Bộ Công Thương CSVN vừa đưa ra một dự
thảo thông tư để “lấy ý kiến” quy định thế nào là sản phẩm, hàng hóa
của Việt Nam được xác nhận sản xuất tại Việt Nam, “Made in Vietnam.”
Công ty Asanzo mua tất cả các bộ phận rời ở Trung Quốc rồi lắp ráp
lại thành chiếc TV và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Việt Nam “chất
lượng cao.” (Hình: VOV) |
Từ
trước tới nay, không hề có một bộ tiêu chuẩn hay quy định rõ rệt thế là
là một sản phẩm “Made in Vietnam,” xuất xứ từ Việt Nam với nguyên liệu
hoặc bộ phận rời do Việt Nam sản xuất. Thậm chí hàng hóa sản xuất tại
Trung Quốc bán sang Việt Nam tiêu thụ hoặc mượn các công ty “tạm nhập
tái xuất” của Việt Nam để xuất cảng sang Mỹ cũng in sẵn hàng chữ “Made
in Vietnam” để né thuế quan trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Hôm
Thứ Sáu, 2 Tháng Tám, 2019, báo chí trong nước nói “Dự thảo thông tư”
của Bộ Công Thương CSVN “được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc
xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam” hiện bị coi là
“bất cập” nên bị Mỹ đánh thuế quan trừng phạt một số sản phẩm như sắt
thép, ván ép.
Tuần
qua, Đại Diện Thương Mại Mỹ Lighthizer bắn tiếng Việt Nam đang có thể
trở thành mục tiêu bị áp đặt thuế quan trừng phạt vì Mỹ bị thâm thủng
mậu dịch $40 tỷ năm ngoái và năm nay đang có dấu hiệu thâm thủng nhiều
hơn nữa.
Để
tránh né hàng rào quan thuế Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc chạy
sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất gia công, hoặc đưa các sản phẩm, hàng
hóa Trung Quốc sang cho công ty Việt Nam “gia công” như lắp ráp hoặc
hoàn tất giai đoạn cuối từ các bộ phận rời sản xuất tại Trung Quốc rồi
xuất cảng đi Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không coi đó là những sản phẩm
do Việt Nam sản xuất để gắn hàng chữ “Made in Vietnam” và trốn được thuế
quan trừng phạt. Do đó, Việt Nam bị vạ lây.
Theo
Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), một trong những nội dung đang nhận được
nhiều tranh cãi là việc hàng hóa được gia công, chế biến đơn giản như
thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn lên sản phẩm, lắp ráp đơn giản để tạo
sản phẩm hoàn chỉnh… “sẽ không được ghi là hàng hóa được sản xuất tại
Việt Nam hoặc có xuất xứ Việt Nam.”
Trong
bản dự thảo, VOV nói “công thức tính do Bộ Công Thương đưa ra còn có
nội dung “hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá
nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng
của hàng hóa đó.” Tuy nhiên, VOV dẫn ý kiến một số chuyên gia, kêu rằng
“cách quy định này còn có nhiều bất cập.”
Nguồn
tin vừa kể dẫn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – nguyên thành viên
Ban Cố Vấn Kinh Tế Chính Phủ CSVN cho rằng, “quy định 30% sản phẩm được
nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam.”
Theo
ông, nhiều mặt hàng hiện nay “dù chỉ trải qua các công đoạn gia công,
lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất
tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các
cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Nếu chỉ quy định 30%
giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng “qua
mặt” các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam.”
Ông
Thành cho hay, trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng
“Made in Vietnam” thì các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra những
bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn “Made in…”
Như
tại Mỹ, theo quy định của Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC), một loại
hàng hóa có thể được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chuẩn
rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng
của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong
sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ
không đáng kể.
Ông
Bùi Kiến Thành được VOV dẫn lời cho rằng Việt Nam chưa có nhiều kinh
nghiệm để đưa ra bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm Made in Vietnam. “Vì vậy,
Bộ Công Thương cần tham khảo tài liệu từ các nước đã đi trước. Việc xây
dựng bộ tiêu chí Made in Vietnam cũng cần có sự trợ giúp từ hội đồng tư
vấn uy tín,” ông nói.
Trong
khi đó, vẫn theo VOV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên chủ tịch Hiệp Hội Siêu
Thị Hà Nội lại cho rằng, để một sản phẩm gọi là hàng Việt phải xuất phát
từ ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm. Ví dụ một
chiếc xe gắn máy thì động cơ phải do doanh nghiệp trong nước sáng chế,
có bản quyền mới nên gọi là hàng Việt.
Hồi
Tháng Sau, Mỹ đã đánh thuế quan trừng phạt đối với sắt thép nhập cảng
từ Việt Nam 400% vì nghi ngờ là hàng Hàn Quốc và Đài Loan đội lốt hàng
Việt Nam.
Tổng
Thống Mỹ Donald Trump ngày 26 Tháng Sáu, 2019 trả lời phỏng vấn của hệ
thống truyền hình FOX Business Network đã chỉ trích Việt Nam “lợi dụng
Mỹ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc.”
Tháng
Nam trước đó, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã xếp tên Việt Nam vào danh sách các
nước cần theo dõi đặc biệt về “thao túng tiền tệ.” Hiện người ta chưa
thấy các tín hiệu Hà Nội nhúc nhích cải thiện cán cân mậu dịch theo đòi
hỏi của Washington.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào