Câu trả lời là “Không thể”, với điều
kiện chúng ta “nhu” nhưng không “nhược”, phải biết cách lấy “nhu” thắng
“cương”. Đúc kết các bài học từ tiền nhân để cộng hưởng với minh triết
trị quốc của thời đại, chúng ta sẽ có trí khôn gấp đôi! “Bộ tứ” với
chiến lược Indo-Pacific (FOIP) và ASEAN đã chấp thuận (AOIP). Việt Nam
vừa thoả thuận hợp tác quân sự với EU… Tất cả là giá đỡ cho một Trật tự
tiến bộ chống lại thế giới của bá đạo, của nước lớn ức hiếp nước nhỏ!
Hình minh họa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (trái), tàu khảo sát của Trung Quốc |
Sáng
24/8/2018, theo thông tin của chuyên gia Ryan Martinson, tàu Hải Dương
Địa Chất 8 (HD-8) của Trung Quốc đã mở rộng hoạt động tới khu vực sát
bờ biển Việt Nam hơn, ngay sau khi Thủ tướng VN, Thủ tướng Australia và
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về
những hoạt động mà Bắc Kinh đã/đang tiến hành trên Biển Đông.
Cảnh báo từ Việt Nam, Úc và Mỹ
Vào
ngày 24/8, ông Ryan Martinson, thành viên chủ chốt của Viện Nghiên cứu
Hải quân Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân, Hoa Kỳ, đăng
tweet cho biết tin cực nóng, tàu HD-8 của chính phủ TQ đang khảo sát
ngay ở khu vực nằm sâu trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt
Nam.
Tàu
khảo sát, với sự hộ tống của ít nhất bốn tàu khác, đang tiếp tục tiến
hành khảo sát ở vị trí cách đảo Phú Quý 102km, về phía đông nam và cách
bờ biển Phan Thiết 185km. Theo luật quốc tế, vùng EEZ của một quốc gia
được tính với bề rộng 200 hải lý (370km), kể từ đường cơ sở và đấy là
vùng quốc gia có các quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau hơn tháng rưỡi kể từ khi TQ xâm phạm Bãi Tư
Chính từ hồi đầu Hè đến nay, mới đây, lần đầu tiên đã bày tỏ lập trường
“vô cùng quan ngại”[1] trước những diễn biến trên Biển Đông khi có tin
tàu HD-8 tiến sát vào bờ biển VN hơn.
Ông
Xuân Phúc được trích lời: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn
biến phức tạp gần đây trên Biển Đông; nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa
bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; không sử
dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa
bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật Biển năm
1982…”
Lập
trường khá mềm mỏng của người đứng đầu chính phủ VN được đưa ra trong
cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia trong chuyến thăm ba ngày
(22 – 24/8) của ông Scott Morrison tới VN. Vị khách đến từ Canberra cũng
thúc giục các nước láng giềng của TQ không nên chịu đựng, không nên để
chủ quyền của mình bị đe dọa.
Thủ
tướng Morrison nói rằng luật quốc tế cần phải được tôn trọng, trong đó
gồm các nguyên tắc căn bản liên quan tới việc tự do hàng hải, tự do
hàng không, đảm bảo cho các quốc gia được theo đuổi các cơ hội khai
thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và trong vùng
biển của mình.
Ngày
22/8, Mỹ cũng vừa phát đi một tuyên bố mới thông qua người phát ngôn
BNG phê phán việc TQ tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với
các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi VN gần Bãi Tư Chính
đợt hai từ ngày 13/8. Mỹ cho rằng, đây là sự leo thang của Bắc Kinh
trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát
triển các nguồn tài nguyên trên BĐ.
Tuyên
bố nói trên của Hoa Kỳ còn chỉ rõ tình trạng TQ quấy nhiễu Việt Nam
đang gây ngờ vực đối với những cam kết của Bắc Kinh, trong đó có Tuyên
bố ASEAN-Trung Quốc về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và về
giải pháp ôn hòa cho các tranh chấp trên biển.
Chỉ
mấy giờ đồng hồ trước các tuyên bố của Thủ tướng Xuân Phúc, Thủ tướng
Morrison và của người phát ngôn BNG Hoa Kỳ, TQ vẫn lu loa, đòi được “tôn
trọng chủ quyền, quyền tài phán” ngay trong Bãi Tư Chính. Và đến ngày
24/8, TQ đáp trả bằng những hành động mới, côn đồ hơn, ngang ngược hơn
ngay trong vùng biển của VN.
Đấy
là lần thứ ba, theo nguồn tin từ New Delhi[2], TQ tiếp tục xâm phạm
vùng EEZ của VN khi điều tàu tuần duyên đến gần lô dầu khí của công ty
ONGC, Ấn Độ. Trong vụ xâm phạm nghiêm trọng kỳ này, TQ đã đưa 20 tàu vào
vùng EEZ của VN. Trước đó, Bắc Kinh đã điều 2 tuần duyên tới gần lô dầu
của ONGC.
Đấy
cũng là vụ xâm phạm thứ hai của TQ trong năm nay, bắt đầu từ 13/8, lúc
15 giờ (giờ Hà Nội). Trong vụ xâm phạm lần ấy, 6 tàu tuần duyên, 10 tàu
đánh cá và 2 tàu dịch vụ, cùng với máy bay ném bom H6, máy bay chiến đấu
và máy bay tiếp-nhiên-liệu-trên-không cũng đã được nhận dạng.
Còn
vụ xâm phạm lần thứ nhất, bắt đầu từ ngày 3/7, nhưng sau đó các tàu TQ
nhanh chóng rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính vào ngày 7/8. Số lượng tàu vào
thời điểm ấy là 35 chiếc, nhưng không có nhiều lực lượng không quân.
Đáng chú ý là, vụ xâm lấn lần đầu tiên ấy của TQ đã bị hủy, sau khi các
Ngoại trưởng ASEAN họp tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/8.
Công, thủ hay lùi?
Trước
“ba làn sóng” xâm phạm Bãi Tư Chính như vừa liệt kê, thái độ chính thức
của nhà nước VN khá uyển chuyển. “Uyển chuyển” đến mức dư luận nhiều
khi không biết đấy là những phản ứng tấn công, phòng thủ hay lùi bước
trước các hành động bạo ngược của “người bạn vàng” Bắc Kinh?
Cho
đến trước ngày 19/7, Hà Nội cấm báo chí đưa tin về việc tàu của “các
đồng chí” TQ đã vào quần thảo với tàu cảnh sát biển VN tại Bãi Tư Chính
từ đầu tháng 7. Xã hội VN phần nào thở phào nhẹ nhõm, sau tuyên bố của
người phát ngôn BNG (hôm 19/7) được phép vạch mặt chỉ tên “kẻ quấy rối”,
“kẻ phiền nhiễu”, lập tức BNG Hoa Kỳ đã lên tiếng hưởng ứng khá mạnh mẽ
(ngày 20/7).
Điều
thú vị là cho tới nay, kể cả tuyên bố của người đứng đầu chính phủ, VN
mới chỉ khoảng 4 – 5 lần công khai tố cáo TQ ức hiếp mình thì tần số
chính phủ Hoa Kỳ phê phán TQ lên đến 6 – 7 lần. Ngoài “quan ngại sâu
sắc” của ông Xuân Phúc, người phát ngôn BNG VN chỉ nói theo một phiên
bản duy nhất, với một nội dung cũng duy nhất hầu như ai nấy đều thuộc
lòng (Chưa kể vừa phát ngôn xong đã bị delete ngay trên mạng).
Trong
khi đó, nếu xét kỹ các tuyên bố của Hoa Kỳ thì thấy thật phong phú và
đa chiều kích; từ người phát ngôn BNG đến ngoại trưởng, từ tân tổng
trưởng quốc phòng đến cố vấn an ninh quốc gia, rồi dân biểu, thượng nghị
sĩ. Đặc biệt chưa có tiền lệ là chuyến thăm Hà Nội của hai đại tướng
David Goldfein, Tham mưu trưởng và Charles Brown, Tư lệnh Không quân
TBD. Họ tuyên bố thẳng thừng giữa thủ đô là đã cùng với các đồng nhiệm
VN bàn bạc nhằm “đưa ra những phương án để các nhà lãnh đạo chính trị
lấy quyết định”[3].
Đúng
là “miệng kẻ sang!” Phản ứng của một “đệ nhất siêu cường” và phản ứng
của một “phiên thuộc” trước những hành động thảo khấu của TQ không thể
giống nhau. Với lại, tuyên bố từ Washington hay “trong lòng Hà Nội” thì
sau đó người Mỹ cũng sẽ “về nhà” (homecoming). Còn ta, “núi liền núi,
sông liền sông”, “vận mệnh tương đồng” và đủ mọi thứ “tương quan”, lại
còn được trang bị thêm vũ khí siêu nặng “ba không” thì làm sao có thể
khác được!
Đắm
mình cùng lịch sử hôm 24/8, tác giả của “Bão táp Triều Trần”[4] đã đưa
ra cái nhìn khá bất ngờ khi ông liên hệ “ba lần Bắc Kinh xâm lược Bãi Tư
Chính” hiện nay với “ba lần quân dân nhà Trần kháng chiến đánh gục quân
Nguyên” thuở xưa, mặc dầu ông đã giáo đầu là mọi sự so sánh đều khập
khiểng!
Cũng
bắt đầu từ “bão táp cung đình”, Hoàng Quốc Hải đã ví bối cảnh quan hệ
Việt – Trung hiện nay với bang giao hai nước thời Trần. Bấy giờ, triều
thần có lúc cũng phải tìm mọi cách đẩy lùi xu thế chủ bại trong cung
đình. Nhưng theo nhà văn, thời nay vấn đề cốt tử không phải là “hoà hay
chiến”, vấn đề là lòng dân và minh triết của “bộ sậu” đứng đầu.
Giờ
là lúc giặc đã vào đến ngõ rồi mà sao trong nhà yên ắng quá! Đồng ý là
phải biết cách lấy “nhu” thắng “cương”, nhưng phải làm sao “nhu” mà
không “nhược”. Không thể không tiếp tục “tam chủng chiến pháp” (các cuộc
chiến về pháp lý, truyền thông và tâm lý) theo kiểu VN. Quốc tế vận với
ASEAN, đặc biệt là với các đối tác chiến lược và toàn diện tại sao chưa
mở hết công suất? Mọi giải pháp đã được đặt hết lên bàn cho bộ tham mưu
hay chưa?
Đúc
kết các bài học từ tiền nhân để cộng hưởng với minh triết trị quốc của
thời đại, chúng ta sẽ có trí khôn gấp đôi! “Bộ tứ” với chiến lược
Indo-Pacific (FOIP) và ASEAN đã tìm được cách tích hợp (AOIP). Việt Nam
vừa ký hợp tác quân sự với EU… Tất cả, đấy là vóc dáng của thời đại, là
giá đỡ cho Trật tự tiến bộ chống lại thế giới của bá đạo, của nước lớn
ức hiếp nước nhỏ – một thế giới đang lụi tàn!
Đấy
chính là nguồn mạch sâu xa cho chúng ta – những công dân của nước Việt
Nam tự do – dù đang ở bất cứ góc nào trên trái đất này, lấy lại lòng
tin, hy vọng và quyết tâm góp phần giữ lấy Tư Chính. Logic của Tàu là
“mềm nắn rắn buông”. Nếu làm cho Trung Quốc thấy xâm lược Tư Chính phải
trả giá đắt (mà đấy là điều chắc chắn) thì xác suất Trung Quốc tấn công
Việt Nam bằng quân sự sẽ rất thấp.
Bãi
Tư Chính không thể mất. Bởi vì mất Bãi Tư Chính là mất tất cả! Trước
hết là mất chủ quyền biển đảo, sau đó là mất nước. Dân tộc Việt Nam chắc
chắn sẽ không cho phép điều đó xẩy ra, dù với bất cứ giá nào!
Nguyễn Việt Trung
-------------------
[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/thu-tuong-viet-nam-va-thu-tuong-australia-quan-ngai-sau-sac-ve-dien-bien-phuc-tap-tren-bien-dong-1117832.html
[2] https://www.wionews.com/world/china-intrudes-into-vietnams-economic-zone-places-coast-guards-near-ongc-block-2446
[3] VHNA: Hai tướng Mỹ thăm Việt Nam trong tình hình Bãi Tư Chính vẫn căng thẳng, số tháng 8/2019
[4]
“Bão táp Triều Trần” là một bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng
Quốc Hải. Với 6 tập sách, nhà văn dẫn hậu thế nhìn vào quá khứ, để thấy
hết những điều kỳ diệu lẫn những khổ đau mà cha ông đã trải nghiệm.
Nhưng quá khứ ấy có lúc được bao phủ bởi những lớp sương khói nhiều khi
dày đặc đến mịt mùng… (Wiki)
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào