìn về hiện tượng 'chảy máu chất xám,' thì
việc du học sinh 'một đi không trở lại' vẫn cho thấy những thất bại
trong chính sách thu hút nhân lực của Việt Nam.
GS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét:
"Tôi
không rõ về chánh sách của Việt Nam, nên tôi không có ý kiến. Nhưng
nhìn vào thực tế thì việc đa số sinh viên muốn ở lại ở nước ngoài phải
làm cho nhà chức trách cao nhất ở Việt Nam phải suy nghĩ, làm sao tạo
điều kiện và môi trường thuận lợi cho giới chuyên gia, không phải chỉ
chuyên gia ở nước ngoài mà trước hết là ở trong nước, để họ có cơ hội
bình đẳng và sự đóng góp của họ được ghi nhận thích đáng. Có thể tham
khảo cách làm của Hàn Quốc (hay mới đây là Trung Quốc), những nước có
khả năng làm đảo ngược trào lưu chảy máu chất xám."
Còn
xuất phát từ trải nghiệm của chính bản thân mình, TS Vũ tâm sự:"Khi đi
du học, ai cũng muốn quay về nước. Tuy nhiên, mình phải tự hỏi là bây
giờ về thì làm được gì. Theo em, làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng là
đóng góp vào sự phát triển chung. Hiện tại, có nhiều người Úc, Mỹ, Anh…
cũng tới Việt Nam sống và làm việc. Do đó, lựa chọn tối ưu cho em tại
thời điểm này là tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu ở các trường đại học
lớn trên thế giới, chờ đến thời điểm thích hợp để quay trở về."
Đúc kết từ công trình nghiên cứu của mình, TS Phạm Thị Liên đề xuất:
"Nếu
Việt Nam muốn sử dụng những kỹ năng kỹ thuật và chuyên môn, chính phủ
phải có các chương trình khuyến khích các tổ chức trong nước tiếp nhận
các sinh viên du học trở về. Bởi chỉ có làm cho các công ty trong nước,
họ mới vận dụng các kỹ năng này. Bên cạnh đó, các trường đại học ở nước
ngoài cần mở rộng những kỳ thực tâp (internship) ra, để các du học sinh
có cơ hội làm việc không chỉ với các doanh nghiệp sở tại mà cả trong các
doanh nghiệp tại Việt Nam hay các nước khác. Từ đó, du học sinh sẽ có
cơ hội tạo lập quan hệ, để khi trở về, họ không thấy bỡ ngõ. Qua đó, các
bạn cũng có cơ hội tìm được những doanh nghiệp mà họ có cơ hội áp dụng
những kỹ năng và kiến thức mà họ đã được học."
TS
Nguyễn Tiến Vũ đưa ra một đề xuất khác, đó là thay vào việc lôi kéo du
học sinh về nước, Việt Nam có thể dành nguồn lực tăng cường chất lượng
đào tạo giảng dạy trong nước, sao cho sinh viên đại học trong nước vẫn
chất lượng bằng sinh viên đi du học ở nước ngoài.
"Làm
được việc này thì ta không phải lo về 'chảy máu chất xám' nữa, mà lúc
đó có thể nghĩ đến 'xuất khẩu chất xám,' vì sinh viên Việt Nam vốn bản
chất thông minh, chăm chỉ," vị TS trẻ này nói.
(BBC)
Không có nhận xét nào