Header Ads

  • Breaking News

    Trung Nguyễn - Cách mạng tháng Tám và những bài học

    Những ngày này, cuộc cách mạng dân chủ đang diễn ra ở Hongkong, Trung Quốc, trùng hợp với những ngày nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 cách đây 74 năm tại Việt Nam.
     
    Cách mạng tháng Tám và những bài học
    Cả hai cuộc cách mạng đều đòi hỏi chủ quyền phải thuộc về nhân dân, nghĩa là dân phải được bầu ra cá nhân hoặc đảng phái lãnh đạo quốc gia chứ người nước ngoài không được áp đặt. Kẻ áp đặt trong trường hợp Hongkong là cộng sản Trung Quốc, còn trong trường hợp Việt Nam cách đây 74 năm là thực dân Pháp.

    Bản chất Cách mạng tháng Tám

    Cần khẳng định rằng ngày đó, dân tộc Việt Nam theo Việt Minh làm cách mạng lật đổ chế độ phong kiến nhưng không hề có ý định xây dựng một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” hay “chuyên chính vô sản”. Trong Tuyên ngôn Độc lập do ông Hồ Chí Minh đọc, ta không thể nào tìm thấy bất cứ câu chữ nào liên quan đến học thuyết Mác – Lênin và nhà nước cộng sản cả. Bản thân cách đặt tên nước của ông Hồ Chí Minh là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đã thể hiện rõ điều đó.

    Cái nhà nước mà nhân dân Việt Nam 74 năm trước mong muốn xây dựng là một nhà nước “độc lập”, đủ sức bảo đảm các quyền “tự do”, “bình đẳng” cho từng người dân. Do đó, cuộc Cách mạng tháng Tám đã thu hút được rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân yêu nước, trong đó đóng góp tài lực phần lớn là tư sản dân tộc, địa chủ.

    Bản thân ông Hồ Chí Minh đã chọn nhà số 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc để viết Tuyên ngôn Độc lập. Chủ nhân ngôi nhà này là bà Hoàng Thị Minh Hồ, gia đình bà Hồ cũng đóng góp tổng cộng hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng. Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công phần lớn là nhờ công sức của những nhà tư sản dân tộc.

    Cuộc Cách mạng tháng Tám bị cộng sản phản bội

    Sau năm 1949, cộng sản Trung Quốc đã nuốt trọn đại lục. Cộng sản Việt Nam được sự hà hơi tiếp sức của cộng sản quốc tế dễ dàng hơn và bắt đầu tiến hành “chỉnh quân”, “chỉnh phong”, “chỉnh đảng” rồi đến cuộc Cải cách ruộng đất. Lý do là Cộng sản Việt Nam không còn cảm thấy cần phải đoàn kết dân tộc chống Pháp nữa mà đã có ngoại viện, tức là đã có sự giúp đỡ của cộng sản Nga Xô và Trung Quốc, đủ để bảo đảm cho Cộng sản Việt Nam tồn tại mà không còn cần đến sự giúp đỡ của tư sản dân tộc.

    Thế là một cuộc thanh trừng đẫm máu ngay trong hàng ngũ Việt Minh đã diễn ra để tiêu diệt các cán bộ, chiến sĩ có nguồn gốc tiểu tư sản, địa chủ, phú nông. Các địa chủ dù trước đó đã đóng góp tài lực rất lớn cho chính quyền Việt Minh cũng bị đem ra đấu tố và xử tử. Chúng ta thử nhìn tấm gương bà Năm – Cát Hanh Long là thấy ngay.

    Như thế, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam đã bị đảng Cộng sản Việt Nam (thời điểm đó mang tên đảng Lao động Việt Nam) phản bội để độc chiếm quyền lực, thực hiện chế độ “chuyên chính vô sản”. Tầng lớp tư sản dân tộc, tiểu tư sản, địa chủ, phú nông cũng bị phản bội. Và thực ra, khi thiết lập chế độ chuyên chính thì cả giai cấp nông dân, công nhân cũng bị phản bội nốt. Toàn dân mất quyền ứng cử, bầu cử, chỉ còn để các đảng viên cộng sản cao cấp tự “quy hoạch”, “cơ cấu” nhau vào các vị trí lãnh đạo quốc gia.

    Do đó, cần nói lại cho đúng là sau Cách mạng tháng Tám, đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp chính quyền TỪ tay nhân dân về tay đảng Cộng sản, không hề có chuyện đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền VỀ tay nhân dân.

    Lênin, ông tổ của Cộng sản Việt Nam, từng nhấn mạnh: “Chuyên chính là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả”. Từ đó để thấy rõ, chế độ chuyên chính do đảng Cộng sản thiết lập ở Việt Nam là một chế độ hoàn toàn không hề do dân bầu ra mà chỉ là một đảng sử dụng súng Nga, súng Tàu viện trợ để độc quyền chính trị và vơ vét quyền lợi về cho băng đảng của mình.

    Nhìn kỹ lại những sự kiện này để thấy rõ cuộc Cách mạng tháng Tám của toàn dân đã bị đảng Cộng sản Việt Nam phản bội, tiêu diệt những thành quả của cách mạng, tự nguyện làm tay sai cho cộng sản quốc tế để khủng bố nhân dân Việt Nam, nhằm độc quyền chính trị trên cả nước. Khi cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì Cộng sản Việt Nam ngay lập tức cầu cứu cộng sản Trung Quốc ở Mật nghị Thành Đô 1990, mong ô dù của cộng sản Trung Quốc sẽ che chở cho Cộng sản Việt Nam vượt qua cơn bão dân chủ đang quét qua Liên Xô và Đông Âu.

    Nguyên nhân khiến Việt Minh làm Cách mạng tháng Tám thành công

    Từ một nhóm cách mạng nhỏ bên cạnh những đảng phái quốc gia khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt,… Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc nắm chính quyền vào năm 1945 nhờ vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên của lịch sử, sẽ lần lượt liệt kê những điểm chính dưới đây.

    Thứ nhất, sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945 đã khiến hệ thống tình báo Pháp tại Việt Nam hoàn toàn tê liệt. Trước đó, các lãnh đạo cộng sản thế hệ đầu tiên như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ,… đều bị mật thám Pháp bắt. Đảng cộng sản liên tục đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Có thể nói cuộc đảo chính của Nhật đã giúp cho Cộng sản Việt Nam vô cùng to lớn.

    Thứ hai, chính phủ Trần Trọng Kim đã thả toàn bộ tù nhân chính trị, trong đó đa số là các lãnh đạo cộng sản và cho phép thành lập các đảng phái chính trị. Đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở cho Cộng sản Việt Nam để hoạt động công khai, tự do, nhanh chóng phát triển lực lượng. Nội các Trần Trọng Kim gồm toàn các trí thức lớn, yêu nước đã từ chối sự can thiệp của Nhật khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, chấp nhận giao quyền lực về cho Việt Minh trong hòa bình, không lấy súng Nhật để bắn người Việt, kể cả khi người Việt cộng sản đó đang âm mưu “cướp chính quyền”.

    Thứ ba, việc Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, gây nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 cũng đã tạo sự căm phẫn sâu sắc trong dân chúng. Nếu người dân không theo Việt Minh cướp chính quyền, phá kho thóc thì không còn đường sống. Cần phải có một động lực sinh tử như vậy để người dân Việt Nam có thể tham gia cách mạng.

    Thời cơ cho cách mạng dân chủ ở Việt Nam

    Ba nguyên nhân khiến thời cơ cách mạng thuận lợi vào năm 1945 chưa xuất hiện trở lại ở Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện để cuộc cách mạng dân chủ diễn ra ở Việt Nam càng lúc càng lộ rõ.

    Thứ nhất, ngân sách nhà nước và đảng Cộng sản đã cạn kiệt như lời thú nhận mới nhất của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Không còn được đảng Cộng sản lấy tiền thuế của dân để trả lương thì lẽ tự nhiên là các lực lượng an ninh, quân đội sẽ chẳng việc gì phải tiếp tục phục vụ đảng Cộng sản nữa. Không còn quyền lợi thì không còn lòng trung thành! Khi đó các tổ chức chính trị cách mạng, dân chủ, yêu nước trong nước sẽ có điều kiện để hoạt động công khai hoặc bán công khai.

    Thứ hai, các phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản đã và đang chém giết nhau để giành giật quyền lợi và quyền lực. Ngay cả người quyền lực như chủ tịch nước Trần Đại Quang còn bị chết vì … virút hiếm, độc hại, một nguyên nhân không ai tin được khi chung quanh ông Quang lúc nào cũng đầy vệ sĩ. Cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng lại còn đẩy nhanh tiến trình đấu đá một mất một còn trong đảng Cộng sản, khiến đảng Cộng sản đi đến chỗ diệt vong nhanh hơn.

    Thứ ba, sức ép dân chủ hóa từ phía người dân, từ chính những đảng viên cộng sản thức tỉnh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà giới lãnh đạo cộng sản phải ban hành 19 điều đảng viên không được làm, hay khai trừ các đảng viên đòi “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng”,… Đảng viên cộng sản còn như vậy thì đừng nói gì tới người dân, với những người như anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Hoàng Bình, hay những phụ nữ như chị Trần Thị Nga, chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn,…

    Thứ tư là sức ép xâm lược từ cộng sản Trung Quốc nhằm khống chế Việt Nam toàn diện về kinh tế, chính trị, quân sự. Gần như toàn bộ các gói thầu xây dựng các công trình quan trọng ở Việt Nam đều rơi vào tay Trung Quốc; cơ sở kinh doanh, hãng xưởng của Trung Quốc có mặt ở những vị trí hiểm yếu; tình báo Trung Quốc nằm đầy trong chính phủ Việt Nam như lời thú nhận của tướng công an Trương Giang Long;…

    Cộng sản Trung Quốc đã và đang tỏ rõ là kẻ thù xâm lược của toàn dân Việt Nam ở sự kiện bãi Tư Chính đang diễn ra. Tuy nhiên, đảng Cộng sản Trung Quốc lại là chỗ dựa cho đảng Cộng sản Việt Nam, là “bạn tốt”, “đồng chí tốt” của Cộng sản Việt Nam. Điều này hiển nhiên đẩy Cộng sản Việt Nam vào thế đối lập một mất một còn với dân tộc Việt Nam.

    Thời cơ dân chủ hóa đến gần

    Tổng hợp những điều trên thì ta có thể thấy là thời cơ thuận lợi để dân chủ hóa Việt Nam ngày càng đến gần vì sự tan rã của đảng Cộng sản Việt Nam là quy luật tất yếu của mọi chế độ độc tài. Những người Việt Nam yêu nước, yêu dân chủ, chống cộng sản Trung Quốc xâm lược cần liên kết lại với nhau theo những hình thức đơn giản nhất ngay từ bây giờ, không thành lập tổ chức công khai để tránh tai mắt của an ninh cộng sản.

    Hàng triệu cá nhân tự tập hợp lại với nhau thành hàng chục ngàn nhóm nhỏ, để khi thời cơ đến thì từng nhóm nhỏ lại hợp thành hàng trăm nhóm lớn hơn, tiến đến hình thành các tổ chức chính trị đối lập lớn như các đảng dân chủ đối lập, các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ quyền con người,… Từng nhóm phải hoạt động cùng nhau ngay từ bây giờ để học cách làm việc chung, tin tưởng nhau để cùng làm chuyện lớn sau này.

    Tất cả những tổ chức đó lại cùng hướng tới mục tiêu chung là thiết lập chế độ dân chủ pháp quyền, bắt đầu từ bản hiến pháp thành văn chuẩn mực. Đầu tiên là tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, sau đó là bắt đầu các cuộc bầu cử để bầu ra Quốc hội và Chính phủ của toàn dân.
     
    Trung Nguyễn
     
    (Tiếng Dân) 

    Không có nhận xét nào