Với chính sách « Hướng Đông », tăng
cường quan hệ với Nhật Bản và Nga về an ninh hàng hải, Ấn Độ xây dựng
hình ảnh một cường quốc hải quân muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong
khu vực Biển Đông đang bị Trung Quốc lấn hiếp. Các nước Đông Nam Á trông
chờ có thêm một đồng minh. Tuy nhiên, thực tế dường như không phải như
thế, theo nhận định « tiếc rẻ » của một chuyên gia Ấn Độ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Xi Jinping (P) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Quốc, ngày 27/04/2018. |
Trong
những ngày gần đây có hai sự kiện cho phép suy đoán Ấn Độ thay đổi
chính sách Biển Đông. Trước hết là bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh
đến Tokyo hồi tuần trước để cùng xem xét khả năng hợp tác an ninh trong
toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như thảo luận về tình hình căng
thẳng tại Biển Đông. Tiếp theo đó, trong cuộc hội kiến với tổng thống
Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký một
bản ghi nhớ mở một con đường hàng hải nối liền nước Nga đến tận thành
phố cảng Chennai ở miền đông Ấn Độ.
Hai
động tác này phải chăng là bước tiến cụ thể từ khi chính sách « Hướng
Đông » được nâng cấp thành « Hành Động Phía Đông » vào tháng 10/2014 thể
hiện cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở châu Á?
Theo
nhiều nhà phân tích, sự hiện diện của Ấn Độ bên cạnh Nga và các cường
quốc khu vực là tín hiệu New Delhi có quyết tâm chống lại ảnh hưởng áp
đảo của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa chính trị
Abhijit Singh thuộc Viện Quan Sát (Observer Research Foundation) ở New
Delhi, đưa ra một nhận định khác trong bài « Chính sách Biển Đông của Ấn
Độ không đổi ».
Ấn Độ Dương của tôi, Biển Đông của anh
Ấn Độ không bỏ chủ trương không can thiệp vào Biển Đông vì ba lý do.
Thứ
nhất, Ấn Độ không có chủ quyền bị đe dọa trực tiếp tại đây. Thứ hai,
Trung Quốc ở thế mạnh, kiểm soát các đảo chủ yếu, có căn cứ quân sự và
vũ khí áp đảo các nước láng giềng. Và thứ ba, có lẽ là lý do quan trọng
nhất, Ấn Độ muốn bảo vệ quan hệ tốt với Trung Quốc qua thỏa thuận Vũ
Hán. New Delhi hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ấn
Độ Dương, đổi lại, Ấn Độ sẽ tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc tại Biển
Đông.
Ấn
Độ thật ra cũng rất lo ngại trước mối đe dọa của Trung Quốc về giao
thông, vận tải, quyền lợi chiến lược năng lượng của mình. Biển Đông là
huyết mạch đối với các nhà chiến lược Ấn Độ và họ thấy cần phải tăng
cường khả năng tự vệ cho Đông Nam Á. Đó là hai mối ưu tư thúc đẩy
NewDelhi phát triển chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thế nhưng, liên
quan đến Biển Đông, Ấn Độ không muốn đụng chạm đến Trung Quốc. Hải quân
Ấn Độ không tham gia tuần tra tại Biển Đông mà ngay chính phủ Ấn Độ cũng
tránh ký tên vào các bản tuyên bố chung lên án Trung Quốc. Điển hình là
nhân Diễn đàn an ninh tại Singapore hồi năm 2018, Mỹ, Úc, Nhật kêu gọi
xây dựng một trật tự tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương với những « quy tắc
chung làm nền tảng ». Ấn Độ, trái lại, chỉ dè dặt đề nghị một hình thức «
nối kết ».
Thiếu quyết tâm chính trị
Cho
đến cuộc họp lần thứ tư của nhóm « tứ cường » mà thủ tướng Nhật Shinzo
Abe gọi là « nhóm kim cương » tại Bangkok, thì lúc đó Ấn Độ mới tiến
thêm một bước « chia sẻ ý tưởng hợp tác dựa tên các quy tắc ».
Cũng
theo chuyên gia Abhijit Singh, những phóng sự rầm rộ của truyền thông
Ấn Độ về tham vọng khai thác dầu khí tại Biển Đông chỉ là hành động
quảng cáo. Trên thực tế, tuy Ấn Độ có quyền lợi thương mại trong vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng quyền lợi này không quan trọng
lắm.
Do
vậy, tuy New Delhi có vẻ đang tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật, Úc và
Việt Nam, thực tế không đúng như thế. Không những Ấn Độ chưa sẵn sàng mở
rộng tầm hoạt động hải quân đến Biển Đông mà còn tránh mọi lời nói có
thể bị Bắc Kinh xem là khiêu khích.
Chuyên
gia Ấn Độ Abhijit Singh lấy làm tiếc là chính quyền của thủ tướng Modi
tuy có chính sách « Hành Động Phía Đông » nhưng lại thiếu quyết tâm
chính trị ngăn chận hành động xâm lăng của Trung Quốc.
(RFI)
Không có nhận xét nào