Từ ngày 10/9 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có nhiều động thái nhắm vào giới doanh nghiệp tư nhân công nghệ cao hàng đầu, từ thanh tra cho đến đưa người vào các doanh nghiệp tư, quản lý chặt giới dân doanh từ vấn đề chính trị đến vấn đề kinh tế. Có phân tích cho rằng ĐCSTQ đang thúc đẩy giới dân doanh đi vào con đường cũ theo mô hình hợp tác công và tư, bước tiếp theo là triệt để thực thi quốc hữu hóa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế bế quan tỏa cảng với thế giới
Giở lại chiêu bài “giết địa chủ chia ruộng đất”?
Gần đây mạng Internet Trung Quốc Đại Lục xuất hiện bức thư “Thư gửi các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức xã hội ở quận Hải Định”. Đây là Công văn Đỏ do nhiều cơ quan quản lý nhà nước quận Hải Định thành phố Bắc Kinh ban hành. Nhưng không lâu sau khi công văn được đăng tải lên Weibo đã nhanh chóng bị xóa bỏ.
Nội dung công văn cho biết, trong thời gian từ tháng 9 – 10/2019 cơ quan chức năng quận Hải Định thành phố Bắc Kinh tiến hành khảo sát thực địa việc thực hiện công tác xây dựng tổ chức đảng đối với toàn bộ doanh nghiệp và tổ chức xã hội không thuộc sở hữu nhà nước.
Về nội dung điều tra, vào năm ngoái, ông Chu Huấn Quốc, Phó trưởng Ban tổ chức của Tỉnh ủy tỉnh Giang Tây kiêm Bí thư Ban Công tác Tổ chức Xã hội và Kinh tế không thuộc sở hữu nhà nước đã tiết lộ, doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện “sáu minh bạch”: minh bạch tình hình vận hành kinh doanh, minh bạch tình hình nhân sự, minh bạch tình hình đội ngũ đảng viên, minh bạch tình hình người bỏ vốn (người phụ trách), minh bạch tình hình xây dựng tổ chức đảng, minh bạch lý do không xây dựng tổ chức đảng.
Cộng đồng mạng có chỉ ra: “Đây là chiêu bài giết địa chủ chia ruộng đất đối với nông thôn, còn đối với đô thị là ép các nhà tư bản nhảy lầu tự sát.” “Nguyên nhân vì sợ dân doanh trốn thuế? Hay giới doanh nghiệp nhà nước đã tê liệt, thị trường chứng khoán ngưng trệ, tình hình đang nguy ngập?”
Ngày 20/9, chính quyền thành phố Hàng Châu lấy danh nghĩa “Kế hoạch sản xuất mới”, đưa người vào làm “Đại biểu Sự vụ Chính quyền” tại 100 doanh nghiệp trọng điểm như Alibaba và xe hơi Geely Chiết Giang. Các đại diện đóng trú với thời gian một năm, nằm trong quản lý của Ban Tổ chức Thành ủy thành phố và Ban Thông tin Kinh tế thành phố.
Nhiều tên doanh nghiệp nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp trọng điểm này sau đó đã bị lộ, ngoài Alibaba còn có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao như Dịch vụ Tài chính Ant, Netease, Hikvision, Dahua Chiết Giang…
Trong một tweet, chuyên gia về Trung Quốc là luật sư Hàn Liên Triều chỉ ra rằng, từ việc buộc xây dựng tổ chức đảng cho đến cử “đặc phái viên” kinh tế đóng trú tại các doanh nghiệp tư nhân, cho thấy nhà cầm quyền đang siết chặt quản lý doanh nghiệp tư nhân cả về chính trị và kinh tế. Đây là lúc giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phải gấp rút tìm hướng tự cứu mình.
“Đặc phái viên các cấp của chính phủ đã túc trực giám sát tài chính các doanh nghiệp tư nhân, trong đó bao gồm các kế toán viên làm toàn thời gian được hưởng lương nhà nước. Rõ ràng, tình hình tài chính của ĐCSTQ đang gặp khủng hoảng nên đang thúc đẩy các chiến dịch mới để tìm lối thoát.”
Triệt tiêu nguy cơ từ trứng nước
Trong một trả lời phỏng vấn tờ Epoch Times (Mỹ), Giáo sư Tạ Điền thuộc Viện Kinh doanh Aiken Đại học Nam Carolina cho biết, động thái này của ĐCSTQ là nhắm vào nguồn tài sản và lợi nhuận và của các doanh nghiệp, tương tự trước đây khi ĐCSTQ mở chiến dịch “đánh cường hào chia ruộng đất” cũng đã cử người đi xem xét tình hình tài sản của phú hào địa chủ.
Vào đầu tháng 8, “doanh nghiệp trung ương + mạng Internet” đã trở thành một mô thức cải cách doanh nghiệp nhà nước (cải cách theo chế độ sở hữu kiểu hòa trộn). Giáo sư Tạ Điền nhận định rằng ĐCSTQ với những gia tộc quyền quý của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Vương Chấn kiểm soát nền kinh tế, khiến những lĩnh vực béo bở nhất đều bị những gia tộc này chiếm cứ và lũng đoạn, nhưng họ không hiểu Internet công nghệ cao. Vì vậy trước đây họ cho phép một số doanh nghiệp công nghệ cao phát triển, bao gồm BAT (Baidu, Alibaba, Tencent), giúp các doanh nghiệp này hùng mạnh.
Ông phân tích rằng có nhiều nguyên nhân khiến ĐCSTQ đẩy nhanh thanh trừng các công ty Internet này.
Trước hết, việc ĐCSTQ gây áp lực cao về chính trị như là cách tự vệ, để các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không thể mạnh hơn họ, giúp họ độc tôn ở Trung Quốc. ĐCSTQ sẽ cho rằng đây là những gì họ ban cho đối thủ, không phải chỉ nhờ bản lĩnh mà có được. Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế yếu kém, họ lại lao vào cuộc chiến tranh thương mại, vì ĐCSTQ đang dần cạn vốn liếng nên tìm đến các công ty tư nhân xử lý.
Thứ hai, các công ty như Alibaba, viễn thông Softbank của Nhật Bản và Yahoo của Mỹ đều rất hùng mạnh, ĐCSTQ rất dè chừng những doanh nghiệp này. Mã Vân (Jack Ma) thu thập không chỉ là thông tin thị trường, thông tin về chuỗi cung ứng bán hàng, còn có cả thông tin của người tiêu dùng, thậm chí thông tin tài chính, nếu để các cổ đông nước ngoài kiểm soát những loại dữ liệu rất quan trọng này thì chắc chắn ĐCSTQ như cá nằm trên thớt.
Cuối cùng, khi Mã Vân triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay (tương tự Tencent với nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ ba TenPay), đã thực sự đe dọa thế độc quyền của những gia tộc ĐCSTQ, nền tảng Alipay đã giành miếng bánh của ĐCSTQ, trực tiếp xung đột với thế lực lũng đoạn của ĐCSTQ, vì vậy Mã Vân phải từ chức.
Thúc đẩy thôn tính
Từ năm 2014, Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước của ĐCSTQ đã khởi xướng kế hoạch cải cách hòa nhập doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Vào ngày 6/6/2015, ĐCSTQ đã đề xuất dự án xây dựng tổ chức đảng tại khu vực tư nhân. Khi đó đã có quan điểm cho rằng việc cho đảng che phủ tất cả là thảm họa của các doanh nghiệp tư nhân.
Giới quan sát bên ngoài lo ngại ĐCSTQ đang đẩy nhanh tốc độ thôn tính doanh nghiệp tư nhân. Vào tháng 9, sau khi Mã Vân “(bị) từ chức” và Mã Hóa Đằng cũng không còn vai trò đại diện pháp luật của Tencent, thì Liễu Truyền Chí cũng không còn là đại diện pháp luật của Lenovo. Ngoài ra, cộng đồng mạng Internet cũng chỉ ra rằng các quan chức ĐCSTQ tại các tỉnh như Hàng Châu, Hà Nam, Quảng Đông và Quý Châu cũng đã đến đóng trú tại các doanh nghiệp địa phương.
Theo giáo sư Tạ Điền, “Đây chắc chắn là thanh tra. Là người của Ban tổ chức ĐCSTQ, họ muốn nắm rõ toàn bộ nguồn tài sản của các doanh nghiệp này. Bước tiếp theo sẽ là tổ chức kinh doanh chung giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tiến đến thôn tính các doanh nghiệp tư nhân này thành hình thức “hợp doanh công – tư” như trước đây, cuối cùng là chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh của nền kinh tế trở về nhà nước, triệt để quốc hữu hóa nền kinh tế.”
Giáo sư Tạ Điền cho biết, “Hợp doanh nhà nước và tư nhân cho phép chính phủ vận hành các công ty tư nhân, cán bộ nhà nước đồn trú tại Alibaba và doanh nghiệp chủ chốt khác là đi lại con đường cũ đã đi. Đồng thời còn có cách làm khác, đó là doanh nghiệp nhà nước cổ vũ nguồn vốn tư nhân tham gia, khi ĐCSTQ vào thế túng thiếu đã dùng cách mời chào nguồn vốn tư nhân nhưng không bao giờ cho phép tư nhân quyền chi phối và kiểm soát.”
“ĐCSTQ chưa bao giờ yên tâm để tư bản tư nhân kiểm soát của cải, họ lo ngại một khi để kẻ khác chi phối tài chính sẽ dẫn đến chi phối cả mặt chính trị, gây đe dọa đối với quyền lực của ĐCSTQ,” ông cho biết.
Nền kinh tế đang đổ vỡ?
Dữ liệu cho thấy, kinh tế Trung Quốc tháng 8 đã đến mức tồi tệ nhất kể từ năm 1997; còn tháng 9 là tồi tệ nhất kể từ năm 1962. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc rơi vào hai điểm thấp nhất trong lịch sử, tức là thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á (1997) và thời nổ ra đại nạn mất mùa (đại nạn đói 1958 – 1961).
Thứ Tư tuần trước (18/9), Tổng thống Mỹ Trump cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “năm tồi tệ nhất” trong 57 năm qua, “chuỗi cung ứng của họ đứt gãy, các công ty đang tháo chạy”. Cho dù ĐCSTQ phá giá đồng nhân dân tệ hay đầu tư nhiều tiền hơn thì cũng không thể khống chế được tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc.
Giáo sư Tạ Điền khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp, ĐCSTQ muốn tóm các doanh nghiệp hy vọng có thể kiểm soát tình hình, trở về con đường chính trị tập quyền tối đa và xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa. ĐCSTQ hiện đang chuẩn bị rút lui hoàn toàn về kinh tế và trở lại trạng thái bế quan tỏa cảng. Vì vậy hiện nay đang thúc đẩy hệ thống kinh tế trở lại hình thức phù hợp với chiến lược đang xây dựng.
Trong môi trường chính trị và kinh doanh của ĐCSTQ, các doanh nghiệp tư nhân một lần nữa chuẩn bị đối mặt với số phận bị làm thịt. Ông nhận định, “Như Alibaba của Mã Vân phải hợp tác với ĐCSTQ, không có sự lựa chọn khác. Những người thực sự muốn phát triển độc lập mà có thể bỏ chạy được thì đã bỏ chạy. Hiện nay nhìn chung tình hình ngày càng khó hơn, rất khó chạy thoát được.”
Ông cũng dự đoán rằng bước tiếp theo sẽ đặc biệt gây sốc, ĐCSTQ sẽ mở rộng mô hình hành động đối với Hàng Châu ra toàn quốc. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc đang ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải và Thâm Quyến, việc thực hiện ở Thâm Quyến có thể khó khăn hơn một chút vì người Quảng Đông chống đối mô hình này rất mãnh liệt.
“Chính quyền cộng sản Trung Quốc chắc chắn phải đi vào con đường này, sau khi khảo sát rõ ràng các doanh nghiệp, việc tiếp theo là quốc hữu hóa toàn diện. Khoảng nửa năm nữa sẽ bắt đầu, nếu khi đó ĐCSTQ chưa sụp đổ.”
Huệ Anh
(https://trithucvn.net)
Không có nhận xét nào