Ngày 18 tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã
hạ đặt thành công giàn khai thác khí tại mỏ “Sao Vàng – Đại Nguyệt”
thuộc các lô 05-1b và 05-1c gần lô dầu khí 06.1 nơi tàu hải cảnh của
Trung Quốc nhiều tuần nay quấy nhiễu. Đây là hành động mà theo nhận định
của một chuyên gia chuyên phân tích về tình hình an ninh chính trị quốc
tế là hoàn toàn bình thường, theo đúng tiến độ dự án của Việt Nam.
Việt Nam có thách thức Trung Quốc khi đặt giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt? |
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho biết:
“Việc
đặt giàn khoan này là hoàn toàn bình thường, không phải là có ý thách
thức gì Trung Quốc vì nó thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Lô
05-1b và 05-1c nằm ở bể Nam Côn Sơn, thuộc liên doanh giữa Tập đoàn Dầu
khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và hai công ty Nhật Bản Idemitsu Kosan Co.,
LTd và Teikoku Oil Co. Ltd, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350 km về
phía đông nam, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trang tin Phụ
Nữ online ở Thành phố Hồ Chí Minh đăng tin này vào ngày 19/8 nhưng đã
rút xuống sau đó mà không rõ nguyên nhân.
Từ
ngày 12/8, thông báo được đăng tải trên trang web của Tổng công ty Bảo
đảm an toàn Hàng hải Việt Nam cũng cho biết từ ngày 15/8 đến hết ngày
30/9, công ty Idemitsu Gas Production (Việt Nam) sẽ tiến hành lắp đặt
giàn khoan ở khu vực 05-1b. Thông báo yêu cầu các tàu thuyền hành hải
trong vùng biển này cần lưu ý đi xa vị trí tọa độ lắp đặt giàn khoan.
Theo
thông tin từ các năm trước đó trên trang web của PVN, dòng khí Sao Vàng
– Đại Nguyệt đầu tiên dự kiến sẽ về bờ vào năm 2020. Trữ lượng khí khai
thác là 16 tỷ m3.
Đòi hỏi vô lý
Từ
khoảng giữa tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh đến
xung quanh khu vực lô dầu khí 06.1 thuộc liên doanh giữa Việt Nam với
Nga và Ấn Độ để quấy nhiễu hoạt động khai thác tại mỏ này. Theo trang
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Mỹ, tàu hải cảnh Trung Quốc có lúc đi
rất sát các tàu hậu cần phục vụ giàn khoan ở lô 06.1, gây nguy hiểm.
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết lô 06.1 đã hoạt động từ năm 2013 nhưng năm
nay, liên doanh mở rộng khai thác và đó là lý do khiến Trung Quốc tìm
cách ngăn cản. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản việc Việt Nam khai thác
các lô dầu khí mới.
Theo
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu với Hà Nội vào
khoảng cuối tháng 5 vừa qua, đòi Việt Nam phải bỏ tất cả các liên doanh
dầu khí với các nước nếu không Trung Quốc sẽ có hành động.
Trung
Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt
khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Đường đứt khúc này hay còn
gọi là đường lưỡi bò cũng đi vào vùng thềm lục địa và khu vực đặc quyền
kinh tế của những nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thông
cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21/8 vừa qua lên án Trung Quốc đã gây
sức ép lên Việt Nam, bắt Hà Nội phải bỏ các liên doanh với công ty đến
từ các nước khác và phải liên doanh với các công ty của nhà nước Trung
Quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời khẳng định các công ty hàng đầu của
Mỹ đang hoạt động ở khu vực này và Mỹ cam kết sẽ đảm bảo an ninh năng
lượng cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Công ty ExxonMobil của Mỹ hiện cũng có liên doanh với Việt Nam trong khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh thuộc các lô 117 – 119.
Ngoài
ra theo nhà báo Bill Hayton, người đã viết các sách và bài phân tích về
tranh chấp Biển Đông, ExxonMobil vào năm 2009 đã ký hợp đồng chia sản
phẩm với Việt Nam ở 4 lô khác từ 156 – 159 thuộc khu vực Tư Chính – Vũng
Mây trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Đây cũng là khu vực Trung Quốc gọi là
Vạn An Bắc và là nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đã đi
lại từ đầu tháng 7 đến nay.
Đây
không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh gây sức ép với Hà Nội và các công
ty nước ngoài trong việc khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
Hồi
năm 2017 và 2018, Trung Quốc cũng đòi Việt Nam phải yêu cầu công ty
Repsol của Tây Ban Nha ngưng việc khoan tìm dầu khí ở các lô 07.3 và
136.03.
Vấp phải phản ứng gay gắt từ bộ 4
Trung
Quốc đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ quốc tế trong năm nay khi
tìm cách cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Chính
phủ Hoa Kỳ từ tháng 7 đến giờ đã 3 lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc
bắt nạt các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định cam kết bảo vệ các
nước đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Hôm
7/8 vừa qua nhóm tàu san bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã đến đậu tại
Manila, Philippines, vào giữa khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh và
dân binh đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác của các nước trong khu
vực.
Bộ
Quốc phòng Hoa Kỳ vào ngày 26/7 cũng ra tuyên bố lên án Trung Quốc và
một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định: “Phản
ứng của Mỹ là đúng theo chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở mà Mỹ đã
công bố hồi đầu tháng 6 vừa rồi. Chiến lược này của Mỹ là cụ thể hóa của
Chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia của Mỹ công bố hồi năm ngoái
và họ cứ thế theo thế mà tiến hành”.
Theo
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trong chiến lược này, Hoa Kỳ đã kết hợp với các
nước khác là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong bộ tứ để đối phó với
Trung Quốc.
Bộ
trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm
27/8 cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm của chính phủ Nhật Bản là “phản đối
bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng Biển Đông”. Ông
đồng thời khẳng định Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với
Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, có liên quan trực tiếp đến sự ổn định
và hòa bình trong khu vực.
Hôm
1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết New
Dehli ủng hộ tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên ở
Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ông đồng thời cho biết các hoạt động
khai thác dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục mà không
bị ảnh hưởng bởi các hành động của Trung Quốc.
Thủ
tướng Australia Scott Morrison trong chuyến thăm Việt Nam hồi tuần rồi
cũng lên tiếng khẳng định lập trường của Úc là tự do hàng hải, hàng
không và quyền khai thác kinh tế ở khu vực Biển Đông.
(RFA)
Không có nhận xét nào