Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam muốn Úc ủng hộ sau vụ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính

    Công du Việt Nam kể từ hôm nay, 22/08/2019, đúng vào lúc căng thẳng bùng lên giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau vụ Trung Quốc tiếp tục cho tàu khảo sát vào hoạt động trong khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, thủ tướng Úc chắc chắn sẽ phải lên tiếng về vụ việc.

    Ngoại trưởng Úc Marise Payne (T) và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc gặp tại Hà Nội, ngày 12/06/2019
    Theo các nhà phân tích, trái với đồng minh Mỹ, đã thẳng thừng lên án Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế và bức hiếp các nước nhỏ, ông Scott Morrison có lẽ sẽ bày tỏ hậu thuẫn của Úc đối với Việt Nam một cách kín đáo hơn.

    Yêu cầu của Việt Nam đối với Úc đã được chính đại sứ Việt Nam tại Canberra nêu bật trong một bài phỏng vấn dành cho tờ báo Úc The Australian Financial Review số ra hôm nay, khi ông xác nhận rằng chính quyền Việt Nam sẽ thúc giục thủ tướng Scott Morrison tăng cường nỗ lực giúp giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang coi thường luật lệ quốc tế, cho tàu vào khảo sát dầu khí sâu bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

    Theo đại sứ Việt Nam, trong tư cách là một đối tác chiến lược của Việt Nam, là một quốc gia cũng có lợi trong việc duy trì tính chất thượng tôn luật pháp trong một vùng biển chiến lược, Úc cần phải cùng với Việt Nam và ASEAN cũng như nhiều nước khác “phát huy tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tránh các sự cố và giảm thiểu căng thẳng, tránh được các rủi ro do tính toán sai lầm tại Biển Đông”.

    Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm hậu thuẫn quốc tế để đối phó với các hành vi lấn lướt thô bạo của Trung Quốc tại Biển Đông, và trong bối cảnh Washington cũng đã lên tiếng cực lực đả kích hành động của Bắc Kinh, các nhà quan sát cho rằng áp lực đang gia tăng trên ông Morrison để ông công khai lên tiếng nhân chuyến thăm Việt Nam.

    Trả lời hãng tin Úc AAP, tiến sĩ Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính Sách và Chiến Lược Úc ASPI nhận định : “Điều mà Việt Nam mong muốn ở cộng đồng quốc tế hiện nay, và Úc - một trong những thành viên chính trong vấn đề này, là lên tiếng và nói trực tiếp về vụ việc này, tương tự như Hoa Kỳ đã làm”.

    Đối với tiến sĩ Hường, sự hiện diện của ông Morrison tại Việt Nam sẽ gửi đi một tín hiệu chính trị và ngoại giao quan trọng cho toàn khu vực.

    Căn cứ vào quan điểm từng được bày tỏ trước đây của ông Morrison về Trung Quốc, giới quan sát nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ lên tiếng, nhưng vấn đề là nội dung tuyên bố của ông sẽ như thế nào.

    Giáo sư Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales cũng cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa thủ tướng Úc và giới lãnh đạo Việt Nam.

    Trong một bài nhận định về chuyến công du Việt Nam của thủ tướng Úc công bố hôm 20/08, ông Thayer cho rằng cả hai bên sẽ tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời tố cáo các hành vi bức hiếp và đe dọa dùng võ lực. Tuy vậy, khó có khả năng là bản thông cáo chung về chuyến công du sẽ tố cáo đích danh Trung Quốc.

    Trả lời hãng thông tấn Úc, ông Thayer cũng cho biết là ông không hy vọng Úc sẽ nói mạnh như Mỹ đã làm, và bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vấn đề Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế - mà không nêu đích danh Trung Quốc.

    Đối với giáo sư Thayer, Việt Nam có lẽ cũng không lấy làm phiền khi Úc không nhắc đích danh Trung Quốc vì Hà Nội cũng không muốn bị coi là "kéo bè kéo cánh" để chống Trung Quốc.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào