Trong cơ cấu thu ngân sách 6 tháng
đầu năm 2019 của chính thể độc tài ở Việt Nam, có một tiểu phần đáng chú
ý: thu từ dầu thô đạt đến 68% dự toán cả năm.
Hải đăng Trường Sa. |
Vì sao thu ngân sách dầu thô tăng đột biến?
Tỷ
lệ trên là khá bất thường so với mức thu ngân sách từ dầu thô vào
khoảng 50% hoặc nhỉnh hơn đôi chút trong nửa đầu những năm gần đây, cho
thấy vào năm 2019 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - doanh nghiệp độc
quyền khai thác dầu khí nằm dưới ‘sự lãnh đạo toàn diện của đảng’ - đã
được chỉ đạo để tìm cách đẩy nhanh, đẩy gấp tiến độ khai thác dầu và
khí, trong bối cảnh ‘tình hình Biển Đông vẫn rất phức tạp’ - nói theo
lối mào đầu ấp úng của giới tuyên giáo.
Cơ
chế đẩy nhanh tốc độ khai thác dầu khí của PVN cũng cho thấy trước đó
đảng cầm quyền và Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể đã nắm được một số tin
tức xác thực mà từ đó có thể dự báo là phía Trung Quốc sẽ ‘mần’ tiếp vụ
Bãi Tư Chính vào năm 2019, do đó nếu PVN cứ nhẩn nha khai thác dầu như
những năm không xảy ra gấu ó giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ thì nhiều khả
năng sẽ không kịp hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô trong nửa cuối
năm 2019 và ngân sách chính phủ sẽ bị hụt thu nghiêm trọng.
Còn
nếu các lô dầu khí của PVN ở đông nam Việt Nam bị tàu Trung Quốc quần
thảo trong suốt nửa cuối năm 2019 thì coi ngân sách đảng CSVN mất ăn.
Chẳng
có gì khó khăn để đưa ra dự báo mất ăn trên, bởi liên tiếp trong hai
năm trước - 2017 và 2018, Trung Quốc đã tổ chức hai chiến dịch ‘tống
tiền’ người đồng chí tốt của mình ở khu vực Bãi Tư Chính - nơi không có
mặt tập đoàn dầu khí nào của Hoa Kỳ mà chỉ có chủ yếu Tập đoàn dầu khí
Repsol của Tây Ban Nha liên doanh với PVN để khoan thăm dò và khai thác
mỏ dầu Cá Rồng Đỏ.
Kết
quả của hai chiến dịch trên của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan
trọng nhất Trung Quốc’ - theo cách ca tụng rất thiếu máu não của giới
quan chức Việt - là khá mỹ mãn: rốt cuộc, Repsol không chịu nổi sức ép
và đã phải bỏ của chạy lấy người - nhưng theo yêu cầu của phía Việt Nam,
còn PVN của Việt Nam thì không những bị đình trệ kế hoạch khai thác mỏ
Cá Rồng Đỏ mà còn đang chịu nguy cơ phải bồi thường cho Repsol đến
khoảng 300 triệu USD chi phí mà Repsol đã ứng ra cho hoạt động nghiên
cứu thăm dò dầu ban đầu.
Không
những thế, Trung Quốc còn chớm đạt được mục tiêu ban đầu, nằm trong cả
một chiến lược dài hạn, là dần biến ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi
của Việt Nam’ tại Bãi Tư Chính thành ‘khu vực tranh chấp pháp lý’, làm
nền tảng cho khả năng Bắc Kinh sẽ đưa hẳn những giàn khoan lớn vào khu
vực này để cướp dầu của ‘đảng em’.
PVN từng kêu cứu ra sao?
Sau
khi bị tàu Trung Quốc gây sức ép hai lần vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3
năm 2018 tại Bãi Tư Chính, đến tháng 4 năm 2018 PVN buộc phải kêu cứu:
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh
doanh năm 2018 với những dự báo đầy khó khăn, thách thức đối với hoạt
động dầu khí”. Ngoài nguyên nhân do giá dầu thô tiếp tục diễn biến khó
lường, “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp
sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng
đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm
dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn”.
Hiện
tượng PVN đăng tải nhận định về “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có
những diễn biến phức tạp” là bất bình thường, bởi từ trước tới nay theo
thông lệ trong hệ thống chính trị một đảng ở Việt Nam, việc phát hành
công khai những quan điểm và dự báo chính trị là thẩm quyền mang tính
độc quyền của các cơ quan đảng và nhà nước chứ không phải của doanh
nghiệp.
Vào
thời điểm kêu cứu trên, PVN có hai dự án lớn về dầu khí – liên doanh
với một công ty Tây Ban Nha là Repsol khai thác mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở
lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, và liên doanh với hãng dầu khí khổng lồ
của Mỹ là ExxonMobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam,
Quảng Ngãi. Đây là vài tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách
Việt Nam đang cạn kiệt. Nếu Repsol và ExxonMobil khai thác thành công
thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Sau
khi đã gây sức ép tại mỏ Cá Rồng Đỏ vào tháng Ba năm 2018, đến cuối
tháng đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội với tối hậu
thư “cùng hợp tác khai thác dầu khí”.
Kịch
bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đã xảy ra, khiến giới chóp bu
Việt Nam phải chịu nguy cơ mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của
mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập
đến như sóng thần Biển Đông.
Nếu
chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói
không thèm úp mở của Vương Nghị, thậm chí có thông tin ngoài lề cho biết
Bắc Kinh đòi chia phần đến 60% số dầu thô khai thác thuần túy là tài
sản của Việt Nam, Hà Nội sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa
từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và PVN dĩ
nhiên phải chia sẻ một phần, nếu không nói là một phần lớn, lợi nhuận
cho tên kẻ cướp đó.
Nhưng nguy cơ không chỉ có thế…
2025 hết sạch dầu!
Khi
mùa xuân ủ rũ của năm 2019 sắp nhoài đến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã
phải lần đầu tiên thừa nhận một sự thật mà bấy lâu nay tập đoàn này và
đảng chỉ muốn che giấu càng nhiều càng tốt: sản lượng dầu tại rất nhiều
giếng đang suy giảm tự nhiên do khai thác đã quá lâu. Cộng vào đó là trữ
lượng gia tăng quá thấp khiến đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ
giảm đều đặn mỗi năm 10% - tương đương với hơn 2 triệu tấn.
Ngay cả mỏ Bạch Hổ - cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay - đã vào giai đoạn suy kiệt.
Còn
nếu tốc độ khai thác dầu thô gấp gáp hơn nữa để tăng số thu cho ngân
sách đảng, “deadline” thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ
còn khoảng 3 năm tính từ năm 2018, tức đến năm 2021 - trùng với kỳ đại
hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
Với
tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra
nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là đến năm 2021 nền ngân sách hộc
rỗng của chế độ sẽ mất hẳn số thu 70.000 - 80.000 tỷ đồng từ PVN mà do
đó sẽ ‘kiến tạo’ một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.
Cùng
với ba tử huyệt nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng và thâm thủng ngân
sách đang lộ ra ngày càng rõ, triển vọng trữ lượng dầu khí cạn kiệt chỉ
trong ít năm nữa cộng với cú ‘tống tiền’ của ‘đồng chí tốt’ Bắc Kinh tại
Bãi Tư Chính đã bồi thêm một điểm chết nữa mà có thể rút ngắn đáng kể
tuổi thọ của chế độ cầm quyền tại Việt Nam trước thời điểm năm 2025.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào