Cứ mỗi năm ở Biển Đông, mỗi tháng ở
Hoàng Sa và mỗi ngày ở bãi Tư Chính trôi qua, cơ hội của “đảng em” Việt
Nam để kiện “đảng anh” Trung Quốc ra tòa án quốc tế lại càng thêm ít ỏi
và khó thắng.
Một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông. (Hình: Getty Images) |
Mưu tính nào sau cáo buộc Việt Nam?
Sau
ba lần lên tiếp xâm phạm bãi Tư Chính vào Tháng Bảy 2017, Tháng Ba
2018 và Tháng Bảy 2019, rõ ràng là giới chóp bu Bắc Kinh có mối lo ngại
về việc chính quyền Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về
“đường lưỡi bò 9 đoạn” và vụ tàu Hải Dương 8, chứ không phải như một số
tờ báo của Bắc Kinh luôn cho rằng Trung Quốc không hề sợ Việt Nam hay
một quốc gia nào đó kiện cáo.
Vào
cuối Tháng Bảy 2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Hoa
Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của
Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ Tháng Năm,” “Trung Quốc đã thể
hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam” và “Chúng
tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc.”
Tuyên
bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao
Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã “trao công hàm phản đối
cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
của Việt Nam,” một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp
bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với “thiên triều.”
Cách
thức tuyên bố trên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là rất tương đồng với
chiến thuật lấn dần từng bước vào Biển Đông và biến các vùng biển thuộc
chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là những vùng biển có trữ lượng dầu khí
lớn mà Việt Nam đang tự khai thác hoặc liên doanh với những đối tác
nước ngoài để khai thác, thành vùng “tranh chấp chủ quyền” giữa Trung
Quốc và Việt Nam.
Cách
tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu
vực bãi Tư Chính có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn
không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những
mưu tính lắt léo trong “đường lưỡi bò 9 đoạn,” tỏ ra dè dặt hơn nếu
những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc,
hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung
Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế “thành viên
không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” vào năm 2019.
Tuyên
bố về “chủ quyền bãi Tư Chính” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cho
thấy một ý định quá đáng sợ của Bắc Kinh mà khiến “đảng em” Việt Nam mất
ngủ: Trung Quốc chưa hề có ý định rút tàu khỏi khu vực bãi Tư Chính.
Thậm
chí Trung Quốc còn có thể điều động thêm những tàu thăm dò địa chất và
kể cả điều động một giàn khoan khồng lồ như cái cách của Hải Dương 981
vào năm 2014, vào khu vực bãi Tư Chính để khoan dầu, như một cách ăn
cướp cực kỳ trắng trợn tài sản ngay trong nhà của người khác.
Việt Nam “thế nước đang lên…”
Vào
năm 2014, Hải Dương 981 đã chỉ rút khỏi Biển Đông sau hơn 2 tháng ngự
trị và đã “làm tình làm tội” giới chóp bu Việt Nam chưa đánh đã sợ đến
mức “đái ra quần.”
Nhưng
đến năm 2019, quy mô chiến dịch gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông còn
được đẩy lên một mức cao hơn so với vụ giàn khoan Hải Dương 981, đồng
thời với việc tung ra một số lượng lớn từ 35-80 tàu hải cảnh, dân quân
biển và tàu thương mại dân sự bên cạnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8,
Trung Quốc đang cấp tốc triển khai cấp tốc thiết lập một căn cứ quân sự
hải quân lớn tại Campuchia, nằm sát lãnh thổ Việt Nam.
Những
thông tin trên, tất nhiên không được cho biết bởi chế độ “chống giặc
bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động,”
mà từ giáo sư người Úc (Carlyle Alan Thayer) công bố trên trang Twitter
của ông.
Trong
khi đó, phía Việt Nam chỉ có khoảng một chục tàu. “Thế nước đang lên”
của Việt Nam – như bài ca tự sướng của giới tuyên giáo đảng – so với
Trung Quốc là hoàn toàn chổng ngược…
Đã
có thể khớp nối thông tin về căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Campuchia
với một phát ngôn công khai gần đây của quan chức bộ trưởng quốc phòng
Việt Nam là Ngô Xuân Lịch về “chủ động đánh giá đúng tình hình biên giới
Tây Nam.” Theo đó, giới quân sự Việt Nam đang phải cấp tốc điều quân
đội và khí tài quân sự nhằm đối phó với “mặt trận thứ hai” của Trung
Quốc tại vùng biên giới Campuchia-Việt Nam.
Một
dự luật về tình trạng tổng động viên cũng đang được Quốc Hội Việt Nam
gấp rút xem xét. Tiêu chí đầu tiên của hành động này là tình trạng chiến
tranh và tình trạng nguy cấp về quốc phòng.
Nhưng vẫn là thói ươn hèn mãn tính?
Vào
năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 rốt cuộc chỉ là cú răn đe của Bắc
Kinh đối với Bộ Chính Trị Việt Nam, nhằm mục đích tranh cướp các lô dầu
khí ở Biển Đông.
Khi
đó, Trung Quốc cũng cho nhiều tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu thương
mại dân sự chạy vòng quanh giàn khoan Hải Dương 981, cùng xịt vòi rồng
và đâm va ở mức độ nhẹ với tàu Việt Nam.
Khoảng
hơn hai tháng sau, trong lúc giới chóp bu Việt Nam vẫn hoàn toàn bất
lực về đối sách với Trung Quốc và cũng chẳng dám có hành động mạnh mẽ
nào trước Trung Quốc, Bắc Kinh chợt tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương
981 về nước vì “đã hoàn thành nhiệm vụ.”
Nhưng
vụ bãi Tư Chính năm 2019 có vẻ không chỉ là dọa dẫm như năm 2014. Cho
tới nay, tàu Hải Dương 8 và một số tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn
“khiêu vũ” ngay trước mũi Bộ Chính Trị Việt Nam và trước một quân chủng
hải quân có đến 6 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, nhưng giờ chẳng biết bỏ
đâu (có ý kiến cho rằng chắc các tàu ngầm này còn phải lo chống ngập ở
Hà Nội và Sài Gòn).
Tình
trạng vuốt mặt không thèm nể mũi trên đã kéo dài hơn một tháng, nếu
không muốn nói là đã hơn hai tháng kể từ khi Trung Quốc điều tàu gây hấn
tại mỏ Lan Đỏ – dự án liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam với Tập
Đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga.
Cũng
cho tới nay và rất tương đồng với tinh thần “hèn với giặc, ác với dân”
của năm 2014 và tại nhiều thời điểm khác, chính quyền và giới quân sự
Việt Nam vẫn “rúc mặt” mà không dám hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc.
Vào lần này, kịch bản mà có lẽ được giới chóp bu Việt Nam kỳ vọng nhất
là đành chấp nhận một phần hải phận cho tàu Trung Quốc khai triển và
thực thi chiến thuật” vờn tàu,” chờ cho đến khi “bạn vàng” phải tự động
rút tàu, chủ yếu do gánh nặng chi phí.
Nhưng
đó chỉ là tính toán chủ quan của những kẻ bất lực, trong khi chẳng có
gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ rút hết tàu sau 2 tháng, thậm chí sau 3
tháng ngự trị ở khu vực bãi Tư Chính.
Và
thậm chí cho tới thời điểm này, Trung Quốc còn tạm thời giành được một
lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế: Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN
diễn ra ở Thái Lan vào cuối Tháng Bảy, đầu Tháng Tám 2019 đã chỉ đề cập
khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc
đến cái tên Trung Quốc.
Trong
khi đó, Hoa Kỳ, đối trọng duy nhất của Trung Quốc trên thế giới, cũng
là quốc gia đầu tiên và có lẽ duy nhất lên tiếng gián tiếp ủng hộ chính
quyền Việt Nam phản đối Trung Quốc can thiệp vào bãi Tư Chính, đã trở
nên dè dặt hẳn về những phát ngôn và hành động tiếp theo, sau khi chứng
kiến giới chóp bu Việt Nam vẫn như bị vẹo xương sống trước “người đồng
chí tốt.”
Chưa
có gì rõ ràng về triển vọng hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của
Hải Quân Mỹ, đang tiến hành tuần tiễu ở Biển Đông, sẽ can thiệp trực
tiếp vào vụ bãi Tư Chính.
Nếu
khả năng tàu Trung Quốc kéo dài vụ xâm nhập bãi Tư Chính xảy ra, mà xác
suất của khả năng này đang được giới phân tích chính trị cho là ngày
càng lớn, Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao? Tiếp tục phát cờ cho ngư dân
để “thuyền ra biển lớn” và làm rộ lên câu vè dân gian “Chống giặc bằng
cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”? Hay
tiếp tục kêu gọi quốc tế mau chóng can thiệp? Liệu Hải Quân Việt Nam có
dám nổ súng nếu tàu Trung Quốc gây hấn? Và nếu nổ súng, Bộ Quốc Phòng
Việt Nam đã chuẩn bị ra sao cho những kịch bản đen tối không thể tránh
khỏi cho một cuộc xung đột quân sự ở quy mô nhỏ hoặc vừa, hay thậm chí
là chiến tranh thực sự với Trung Quốc?
Thói
ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt
lãnh thổ. Ngay cả lúc bị kẻ cướp xông vào nhà mà còn không dám kiện thì
làm sao tránh khỏi thân phận Trần Ích Tắc!
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào