Tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN
mở ra từ ngày 31/07/2019 tại Bangkok, Việt Nam và Mỹ có lẽ là
hai nước có tiếng nói mạnh nhất để phản đối vụ Trung Quốc cho
tàu vào khảo sát và quấy phá công việc khai thác dầu khí
của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại
Bãi Tư Chính, ở phía nam Biển Đông. Giới quan sát đặc biệt
chú ý là lần này, Hà Nội đã có lập trường kiên quyết rõ
nét để chống lại Bắc Kinh, sau hai lần liên tiếp lùi bước vào
năm 2017, rồi 2018, trong vụ Repsol.
Một công nhân của công ty Rosneft Vietnam tại khu mỏ Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu (Việt Nam) trên Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2018. |
Một
trong những nguyên do giải thích thái độ cứng rắn của Việt Nam vừa
được nhà phân tích Bennett Mauray của tạp chí Mỹ Foreign Policy
nêu bật trong bài viết: « Đồng minh kỳ lạ của Việt Nam trong
cuộc đọ sức với Trung Quốc - Vietnam’s Strange Ally in Its Fight
With China », công bố hôm 01/08/2019. Đó là lần này, Hà Nội đã
có hậu thuẫn ngầm của Matxcơva, thông qua tập đoàn dầu khí Nga
Rosneft, đối tác của Việt Nam trong việc khai thác các mỏ dầu
khí tại khu vực Bãi Tư Chính.
Kiên quyết đối đầu với Trung Quốc lần này
Ghi
nhận trước tiên của Foreign Policy là Việt Nam đã có phản ứng
kiên quyết hẳn lên bất chấp các đe đọa đến từ người láng
giềng khổng lồ là Trung Quốc.
Trái
với những gì đã xẩy ra hai năm trước đây, khi phải âm thầm hủy
bỏ hai dự án liên doanh với tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Repsol
dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam hiện đang yêu cầu Trung Quốc cho
rút tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và nhóm tàu hộ tống ra khỏi
vùng mỏ dầu khí mà Việt Nam đang hợp tác khai thác. Đối tác lần
này của Hà Nội chính là một người bạn cũ, đồng thời là cổ đông
chủ chốt trong liên doanh : Chính phủ Nga.
Bối
cảnh chung của cuộc đọ sức lần này với Trung Quốc không có
nhiều thay đổi so với hai năm 2017 và 2018. Địa bàn tranh chấp
vẫn nằm bên trong "đường chín đoạn" của Trung Quốc, một ranh giới mơ
hồ mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ
Biển Đông.
Các
mỏ dầu bị tranh chấp đều ở bên trong bồn trũng Nam Côn Sơn
rộng khoảng 35.000 dặm vuông, sâu bên trong vùng 200 hải lý tính
từ bờ biển Việt Nam, mà theo nguyên tắc quốc tế là vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó thì bờ biển Trung Quốc
cách xa khu vực đến 600 hải lý, khiến cho Bắc Kinh không có lựa
chọn nào khác để đòi chủ quyền trên vùng Bãi Tư Chính, ngoài
việc viện dẫn đường lưỡi bò.
Tại sao Việt Nam lại lùi bước trước Trung Quốc 2 năm gần đây?
Cho
dù vậy, vào năm 2017 và 2018, Việt Nam đã đình chỉ việc khoan
dò ở hai lô dầu khí 136/03 và 07/03 dưới sức ép của Trung Quốc.
Lý do hủy bỏ không hề được công bố, nhưng các thông tin từ Hà Nội và
giới công nghiệp dầu hỏa cho rằng Trung Quốc đã đe dọa đánh chiếm
các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, một nơi từng diễn ra
những trận hải chiến dữ dội giữa hai bên trong những năm 1980.
Theo
Foreign Policy, Việt Nam khi ấy đã cố gắng cứu vãn tình hình an ninh
của mình trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều hoài nghi về quyết tâm
can dự vào khu vực của chính quyền Trump, trong lúc mà Philippines,
nước trước đó đi đầu trong việc chống đường chín đoạn của Trung
Quốc, lại trở nên chập chờn, sau khi ông Rodrigo Duterte được bầu
lên làm tổng thống.
Một
lý do khác, theo tạp chí Mỹ, là tập đoàn Tây Ban Nha Repsol
chỉ là một công ty tư nhân của một cường quốc thứ yếu, không
có thực lực đia chính trị để hỗ trợ Việt Nam.
Đối tác của Việt Nam ở Bãi Tư Chính thực ra là chính phủ Nga!
Bối cảnh lần này hoàn toàn khác. Đối tác của Việt Nam tại Bãi Tư Chính là Rosneft.
Trái
với Repsol, Rosneft với chủ nhân là chính phủ Nga, có khả năng
vận dụng uy lực để bảo vệ nguồn cung cấp tài chánh cho nhà nước
Nga.
Tập
đoàn khí đốt Nga Gazprom cũng hoạt động gần đó, cũng như
Zarubezhneft một công ty nhà nước hoàn toàn của Nga được thành lập vào
năm 1967 mà Vietsovpetro, liên doanh với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, là
tất cả những gì còn lại của ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch ở
hải ngoại từng rất hùng mạnh thời Liên Xô cũ.
