Header Ads

  • Breaking News

    Ai đã bảo kê cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến? (Phần 3)

    Buôn thuốc giả, hối lộ, thông đồng, bắt tay nhau đưa thuốc vào các bệnh viện lớn hàng đầu trên cả nước, mua chuộc bác sĩ để điều trị cho các bệnh nhân ung thư, là tội ác Trời đất không dung thứ.

    Vụ án VN Pharma là sự xúc phạm y đức tồi tệ nhất trong lịch sử ngành y 70 năm qua, kể từ khi hình thành nhà nước cộng sản và hơn 100 năm phát triển y học hiện đại của cả hai miền Nam Bắc. Nó cũng là hồi chuông báo động cho xã hội, trước sự tham lam đến tàn bạo của bộ phận cán bộ nhân danh “chăm sóc sức khoẻ” cho dân chúng, nhưng lại là những kẻ hút máu họ và sẵn sàng đạp qua các xác chết để lấy tiền và tiến thân.

    Chuyện kinh khủng, tày đình như thế, nhưng giới lãnh đạo cấp cao vẫn dửng dưng, như không có gì. Vô cảm, dung túng và bao che đến lạnh lùng.

    Ngày 26/1/2016 tại ĐH đảng toàn quốc Khoá XII, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã bị đá văng ra khỏi danh sách 180 Uỷ viên Trung ương và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng không hội đủ số phiếu để nằm trong danh sách 20 Uỷ viên dự khuyết. Xem như Bộ Y tế trắng tay.

    Khi kết quả bầu bán được công bố rộng rãi trên truyền thông, một bầu không khí vỡ oà trong ngành y tế cả nước. Trí thức trong và ngoài ngành Y đều mừng vui ra mặt, họ mong một Bộ trưởng kém đức, kém tài, tham lam, độc ác và mồm mép như Nguyễn Thị Kim Tiến biến thật nhanh. Nhưng đáng tiếc, họ đã mừng hụt.

    Trong phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 29/1/2016, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, hiện là Chánh Văn phòng Trung ương đảng, cho rằng, trong đề án công tác nhân sự và quan điểm xuyên suốt của Đảng không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương.

    Như thế là đã rõ, ông Nên đã gởi đi thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm giữ Nguyễn Thị Kim Tiến ở lại.

    Tại kỳ họp thứ 11 của QH khoá XIII, sáng 8/4/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình danh sách 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm là những người đến tuổi nghỉ chế độ, không tái cử vào Trung ương khóa 12 hoặc đã nhận nhiệm vụ mới. Nguyễn Thị Kim Tiến không nằm trong danh này dù không tái cử vào Trung ương.

    Quốc hội khoá 13, Nguyễn Thị Kim Tiến được sắp xếp ứng cử và trúng cử tại đơn vị bầu cử số 10: gồm quận 8 và Bình Chánh. Lo sợ chắc chắn sẽ “out”, NguyễnThi Kim Tiến xin không tham gia danh sách hiệp thương ứng viên ĐBQH khoá 14.

    Trở lại Vụ án VN Pharma. Để đối phó với Cơ quan ANĐT, Nguyễn Thị Kim Tiến ký Quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 16/01/2015 lập nhanh cái gọi là Hội đồng giám định chất lượng của thuốc H-Capita 500mg Caplet, gồm các cán bộ của chính Bộ Y tế. Mục đích nhằm chạy tội cho chính mình, Bộ Y tế và bộ sậu của VN Pharma khỏi tội danh “buôn thuốc giả” với bản án “từ chung thân đến tử hình”.

    Kết quả được Hội đồng Giám định kết luận số 31/KL-BYT, ngày 22/4/ 2015: “Căn cứ vào Khoản 23 và 24, Điều 2 Luật Dược 2005, kết luận giám định lô thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt yêu cầu chất lượng và không sử dụng cho con người chứ không phải thuốc giả”.

    Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng bị bắt tạm giam từ ngày 19/9/2014 đến ngày 17/3/2017 thì cả hai được tại ngoại.

    Ngày 25/8/2017, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng mức án 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Bảy bị cáo khác lãnh từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù về các tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

    Nhóm bị cáo VN Pharma thì kháng án. Còn dư luận không đồng tình với tội danh mà VKS truy tố và bản án xét xử, khi VN Pharma và Nguyễn Minh Hùng còn lập tài khoản do Ngô Anh Quốc đứng tên, số tiền trên 70 tỷ đồng; Nguyễn Trí Nhật 59 tỷ đồng; Lê Thị Vũ Phương 27,5 tỷ đồng…dùng để hối lộ quan chức và bác sĩ. Thêm nữa, trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?
    TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và căn biệt thự của bà Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh trên). Photo Courtesy

    Chiều 30/8/2017, Trước câu hỏi, thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả. Hội đồng BYT đã kết luận và căn cứ vào khoản 23, 24, Điều 2, Luật Dược 2005 (vụ việc xảy ra vào năm 2014) cho nên thuốc H-Capita 500mg Capet là thuốc kém chất lượng, không phải thuốc giả.

    Nguyễn Viết Tiến là đồng hương Hà Tĩnh với Kim Tiến. Và nói như ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, một PGS- TS Dược học: “Trong Hội đồng thẩm định không ai có chuyên môn sâu về Dược, và ông Tiến là bác sĩ sản khoa, làm gì có chuyên môn về dược“.

    Nguyễn Thị Kim Tiến tráo trở đến độ, ngày 28/8/2017 trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM, Kim Tiến cho biết: “Trong gia đình tôi, không ai tham gia vào công ty (VN Pharma) này cả”.

    Nhưng khi lời khai của Nguyễn Minh Hùng được công bố trên báo chí, tối 30/8/2017, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, bà Kim Tiến nói lại: “Luật phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lý. Tôi không hề can thiệp hay biết gì về công việc kinh doanh cá nhân của em chồng”.

    Chưa hết, để nguỵ biện cho Kim Tiến, trong cuộc Họp báo Chính phủ, Nguyễn Viết Tiến không biết ngượng mồm khi phát biểu: “Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có em chồng làm ở VN Pharma”.

    Để xem Cty VN Pharma, một cty mà Kim Tiến cho là “nhỏ, không tên tuổi, tôi không để ý” được Bộ Y tế ưu ái thế nào?

    Ngoài 3 loại thuốc chống ung thư giả mạo được Bộ Y tế cấp phép:

    1. H-Capita 500 mg (GPNK: 22113/QLD-KD ngày 30.12.2013)

    2. H-Epra 40 (GPNK: 11142/QLD-KD ngày 1.7.2014)

    3. H-Lastapen 500 mg (GPNK: 11143/QLD-KD ngày 1.7.2014).

    Năm 2014, VN Pharma xin cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 7 thuốc giả khác, đó là:

    1. H2K Ciprofloxacin 200 (SĐK VN – 17877 – 14)

    2. H2K Ciprofloxacin 400 (VN 17878-14)

    3. H2K Levofloxacin 250 (VN – 17879 – 14)

    4. H2K Levofloxacin 500 (VN – 17880 – 14)

    5. H2K Levofloxacin 750 (VN – 17881 – 14)

    6. H-Cipox 200 (Cirprofloxacin VN 17882 – 14) và

    7. H-Levo 500 (Levofloxacin VN 17883 – 14).

    Theo báo cáo của công ty VN Pharma, doanh thu từ năm 2011-2014 là hơn 2.117 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thuốc và nguyên liệu ra thị trường tự do là hơn 1.609 tỉ đồng; bán thuốc trúng thầu tại 26 địa phương và 12 BV tuyến T.Ư là 508 tỉ đồng. Thực tế kết quả kiểm tra, VN Pharma trúng thầu tại An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM và các BV tuyến T.Ư là Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP, BV đa khoa T.Ư Cần Thơ và BV T.Ư Huế có tổng giá trị trúng thầu gần 700 tỉ đồng.

    Khi báo chí hỏi về thông tin VN Pharma đã hối lộ cho mình căn biệt thự tại số 177 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, TP HCM, diện tích 500 m2 trị giá 60 tỷ (thời điểm 2013). Nguyễn Thị Kim Tiến chối đây đẩy, “gia đình tôi mua đất đã 20 năm, xây nhà đã 10 năm“. Bà ta nói dối, vì bà biết rằng mình không bị khởi tố và điều tra tài sản.

    Hai mươi năm trước (ngày 7/7/1995) Nguyễn Thị Kim Tiến mới “chân ướt chân ráo” gia nhập Đảng cộng sản VN và làm một nhân viên quèn ở phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Pasteur. Căn nhà mà hai vợ chồng Hoàng Quốc Hòa và Nguyễn Thị Kim Tiến mua được là căn nhà ống gần cầu vượt Ngã Tư Hàng Xanh, ở số 17 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, khi là Thứ trưởng, Kim Tiến mua thêm căn số 15 bên cạnh, thành hai căn 15-17, bây giờ là cặp nhà số mới 395-397 Điện Biên Phủ, nơi Hoàng Quốc Hòa mở Phòng khám đa khoa quốc tế Gia đình.
    Căn nhà nơi vợ chồng Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký HKTT ở Ngã tư Hàng Xanh

    Ngày 4/9/2017, từ thông tin phỏng vấn Bí thư trung ương đảng, Chánh VP Trung ương Nguyễn Văn Nên, nhiều báo “quốc doanh” lớn đã giật tít “TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ VN Pharma”. Tất nhiên, tất cả các báo điện tử đều ngay lập tức gỡ hết bài trong ngày 5/9/2017.

    Hai ngày sau, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc gởi công văn “dằn mặt” và đòi xử lý 17 cơ quan báo đài đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử vụ buôn thuốc giả.

    Công văn của Cục Báo chí
    Sáng ngày 5/9/2017, Nguyễn Văn Nên vội vã đính chính theo lệnh ông Nguyễn Phú Trọng, rằng “Tổng Bí thư không có chỉ đạo vụ VN Pharma”.

    Nhận thấy quá nhiều ẩn khuất, ngày 22/9/2017, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có kháng nghị với đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh khi xử phúc thẩm cần tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

    Kháng nghị của Viện KSND nhận định: “Án sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất, chưa làm rõ nhiều vấn đề, có dấu hiệu bỏ sót tội. Vì mục đích lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bị cáo Hùng thông qua bị cáo Cường mua lô thuốc H-Capita 500mg Caplet không rõ nguồn gốc, dùng thủ đoạn tinh vi tạo ra hàng loạt hồ sơ giả, con dấu giả, làm giả hóa đơn thương mại, ký giả chữ ký của tham tán đại sứ Việt Nam tại Canada…, để nhập thuốc giả về bán cho người bệnh“.

    Sáng 30/10/2017, TAND Cấp cao tại TP HCM cho rằng đã bỏ lọt tội phạm, đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM đã tuyên trước đó đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng các đồng phạm. Toà yêu cầu điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, cá nhân để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc duyệt hồ sơ, cấp phép nhập khẩu thuốc cho VN Pharma.

    Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 diễn ra từ 23/10 đến 24/11/2017. Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ diễn ra từ 16-18/11/2017.

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có 18 đoàn, với 68 lượt đoàn Đại biểu Quốc hội đề xuất chất vấn đối với 9 nhóm vấn đề. Trong đó các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn về những vấn đề:

    – Trách nhiệm quản lý nhà nước; công tác giám sát,

    – Liểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu,

    – Quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc…;

    – Lết quả xử lý các sai phạm trong lĩnh vực y tế, trách nhiệm và hướng khắc phục;

    – Việc quản lý, cấp phép hành nghề y, dược của các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Y tế.

    Nghị trường QH lẫn bên ngoài đang nóng lên từng giờ.

    Vụ VN Pharma cùng với vụ cả trăm trẻ em chết vì tiêm vắc xin; vụ 8 bệnh nhân chạy thận chết vì sự vô trách nhiệm của Bệnh viên tỉnh Hoà Bình vào tháng 5/2017 như giọt nước tràn ly.

    Một làn sóng dữ dội trên Facebook, mạng xã hội và âm ỉ trong giới nghị trường kêu gọi Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức khi mà kỳ họp thứ 4 quốc hội 14 đang diễn ra.

    Thế nhưng, các ĐBQH lẫn dư luận xã hội bé cái nhầm. Gần đến ngày chất vấn, Chủ nhiệm VPQH thông báo, kỳ họp thứ 4 này, phiên chất vấn ngày 16-18/11/2017 nội dung được Quốc hội lựa chọn chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, tòa án. Tức là chỉ có:

    – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng,

    – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng,

    – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn,

    – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

    Ông Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng các “quân sư quạt mo” nấp sau hậu trường cung đình, đã cứu Nguyễn Thị Kim Tiến. Mặc xác ai đó cãi nhau trên diễn đàn, Nguyễn Thị Kim Tiến đã có thể ung dung ngon giấc.

    Ngày 25/9/2019 Toà hình sự Toà án nhân dân TP HCM sẽ đưa vụ VN Pharma ra xét xử. Tất cả 12 bị cáo bị đề nghị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả” là thuốc chữa bệnh, trong đó Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị chuyển sang tội danh “Làm giả thuốc chống ung thư”, tội danh có khung hình phạt lên đến chung thân hoặc tử hình.

    Toà cũng ra quyết định triệu tập 9 thành viên trong Hội đồng giám định Bộ Y tế (các thành viên Kết luận giám định số 31 ngày 22/4/2015 trong vụ án) với tư cách “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” và người giám định…

    Rất nhiều người sẽ thân bại danh liệt. Chỉ có Nguyễn Thị Kim Tiến là bình an vô sự. Bà ta đăng đàn trên báo chí “Vụ VN Pharma xử nghiêm, đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm”. Rồi thong dong vi hành Bắc Nam, đòi đổi tên Đại học Y dược…

    Đến đây, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng chỉ đạo tất tật các vụ án tham nhũng, sao lại “không chỉ đạo” vụ án tham nhũng đầy tội ác như thế này?

    Sự bình an của Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng với sự bình an của:

    Trợ lý Tổng bí thư, ông Hồ Mẫu Ngoạt, là người bị nhiều đơn thư tố cáo lộng quyền,”buôn vua” và chạy án.

    Cùng các Uỷ viên Trung ương khác như:

    – Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, bê bối với hotgirl Quỳnh Anh và việc bố trí nhân sự.

    – Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, cả họ làm quan, mua điểm cho con kỳ thi Quốc gia 2018.

    – Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến lộng quyền và cả họ làm quan.

    – Bí thư Yên Bái Hoàng Thị Thanh Trà, sai phạm đất đai và cùng em trai Phạm Sỹ Quý xây biệt phủ và nhà thờ gia đình lên đến 1000 tỷ.

    Và còn nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác nữa…


    Dư luận xã hội không phải không có lý khi nghi ngờ sự công tâm, tính khách quan của ông Nguyễn Phú Trọng. Đây đó râm ran to nhỏ, nghi vấn được đặt ra:

    Liệu ông Trọng quyết tâm bài trừ tham nhũng, chống những tên tham vọng quyền lực đang khoác áo đảng viên cao cấp bằng chiến dịch “đốt lò” được bọn nâng bi đẩy lên tầm … vĩ đại, hay ông cũng chẳng khác gì Tập Cận Bình, lập chiêu bài hô hào “đã hổ đập ruồi” để giải quyết các mối thâm thù, thanh trừng các đối thủ, tiêu diệt các phe nhóm chính trị không đứng về phía mình?

    Hồng Hà

    (Tiếng Dân) 

    Không có nhận xét nào