Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung
cho rằng cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng qua “ít ảnh hưởng trực
tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc” và cảnh báo rằng “sẽ phải có một cú
sốc kinh tế thực sự lớn mới có thể đe dọa” quyền lực của Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình.
Thay
vào đó, theo các chuyên gia được South China Morning Post trích lời
phát biểu tại một phiên điều trần với quốc hội Mỹ ở Washington hôm 4/9,
các thách thức cơ bản về mặt cơ cấu – như mức nợ cao – đặt ra những vấn
đề lớn hơn cho các mục tiêu kinh tế dài hạn của Bắc Kinh. Tuy nhiên,
cũng có ý kiến cho rằng cuộc chiến thương mại có thể gây thiệt hại cho
nền kinh tế Trung Quốc khi nó tiếp tục leo thang.
Các
nhà phân tích chính sách đã đưa ra lời chứng bằng văn bản và bằng phát
biểu với Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc chỉ vài
giờ trước khi các nhà đàm phán thương mại hàng đầu xác nhận sẽ có một
cuộc gặp mặt trực tiếp vào đầu tháng 10 để giải quyết cuộc xung đột
thương mại ngày càng ác liệt giữa hai nước.
Trong
số các nhà phân tích tại buổi điều trần là phó giáo sư chính sách và
chiến lược toàn cầu Victor Shih của Đại học California phân viện San
Diego. Ông nói rằng cuộc chiến thương mại có thể thành công trong việc
tạo ra sự chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh về cách
đối phó với suy thoái kinh tế của Trung Quốc, theo South China Morning
Post.
Các
quan chức Trung Quốc đã bị chia rẽ về việc có nên theo đuổi các chính
sách kích cầu kinh tế hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế hay là tiếp tục
cải cách dựa trên thị trường, bao gồm loại bỏ nợ có rủi ro. Bắc Kinh đã
tiến hành một số biện pháp kích cầu, nhưng không phải là các biện pháp
toàn diện được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm
2008.
Trong
khi thiệt hại kinh tế lũy tiến theo cuộc chiến thương mại, ông Shih cho
rằng các phe phái bất đồng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền sẽ
xuất hiện và gây áp lực lên ông Tập nhằm tăng cường kích thích kinh tế.
Bắc Kinh đã công bố một loạt các bước nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu
tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng mới trong môi trường thương mại căng
thẳng hiện nay.
“Sẽ
phải có một cú sốc kinh tế thực sự lớn mới có thể để đe dọa sức mạnh
của [ông Tập]," ông Shih được tờ báo có trụ sở ở Hong Kong trích lời
nói, và cho biết thêm rằng nợ trong nước cao cùng với các tranh chấp
thương mại với Mỹ đang dẫn đến việc nhà nước tăng cường can thiệp vào
nền kinh tế Trung Quốc.
Khi
cuộc chiến thương mại kéo dài, những tác động tiêu cực thông qua thương
mại, kinh tế, đầu tư và các kênh công nghệ có thể sẽ ảnh hưởng đến
triển vọng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc, theo ông Andrew Polk,
nhà đồng sáng lập của trung tâm nghiên cứu Trivium Trung Quốc.
Trận
chiến thuế quan đã tạo ra khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế
giới. Dữ liệu thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về tháng 7 được công
bố hôm 4/9 cho thấy xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 18,2% trong
7 tháng đầu năm nay, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm
12,3%. Dữ liệu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cả hai bên áp đặt thêm
thuế quan để trả đũa nhau, với các mức thuế mới của Mỹ đánh vào hàng hóa
Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10.
Theo
South China Morning Post, ông Polk nhận định rằng do thuế quan, các
công ty Trung Quốc phải đối mặt với việc định giá thấp hơn, nhưng ông
cũng cho biết rằng các tổn thất đã được bù đắp bằng “việc vũ khí hóa
đồng nhân dân tệ” – ý ông muốn nói tới quyết định gần đây của Bắc Kinh
cho phép phá giá đồng nhân dân tệ.
Vẫn
theo ông Polk, căng thẳng thương mại có thể ảnh hưởng lớn tới các công
ty nào đó và có thể làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong năm qua,
nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng suy thoái kinh tế theo chu kỳ của Trung
Quốc “gần như chủ yếu” là do các yếu tố trong nước.
(VOA)
Không có nhận xét nào