Biển Đông: Nga có lập trường nước đôi đối với Trung Quốc
Đối với Foreign Policy, chính sách của điện Kremlin về Biển Đông chưa bao giờ rõ ràng cụ thể.
Về
mặt chính thức, Nga giữ thái độ trung lập, nhưng lại thường
ngầm ủng hộ Trung Quốc bằng cách công khai khẳng định rằng các
nước không có yêu sách tại Biển Đông không nên xen vào cuộc tranh
chấp.
Matxcơva
cũng chia sẻ quan điểm chống các định chế phương Tây của Trung
Quốc. Vladimir Putin đã nói rằng Nga « ủng hộ lập trường của Trung
Quốc », khi Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường
Trực năm 2016 chống lại đường chín đoạn của Trung Quốc.
Tuy
nhiên, theo tạp chí Mỹ, nếu những lời hoa mỹ của điện Kremlin có
thể hữu ích cho Trung Quốc, thì những hành động của Nga trên biển lại
không có lợi lắm cho Bắc Kinh.
Trong
vụ Bãi Tư Chính, cho dù là về mặt chính thức, Nga có thể là
sẽ không tuyên bố đứng về phía Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp
Nga lại là các công ty duy nhất hợp tác với Việt Nam để khai
thác dầu khí bên trong đường chín đoạn.
Một thách thức đối với Trung Quốc
Đây
không phải là một sự thách thức nhỏ, vào lúc mà dân quân
biển Trung Quốc tấn công thô bạo vào ngư dân nước ngoài, trong lúc
quân đội Trung Quốc thì tìm cách đánh bật Việt Nam ra khỏi các
vùng mỏ dầu khí.
Nhìn
dưới khía cạnh đó, việc Nga hợp tác với Việt Nam là một
hành động khiêu khích Trung Quốc nghiêm trọng (mặc dù ở mức độ
thấp), kể cả khi điện Kremlin cẩn thận tránh thu hút sự chú ý đến
việc đó.
Đối
với Foreign Policy, dĩ nhiên không ai nghĩ là Nga sẽ điều động
cả một hạm đội từ Vladivostok xuống Biển Đông để đối đầu với
Hải Quân Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ bị mất mát nhiều nếu quá
mạnh tay trước Rosneft.
Trung Quốc không thể thẳng tay với Nga
Sáng
kiến Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc nhằm nối liền Âu
Á, sẽ phải thận trọng khi đi qua các vùng mà Nga coi là sân sau
của mình.
Hiện
đã có khoảng 7 tỷ đô la của Trung Quốc bị kẹt ở Ukraina, nước
đang có một cuộc chiến tranh không tuyên bố với Nga ở miền đông.
Gruzia, nước có quan hệ không mấy thuận thảo với Nga, cũng quan
tâm đến sáng kiến của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang vung tiền
vào những nước bạn của Nga trong Liên Minh Kinh Tế Á-Âu, và một dự án
đầy tham vọng để liên kết Kazakhstan với Belarus đã được tiến hành.
Theo
đánh giá của Foreign Policy, việc duy trì hòa khí giữa hai cường
quốc cần đến sự có đi có lại và nhu cầu giải quyết êm thấm
những tranh chấp tất yếu nảy sinh. Do đó, việc khoan dầu chung giữa
Nga và Việt Nam ở ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam gần như chắc
chắn nằm trên bàn đàm phán.
Về
phần Trung Quốc, hiện đang bị cô lập do cuộc chiến thương mại với
Mỹ và sự buông lơi của phương Tây, nước này cũng không có tâm
trạng chống lại cường quốc duy nhất đang muốn có phần mình ở
Biển Đông.
Dù
lợi ích của Nga không phải là đứng về phía Mỹ để tố cáo chủ
nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhưng điện Kremlin cũng
không mấy hứng thú trước khả năng Bắc Kinh giành được quyền
kiểm soát Biển Đông, tuyến hàng hải trị giá hàng ngàn tỷ đô
la nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Để bảo vệ nguồn dầu khí bị Bắc Kinh yêu sách, Việt Nam cần gắn với Nga hoặc Mỹ
Về
phần Việt Nam, gắn ngành công nghiệp dầu khí của mình với các cường
quốc có thể là cơ hội tốt nhất để giữ được một số mỏ dầu khí của
mình bên trong đường chín đoạn. Việt Nam chẳng hạn, đã lôi kéo
Hoa Kỳ với dự án Cá Voi Xanh của tập đoàn Mỹ ExxonMobil.
Có
điều là thành công của chiến lược không còn tùy thuộc vào Việt
Nam khi sóng gió lớn nổi lên. Nhưng sức mạnh đàm phán đơn phương
của Việt Nam đã bị người láng giềng khổng lồ và càng lúc càng
mạnh làm cho suy yếu đi. Trong tình hình đó, dựa vào sư ủng bộ
của Matxcơva, hoặc Washington, có thể không lý tưởng, nhưng Hà Nội
không còn nhiều lựa chọn nào khác.
(RFI)
Không có nhận xét nào