Header Ads

  • Breaking News

    Nếu đi thăm, Chủ tịch Trọng sẽ 'nâng tầm quan hệ' Việt-Mỹ

    Một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer từ Úc nêu ba khả năng về tiến triển quan hệ Mỹ - Việt nếu Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm và hội đàm gặp Tổng thống Trump ở Washington D.C. trong năm nay.

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội hôm 27/2/2019
    Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trọng có đủ sức khoẻ đi thăm Hoa Kỳ mà một số nguồn tin cho rằng từ khoảng tháng 10 tới.

    Căng thẳng Trung - Việt do tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào bãi Tư Chính cũng là vấn đề tạo nền cho chuyến thăm cao cấp nếu xảy ra.

    Đầu tiên, trả lời BBC News Tiếng Việt, GS Thayer đánh giá vấn đề sức khoẻ của nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng:

    Carl Thayer: Việt Nam giữ rất kín (tight lipped) về sức khỏe của TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng từ 14/05 khi ông tái xuất hiện sau vấn đề sức khoẻ hồi tháng 4 vốn đã được giới chức chính thức thừa nhận là có. Nhưng tháng 8 này, các tin đồn đoán lại nói ông Trọng sẽ sang Washington để họp mặt với TT Trump. Cả hai bên Mỹ, Việt đều chưa hề nêu gì chính thức về một chuyến đi như vậy.

    TBT Trọng cũng kín tiếng trên truyền thông Việt Nam dù báo chí liên tục nêu rằng ông đang đóng vai trò chủ tọa các cuộc họp của Bộ Chính trị, phát biểu trước Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5. Trong tuần qua, ông Trọng được thấy trên báo chí Việt Nam, đón Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir và Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Bounnhang Volachith.

    Xin nhắc lại rằng khi TT Trump gặp Chủ tịch Trọng ở Hà Nội hôm 27/02, trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, và tại cuộc gặp TT Trump đã mời Chủ tịch Trọng thăm chính thức (official visit) sang Hoa Kỳ để thảo luận về các cách thức làm tăng quan hệ đối tác toàn diện song phương. Đây sẽ là phần chính của cuộc thảo luận nếu chuyến thăm sang Mỹ diễn ra.

    Theo tôi, hiện có ba khả năng cho quan hệ Mỹ - Việt:
    • Một là hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng (enlarge) quan hệ đối tác toàn diện ký từ 2013.
    • Hai là họ sẽ công bố đàm phán để nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược.
    • Ba là họ sẽ đồng ý ký một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
    Bất cứ một trong ba khả năng đó đều sẽ là dấu hiệu Việt Nam tiến tới chỗ cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để phản ứng lại hành đồng đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc (Chinese intimidation and bullying) ở Biển Đông trong những tháng qua.

    Thương mại, đầu tư và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ có nghị trình cao trong thảo luận, nhất là khi Việt Nam đang có thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ.

    Cuối cùng thì các vấn đề di sản cuộc chiến, như tẩy rửa chất dioxin (Agent Orange) gây độc cho vùng cạnh sân bay Biên Hòa cũng sẽ được bàn đến.

    BBC News Tiếng Việt: Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thôi giữ chức Tổng bí thư vào kỳ đại hội tới thì trong các nhân vật sau, ông Trần Quốc Vượng, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ai là người có cơ hội cao nhất để lên nắm chức lãnh đạo Đảng CSVN?

    Carl Thayer: Ai là tổng bí thư kế nhiệm sẽ còn tùy vào việc họ quyết định chức vụ đó và chức chủ tịch nước sẽ chính thức gộp làm một, hay vẫn để riêng rẽ. Hiện nay, các quy định nội bộ yêu cầu người lên làm chủ tịch nước phải có kinh nghiệm đáng kể trong việc điều hành bên chính quyền. Quy định và tiêu chuẩn này xem ra sẽ loại trừ ứng viên của ông Trần Quốc Vượng. Ông là người mà cả sự nghiệp chỉ thuộc về bên trong cơ cấu Đảng Cộng sản.

    Cả ba người được nêu ra ở đây trong câu hỏi này sẽ đều quá tuổi 65 khi Đại hội Đảng nhóm họp vào đầu năm 2021. Ông Trần Quốc Vượng sẽ là cao tuổi nhất, 68 tuổi, còn cả ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều sẽ 67 tuổi. Cả ba đều cần qua kiểm tra sức khoẻ gay gắt để đạt tiêu chuẩn, và còn cần phải được đồng ý cho nhận quyền hưởng miễn trừ (exemption) để tránh việc buộc phải về hưu ở tuổi 65.

    Còn trong trường hợp hai chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước được hợp nhất thì câu chuyện sẽ tập trung vào hai ứng viên, ông Phúc và bà Ngân, theo quan điểm riêng của tôi.

    Ông Trọng trở thành tổng bí thư sau khi đã làm chủ tịch quốc hội. Tiền lệ này tạo ưu thế cho bà Kim Ngân. Nhưng như thế bà ấy sẽ là phụ nữ đầu tiên lên chức vụ cao nhất đó. Còn về ông Phúc, thành tích làm thủ tướng chính phủ của ông là có năng lực tốt (competent) và theo tôi, vì quyền lợi của đất nước Việt Nam thì nên để ông tiếp tục giữ chức vụ đó.

    BBC News Tiếng Việt: Sau gần một tháng đối đầu ở Bãi Tư Chính, tàu Trung Quốc Hải Dương 8 lại còn di chuyển vào gần hơn bờ biển Việt Nam, cách Phan Thiết chỉ 185 km, theo số liệu gần đây, vậy ông nghĩ đây là phải là yếu tố giúp Việt Nam lại cần Hoa Kỳ hơn?

    Carl Thayer: Theo các nguồn ngoại giao tại Hà Nội, Hoa Kỳ đã gợi ý với phía Việt Nam rằng năm nay cần nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược.

    Cùng lúc, các quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu Việt Nam đồng ý để có các chuyến thăm hàng năm của hàng không mẫu hạm nguyên tử từ Hải quân Hoa Kỳ. Cả hai sáng kiến này đều được nêu ra với phía Việt Nam trước khi Hải Dương Địa chất 8 vào vùng biển gần Tư Chính, nằm trong Vùng Kinh tế Đặc quyền của Việt Nam.

    Hoa Kỳ đã liên tục lên án mạnh mẽ thái độ bắt nạt và can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam vốn đã có từ lâu.

    Nếu TBT Trọng thăm Tòa Bạch Ốc và gặp Tổng thống Trump vào tháng 10 năm nay, thời điểm sẽ là rất thuận lợi cho hai bên đẩy mạnh hơn hợp tác về an ninh biển. 

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào