Vào ngày 1 tháng 10 năm nay, để đánh
dấu 70 năm ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch
Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu nhằm ca ngợi thành tích của Đảng Cộng
sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ năm 1949. Nhưng bất chấp sự tự tin và lạc
quan rõ ràng của ông Tập, các thành viên trên dưới của Đảng ngày càng
lo lắng cho triển vọng tương lai của chế độ – với những lý do chính
đáng.
Vào
năm 2012, khi Tập lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, ông đã hứa rằng Đảng sẽ
cố gắng mang lại những thành công vĩ đại trước thềm hai lễ kỷ niệm một
trăm năm sắp tới, đó là ngày thành lập ĐCSTQ vào năm 1921 và ngày quốc
khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Nhưng một sự suy
giảm kinh tế dai dẳng và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ có thể sẽ làm
xáo trộn tâm trạng của ĐCSTQ trong lễ kỷ niệm năm 2021. Và chế độ độc
đảng thậm chí có thể không tồn tại được cho đến năm 2049.
Mặc
dù về mặt kỹ thuật không có giới hạn thời gian đối với một chế độ độc
tài, nhưng ĐCSTQ đang đến gần với giới hạn tuổi thọ dành cho cho chế độ
độc đảng. Đảng Cách mạng Thể chế Mexico từng nắm giữ quyền lực trong 71
năm (1929-2000); Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền trong 74 năm
(1917-1991); và Quốc Dân Đảng ở Đài Loan nắm quyền trong 73 năm (từ 1927
đến 1949 ở đại lục và từ 1949 đến 2000 tại Đài Loan). Chế độ Bắc Triều
Tiên, một triều đại gia đình trị kiểu Stalinist đã cai trị 71 năm, hiện
là đối thủ cạnh tranh đương thời của ĐCSTQ.
Nhưng
các mẫu hình lịch sử không phải là lý do duy nhất khiến ĐCSTQ phải lo
lắng. Các điều kiện cho phép chế độ phục hồi sau các thảm họa tự gây ra
của chủ nghĩa Mao và trở nên thịnh vượng trong bốn thập niên qua phần
lớn đã được thay thế bởi một môi trường ít thuận lợi hơn – và một số
khía cạnh đã trở nên nhiều thù địch hơn.
Mối
đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại lâu dài của Đảng nằm ở cuộc chiến
tranh lạnh đang diễn ra với Mỹ. Trong phần lớn thời kỳ hậu Mao, các nhà
lãnh đạo Trung Quốc đã giấu mình trên trường quốc tế, cố gắng tránh xung
đột trong khi xây dựng sức mạnh trong nước. Nhưng đến năm 2010, Trung
Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, theo đuổi chính sách đối ngoại
ngày càng phô trương cơ bắp. Điều này đã làm bất an Hoa Kỳ, nước đã bắt
đầu dần dần chuyển từ chính sách can dự sang chính sách đối đầu vốn đã
rõ ràng hiện nay.
Với
khả năng quân sự, công nghệ, hiệu quả kinh tế vượt trội cùng mạng lưới
liên minh (vẫn mạnh mẽ bất chấp sự lãnh đạo mang tính phá hoại của Tổng
thống Donald Trump), Mỹ có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc chiến
tranh lạnh Trung-Mỹ hơn so với Trung Quốc. Mặc dù chiến thắng của Mỹ có
thể sẽ rất tốn kém, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ định đoạt được số phận
của ĐCSTQ.
ĐCSTQ
cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn. Cái gọi là phép màu
của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một lực lượng lao động lớn và trẻ, đô
thị hóa nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tự do hóa thị
trường và toàn cầu hóa – tất cả các yếu tố này đã suy giảm hoặc biến
mất.
Những
cải cách rốt ráo – đặc biệt là trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp
nhà nước không hiệu quả và chấm dứt các chính sách thương mại tân trọng
thương – có thể duy trì đà tăng trưởng. Nhưng, dù hô hào cải cách thị
trường hơn nữa, nhưng ĐCSTQ miễn cưỡng thực hiện chúng, thay vào đó lại
bám vào các chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và gây hại
cho các doanh nghiệp tư nhân. Do khu vực nhà nước đóng vai trò nền tảng
kinh tế cho chế độ độc đảng, nên triển vọng các lãnh đạo ĐCSTQ sẽ đột
nhiên ủng hộ cải cách kinh tế triệt để là mờ mịt.
Xu
hướng chính trị trong nước cũng đáng lo ngại tương tự. Dưới thời ông
Tập, ĐCSTQ đã từ bỏ chủ nghĩa thực dụng, sự linh hoạt về ý thức hệ và
lãnh đạo tập thể vốn đã rất hiệu quả trong quá khứ. Với sự áp dụng chủ
nghĩa tân Mao của Đảng – bao gồm tuân thủ nghiêm ngặt ý thức hệ, kỷ luật
tổ chức cứng nhắc và chế độ cai trị một người dựa trên việc gieo rắc
nỗi sợ hãi – rủi ro của những sai lầm chính sách thảm khốc đang gia
tăng.
Chắc
chắn là ĐCSTQ sẽ không chịu sụp đổ mà không nỗ lực đấu tranh chống lại
điều đó. Khi sự kiểm soát quyền lực suy yếu dần, có lẽ Đảng sẽ cố gắng
khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong số những người ủng hộ, đồng thời tăng
cường đàn áp những người chống đối.
Nhưng
chiến lược này không thể cứu vãn nổi chế độ độc đảng của Trung Quốc.
Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có thể tăng cường sự ủng hộ dành cho ĐCSTQ
trong ngắn hạn, năng lượng của nó cuối cùng sẽ tiêu tan, đặc biệt là nếu
Đảng không thể tiếp tục cải thiện mức sống cho người dân. Và một chế độ
phụ thuộc vào cưỡng ép và bạo lực sẽ phải trả giá đắt vì hoạt động kinh
tế sẽ bị kìm nén, sự kháng cự của người dân gia tăng, chi phí an ninh
leo thang, đi kèm với sự cô lập quốc tế.
Đây
không phải là bức tranh đáng phấn khởi mà ông Tập sẽ trình bày cho
người dân Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 tới. Nhưng không có liều lượng
dân tộc chủ nghĩa nào có thể thay đổi được thực tế rằng sự tan rã của
chế độ ĐCSTQ hiện đang đến gần hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc thời
đại của Mao.
Minxin Pei
Biên dịch: Phan Nguyên
* Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào