Nếu đụng độ giữa Việt Nam và Trung
Quốc trên biển chỉ dừng ở mức va chạm, Ba Đình có xu hướng bóp nghẹt
truyền thông và ngăn chặn biểu tình vì rủi ro trên bờ khi đó sẽ lớn hơn
trên biển.
Hình minh họa |
Khi
đụng độ leo thang tới mức có nguy cơ xung đột vũ trang, sẽ bắt đầu xuất
hiện những lời kêu gọi yêu nước, như đang râm ran hiện nay. Truyền
thông bắt đầu được mở van nhỏ giọt, biểu tình được chiếu cố, miễn sao
vẫn trong tầm kiểm soát về quy mô và chủ đề. Như cánh cửa mở hé, sẽ đóng
sập lại ngay nếu chuyện ngoài biển không còn căng thẳng nữa.
Khi
nguy cơ mất đảo hiển hiện, những lời kêu gọi sẽ bùng phát dưới giọng
hiệu triệu, vực dậy cả hồn thiêng sông núi lẫn anh linh tử sĩ. Báo chí
được lệnh lên bài thả ga, mọi cuộc biểu tình từ quốc doanh đến dân doanh
đều được cổ vũ nhằm, như một tờ báo gần đây giật tít, ‘huy động toàn
dân bảo vệ chủ quyền’.
Nhưng vì sao lại phải nhọc công hiệu triệu toàn dân?
Toàn dân sẽ giữ được đảo nếu Trung Quốc nhất quyết đánh chiếm hay sao?
Chiến
lược chiến tranh nhân dân (toàn dân đánh giặc) từng rất hiệu quả trước
đây khi chiến cuộc chủ yếu diễn ra trên đất liền, nhưng với môi trường
tác chiến trên biển dựa vào hải quân và không quân, thì chiến tranh nhân
dân thế nào?
Ngư
dân được phát súng và huấn luyện sơ sài (dân quân biển), nòng cốt của
chiến tranh nhân dân trên biển, sẽ làm được gì trước tàu chiến, máy bay
và tên lửa hiện đại của Trung Quốc?
Cũng
có người cho rằng toàn dân hưởng ứng thì sẽ giúp lên tinh thần. Không
sai, nhưng tinh thần lên cao liệu có bù đắp được chênh lệch về khí tài,
năng lực, nhân sự đôi bên trong bối cảnh tác chiến hiện đại?
Vậy tóm lại kêu gọi toàn dân để làm gì?
Để chạy trách nhiệm.
Một
khi có sự tham gia của toàn dân nhưng đảo vẫn bị mất thì Ba Đình có thể
mạnh dạn nói rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã cố gắng hết sức
nhưng mà Trung Quốc mạnh quá nên rất tiếc là đảo đã bị mất. Trách nhiệm
của chung thì không ai có trách nhiệm.
Thế nhưng có vẻ người dân đang làm phá sản tính toán này của Ba Đình bằng cách tỏ ra thờ ơ với mọi lời kêu gọi có đóng dấu đỏ.
Bằng
cách đó họ gửi một thông điệp không thể rõ ràng hơn: Các ông bà lâu nay
đòi độc quyền yêu nước – ‘để Đảng và Nhà nước lo’, vậy nên nếu mất biển
mất đảo thì các ông bà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quốc dân
và lịch sử, chứ không có cái gọi là trách nhiệm chung của toàn Đảng,
toàn dân nữa. Chúng tôi để cho Đảng và Nhà nước lo hết, nhưng nếu để mất
biển mất đảo, các ông bà trước thì mất hết với chúng tôi, sau thì mãi
mãi ô danh với lịch sử.
Nhưng cớ sao người dân lại giữ một thái độ như vậy?
Có
ý kiến nói rằng vì lòng yêu nước của người dân đã nhiều lần bị xúc
phạm: Từng viết bài, xuống đường phản đối Trung Quốc nhưng nhẹ thì bị
đánh đập, sách nhiễu, nặng thì bị bắt bớ, giam cầm nên giờ họ không còn
tha thiết nữa.
Có thể là vậy, nhưng nếu lẽ thường thực tâm yêu nước thì đoạn đầu đài cũng chẳng ngán, huống chi chỉ là đòn roi và ngục tù.
Mấu
chốt ở đây là, càng ngày người dân càng nhận rõ rằng đổ xương máu dưới
lời hiệu triệu ấy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nếu có thành công đi
chăng nữa, quốc gia vẫn chỉ là tài sản riêng của một nhóm nhỏ người mà
chẳng có phần nào của mình trong đó. Vậy hà cớ gì phải hao tâm tổn trí
cho cái không phải của mình? Người dân đang và sẽ quay lưng trước lời
hiệu triệu của đảng không khác gì từng nhếch mép trước lời kêu gọi kháng
Pháp của triều đình nhà Nguyễn vậy.
Nghĩa
là, yêu nước thì vẫn yêu đó, nhưng yêu chứ đâu có ngu. Lòng yêu nước
trở thành thứ quý giá mà dân nhất quyết không đưa ra dù đảng luôn miệng:
‘hãy trao cho anh’.
Thế giải pháp ở đây là gì? Làm sao còn có thể hiệu triệu được lòng dân?
Chỉ
bằng cách thực tâm cải cách chính trị, mở rộng các quyền tự do dân chủ,
khiến người dân thực sự cảm thấy đất nước này là của họ, chứ không phải
là của riêng một vài cá nhân, gia đình hay bè đảng nào. Mà động thái
cần thiết đầu tiên là trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm
chỉ vì yêu nước khác cách của đảng.
Bởi
lẽ, đến cuối cùng người ta chỉ dám sống dám chết để bảo vệ những gì
người ta coi và tin là của mình. Đất nước cũng vậy, chỉ khi người ta
thấy mình thực sự có quyền làm chủ thì chẳng cần ai kêu gọi cũng tự
nhiên dốc lòng dốc sức, đổ xương đổ máu ra bảo vệ.
Trái lại, không thể khác, là thờ ơ, cho tới khi mất cả.
Nguyễn Anh Tuấn
(FB Nguyễn Anh Tuấn)
Không có nhận xét nào