Chúng ta đã/đang chứng kiến cuộc khẩu
chiến giữa phát ngôn viên từ hai Bộ Ngoại giao Việt – Trung, mà thực
chất là chủ trương từ những cấp cao hơn (Bộ Chính trị của mỗi đảng) dùng
tàu cảnh sát biển ghìm nhau mấy tuần qua ngoài Bãi Tư Chính. Cuộc truy
đuổi giữa tàu TQ với tàu VN trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN
trên một Biển Đông mà “mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…” ấy dường
như bắt đầu có mùi máu.
Hình minh họa. Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc tại một cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 5/11/2015 |
Vì
ngửi thấy mùi tanh của máu nên đảng và nhà nước bắt đầu tính đến chuyện
phải đẩy “dân đen” vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc huy động toàn dân lần này
đang vấp phải sự chống đối của một số tầng lớp tinh hoa. Nhưng… bất luận
ý đồ thật – giả của đảng và nhà nước đến đâu, nếu lúc này mà từ bỏ ý
thức và hành động phản kháng, thì vô hình trung, người dân Việt đang
truyền đi những tín hiệu khá bất thường và nguy hiểm.
Bất
thường và nguy hiểm thứ nhất: Từ bỏ quyền xuống đường là chúng ta từ bỏ
quyền lựa chọn và đòi hỏi chính đáng của mình trước đại hoạ của đất
nước. Vụ Bãi Tư Chính là hành động xâm lăng trắng trợn của lũ giặc Tầu
và chuyện Trung Quốc muốn “nuốt chửng” Việt Nam thì vốn “xưa như trái
đất”. Có lẽ không người dân Việt nào lại không có ý thức cảnh giác. Kẻ
muốn che dấu, chính xác hơn là kẻ không muốn để cho người dân trong nước
và cộng đồng quốc tế biết được âm mưu thực sự của Tầu – bi đát thay –
lại chính là đảng và nhà nước VN.
Hình minh họa. Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm hải chiến Trường Sa 1988
Hình minh họa. Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm hải chiến Trường Sa 1988 AFP
Nay
đảng và nhà nước đã buộc phải lùi một bước, minh bạch hoá một phần cuộc
“quấy nhiễu” của Trung Quốc và bắt đầu “chạy” màn hai của vở kịch chống
Trung Quốc, bằng lời hiệu triệu “ảo”. Ai cũng dễ nhận ra, kiểu giục giã
“huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc”[1] (!) chỉ là
một động thái “cuội”. Bởi vì từ lâu, đảng và nhà nước đã/đang thực hiện
nhiều kế sách, từ tinh vi đến thô bạo, kể cả dùi cui và nhà tù để “vô
hiệu hoá” ý chí chống Trung Quốc của người dân.
Thì
đấy, chính Tổng Chủ Nguyễn Phú Trọng trong giờ phút “dầu sôi lửa bỏng”
đã tỏ ra run sợ làn sóng biểu tình (như hồi 2014), nên đã ám chỉ người
dân “đừng để bị kích động” bằng cảnh cáo “tuyệt đối không để các thế lực
thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao
động… lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây
chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”[2]. Đúng là “miệng kẻ sang” chỉ có
thể so với “đồ nhà khó”! Chỉ trong vài ngày mà đảng đã tung ra những lời
kêu gọi trái ngược nhau!
Cho
nên quyết không thể lùi bước! “Tương kế tựu kế”, nhân dịp này phải gọi
sự vật đúng tên, vì báo chí “lề phải” vẫn chưa dám lên án đích danh
Trung Quốc xâm lược! Đây còn là dịp chúng ta phải đòi nhà cầm quyền phải
thả hết tất cả “tù nhân lương tâm” nói chung, đặc biệt là những anh chị
em vì các hoạt động tố cáo chính sách thoả hiệp với Trung Quốc mà tới
nay vẫn còn bị đầy đoạ trong các nhà tù khắc nghiệt của chính quyền.
Bất
thường và nguy hiểm thứ hai: Nếu chúng ta “quay lưng lại” để cho hai
chính quyền – Việt Nam và Trung Quốc – tự giải quyết với nhau các vấn đề
từ biển đảo đến đất liền, thì lập tức chúng ta bị rơi ngay vào bẫy của
giặc Tầu. Đừng quan tâm đến câu chuyện đất đai và biển đảo mà tiền nhân
để lại cho chúng ta, vì đã có đảng và nhà nước lo! Trung Quốc chỉ mong
có vậy! Thủ tiêu đấu tranh vào lúc này là không khác gì tự trói tay
chúng ta, mặc cho hai tập đoàn cướp nước và bán nước múa gậy vườn hoang
để mị dân trên hoang tàn của tổ quốc.
Để
thoả mãn lòng tự ái, “quay lưng lại” cuộc đấu tranh hiện nay là chúng
ta sẽ trao phẩm giá cuối cùng của những người bị trị cho những kẻ cai
trị – đó là ý chí phản biện và những hành động phản kháng. Điều nguy
hiểm hơn, “quay lưng lại” là chúng ta không tạo ra được “những giá đỡ”
cho chính các lực lượng tiến bộ, các đảng viên “phản tỉnh” trong lòng
chế độ.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô năm 1990
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô năm 1990 Photo: RFA
Không
phải ngẫu nhiên mà trong những năm qua, càng gần đến ngày Mật ước Thành
Đô có hiệu lực pháp lý thì bộ máy đàn áp của đảng/nhà nước VN càng
thẳng tay đối với những người yêu nước. Cho đến nay, hàng trăm những
người con đất Việt đang bị đày ải trong các nhà tù cộng sản, giữa những
điều kiện mà nhà tù và nền tư pháp của chủ nghĩa thực dân trước đây cũng
phải “chào thua”. Tất cả, chỉ vì họ muốn đấu tranh chống lại mọi mưu đồ
xâm lược VN của giặc Tầu và mọi chính sách toa rập của những Trần Ích
Tắc thời nay.
Hãy
chuyển nghịch lý sau đây đến mọi nẻo trên hành tinh này: Ở VN giờ đây,
yêu nước trở nên có tội, nếu yêu nước mà không yêu đảng, yêu nước mà
không yêu chủ nghĩa xã hội, một mô hình quái thai đã bị lịch sử loại bỏ
từ hàng chục năm nay! Bất cứ ai yêu nước, muốn gìn giữ non sông gấm vóc,
đấu tranh chống lại bất công, phản đối cuộc xâm lăng toàn diện của
Trung Quốc thì đều bị quy chụp vào tội phản động và lật đổ, dầu đó là
những người mẹ đơn thân trong tay không tấc sắt. Có nơi nào như nơi này
không?
Bất
thường và nguy hiểm thứ ba: Nếu chúng ta bài xích biểu tình và các hình
thức tập hợp lực lượng yêu nước khác (theo cách của chúng ta), thì dân
tộc Việt Nam sẽ xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại toàn
tập”. Từ ngày ĐCSTQ ép ĐCSVN chấp nhận Mật ước Thành Đô, tầng lớp tinh
hoa yêu nước VN, đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ trai gái, miền
xuôi miền ngược, đã kiên cường xông lên tuyến đầu cuộc đấu tranh chống
lại sự câu kết và toa rập của hai bộ máy đàn áp hiểm độc duy nhất còn
sót lại từ thời cộng sản Xô viết.
Thế
giới Âu Mỹ không mù loà, họ không bao giờ “đặt tất cả trứng vào một
rổ”. Nhìn vào VN ngày này, cộng đồng quốc tế bao giờ cũng phân biệt giữa
hai chủ thể: ĐCSVN và người dân Việt Nam. Một đảng được vận hành theo
kiểu mafia như ĐCSVN, trong con mắt thế giới, không thể là tổ chức chính
trị có thể “cầm cương” tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc Việt. Đó là
một đảng hỏng (ông Hồ Chí Minh đã từng cách báo tình trạng này trước
đây khá lâu) và quốc tế cũng rất biết điều đó. Thế giới nhìn vào những
đại biểu ưu tú của dân Việt như là một alternative – một nguồn dự trữ
lực lượng thay thế trong tương lai!
Nay
nếu chúng ta “kéo cờ trắng” rút lui tức là chúng ta tước đoạt mất niềm
tin của thế giới dành cho “những đại biểu cho tương lai”. Trong công
cuộc quốc tế vận hiện nay ở Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác,
thế giới đang hướng đến những đại biểu cho tiến trình dân chủ hoá ở VN.
Nhưng tiến trình dân chủ hoá ấy lại phải gắn với quá trình xây dựng hệ
thống đối tác chiến lược, với nội hàm thiết thực, cụ thể. Vì vậy, không
bao giờ chúng ta được xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại
toàn tập”!
Nguyễn Việt Trung
---------------
*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào