Header Ads

  • Breaking News

    Những việc Hà Nội cần làm khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay lại!

    Tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã trở lại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam hôm 13 tháng 8. Lần trở lại này có sự hộ tống của những tàu Hải cảnh thuộc đội được cho là chủ lực của Trung Quốc.
     
    Một lính hải quân trên tàu USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2018.
    Mục tiêu trở lại

    Hoạt động quay lại của Tàu Hải dương Địa chất 8 và các tàu hải cảnh của Trung Quốc từng được một số chuyên gia cảnh báo.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói với RFA:

    “Nó sẽ khảo sát tiếp vì vùng khảo sát rất rộng, đến 36 ngàn cây số vuông. Kể cả nó khảo sát rồi thì nó cũng khảo sát lại một hoặc hai lần nữa để nó đối chiếu với lần trước xem có gì khác biệt hay không. Đó là về mặt kỹ thuật. Trên cơ sở đối chiếu hai lần khảo sát nó sẽ khẳng định dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu, khí hoặc cả dầu cả khí đủ để nó tiến hành khai thác hay không.

    Còn một thứ nữa là dầu đa phiến nằm trong các lớp đá xốp dưới đáy biển vùng này có trữ lượng nhiều gấp hàng triệu lần dầu mỏ bình thường.”

    Ngay khi tàu HD 8 rút đi, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng đã nhận định tàu này sẽ quay trở lại, bởi tàu này chỉ đủ dầu, lương thực và máy móc chạy trong 40 đến 42 ngày. Sau đó nó phải rút ra đảo Chữ Thập để lấy dầu, lấy nước, lấy lương thực, kiểm tra hoặc thay một số máy móc rồi sẽ quay lại.

    Nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc lại có đánh giá việc quay lại này cũng không nhằm mục đích như lần thứ nhất, đó là trước cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung, Trung Quốc thiệt hại rất nặng nề, và ông Tập Cần Bình cần phải vực dậy uy tín trong tình hình có những biến động quanh Hoa Lục:

    “Uy tín của Tập Cận Bình hiện nay đối với nhà tư bản Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài không còn giống như những năm đầu cầm quyền của Tập Cận Bình nữa, và Tập cần phải thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.

    Nếu như ở Hong Kong, ở Đài Loan thì Tập Cận Bình rất khó thúc đẩy để cứu vãn cho những khó khăn của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung thì tập chọn vùng Biển Đông của Việt Nam.”

    Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng mục đích của Trung Quốc khi quay trở lại lần này là tạo áp lực để Việt Nam buông xuôi. Ông nói:

    Trung Quốc sẽ tăng áp lực lên khu vực (không phải bãi Tư Chính) một số lô, như lô 06, lô 01, lô 159, lô 160 ở vùng trũng Nam Côn Sơn. Có thể Trung Quốc sẽ điều những đội tàu hộ tống đông hơn với mục đích để phía Việt Nam cảm thấy mệt, cảm thấy bị áp lực và buông xuôi. Đó là điều Trung Quốc muốn làm. Vì vậy cho nên chắc chắn trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh áp lực hơn nữa.

    Hiến kế giải pháp cho Việt Nam

    Vậy Việt Nam cần phải làm gì để Trung Quốc phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một cách chính thức chứ không chỉ đi tiếp dầu rồi quay lại, dù Việt Nam cho rằng tàu Hải Dương Địa chất 8 rút di là do chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp đúng đắn, sáng suốt như bài báo trên Hà Nội Mới hôm ngày 12 tháng 8 vừa qua rằng: “Việc nhóm tàu Trung Quốc buộc phải rút khỏi bãi Tư Chính một lần nữa cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đặt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo lên hàng đầu và từ đó có các giải pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả, trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.”

    Thạc sĩ Hoàng Việt thừa nhận Việt Nam hiện không im lặng mà đang tìm cách buộc tàu Trung Quốc rút lui:

    “Thứ nhất là Việt Nam đang phải chiến đấu trên thực địa, nghĩa là chúng ta cũng phải thi gan và bộc lộ ý chí với Trung Quốc. Trung Quốc tới đâu thì chúng ta cũng phải tìm mọi cách kiên trì để buộc Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, giống như Việt Nam đã làm năm 2014.

    Nếu chúng ta chiến đấu trên thực địa không tốt thì xuất hiện của Trung Quốc nó sẽ trở thành thường xuyên và trên thực tế, giống như trường hợp Trung Quốc đã làm Scarborough của Philippines năm 2012.”

    Theo Thạc sĩ Hoàng Việt giữ vững trên thực địa là việc lớn thứ nhất mà Hà Nội phải làm trong khi sử dụng biện pháp hòa bình nhưng kiên quyết để buộc tàu thăm dò HD 8 cùng đội tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Thứ hai là Việt Nam phải gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế để kêu gọi quốc tế lên án Trung Quốc.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng có cùng nhận định khi cho rằng Việt Nam không bị động, vẫn đấu tranh theo cách cũ là đối ngoại, nhưng việc cần làm bây giờ là phải tính đến biện pháp pháp lý, tức là phải đưa ra tòa, nhưng sẽ mất thời gian.

    Theo ông thì chính quyền Việt Nam không sợ chính quyền Trung Quốc; tuy nhiên nếu buộc phải đưa ra tòa thì phải làm sao để thủ tục phân xử xảy ra nhanh nhất, vì nếu xảy ra càng chậm thì Trung Quốc càng giở những trò mà Hà Nội không lường hết được như trừng phạt kinh tế, phá hoại, khuấy đảo…Ông đưa ra một giải pháp:

    “Bây giờ họ tính nếu kiện theo cách mời Trung Quốc ra Ủy ban Xem xét Giới hạn thềm lục địa, được lập năm 1982 theo Công ước luật biển của LHQ - Ủy ban này có một nhiệm vụ rõ ràng là giúp cho Hội đồng bảo an LHQ giải thích nội dung luật của Công ước về Luật biển - thì Trung Quốc không thể từ chối. Đấy là một cách.

    Còn những khả năng nữa là đưa ra tòa, chẳng hạn như tòa PCA mà Manila (Philippines) đã đưa năm 2013 và nhận được phán quyết rất tốt năm 2016.”

    Theo nhận định của một số nhà quan sát thì nếu Trung Quốc tiến hành khai thác sau khi hoàn tất thăm dò thì mọi việc sẽ diễn biến theo tình hình rất xấu, bởi không nước nào chịu khoanh tay đứng nhìn “ăn cướp” vô nhà. Nhưng theo Thạc sĩ Hoàng Việt thì khả năng nổ súng là rất thấp vì Trung Quốc không dám và cũng không muốn nổ súng. Còn phía Việt Nam thì đương nhiên càng không muốn nổ súng, vì nếu Việt Nam nổ súng sẽ tạo cớ cho Trung Quốc tấn công vũ lực Việt Nam.

    Vào ngày 3/7/2019, Trung Quốc điều tàu Hải Dương Địa chất 8 được hộ tống bởi 4 tàu hải cảnh và một tàu dân binh, tới khu vực phía bắc Bãi Tư Chính. Trong quá trình thăm dò địa chấn, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu các loại vào vùng biển Việt Nam mà theo Giáo sư Carl Thayer, lúc nhiều nhất lên tới 80 chiếc.

    Đến ngày 7/8/2019, tàu Hải Dương Địa chất 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và neo đậu ở Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988 đến nay.

    Đảo này nay là một trong bảy tiền đồn mà Trung Quốc bồi lấp từ các bãi đá thành đảo nhân tạo rồi xây dựng thành căn cứ quân sự, trang bị vũ khí hiện đại trên đó.
     
    (RFA)

    Không có nhận xét nào