Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về
vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế mới nói rằng Washington
“phối hợp đa phương” trong khi đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tàu chiến USS Antietam của Mỹ mang theo tên lửa dẫn đường tại Biển Đông năm 2016. |
Khi
được hỏi về nỗ lực yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hóa các hoạt động quân sự
trên Biển Đông, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, trả lời rằng “đây
là một nỗ lực chung, không phải của riêng Hoa Kỳ”.
“Chúng
tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng
hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó [Biển Đông]. [Chúng tôi] phối
hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc”,
bà Thompson nói hôm 13/8 trong một cuộc họp báo.
“Chúng
tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi.
Chúng tôi cũng tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở cả Bộ
Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đảm bảo rằng Trung Quốc biết rõ quan điểm
của chúng tôi và sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lẽ phải cũng như quyền tự
do hàng hải”.
Tuyên
bố về việc “phối hợp đa phương” của Mỹ với các nước khác về Biển Đông
được đưa ra đúng ngày xuất hiện tin tàu khảo sát của Trung Quốc quay lại
khu vực Bãi Tư chính trong thềm lục địa của Việt Nam, ít ngày sau khi
rời đi. Đây là khu vực nơi một công ty Nhật đang thực hiện khoan thăm dò
theo hợp đồng với tập đoàn Rosneft của Nga ở Việt Nam.
Các
chuyên gia về Biển Đông từng nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan
của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và
Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính
quyền Bắc Kinh cũng như “đa phương hóa” và “quốc tế hóa” vấn đề Biển
Đông.
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay tuyên bố chỉ đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông với các quốc gia trực tiếp liên quan.
Sau
khi vấp phải chỉ trích của Washington về “hành động khiêu khích” ở Bãi
Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng cho rằng Mỹ
“vu khống”, “vô trách nhiệm” đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ và “các thế
lực bên ngoài khác” khuấy động bất ổn ở Biển Đông.
Thứ
trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Andrea L. Thompson năm ngoái đã có chuyến thăm
kéo dài nhiều ngày tới Việt Nam, quốc gia bà nói là “một trong các đối
tác mạnh” của Mỹ ở khu vực.
Liên
quan tới vấn đề hợp tác hàng hải, một tuyên bố của Mỹ mới đây nói rằng
“một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng và vững mạnh ở
trung tâm khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là điều sống còn để
thúc đẩy cấu trúc khu vực nhằm hỗ trợ việc quản trị dân chủ và giải
quyết các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế”.
Tài
liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố còn nói rằng Hoa Kỳ giúp huấn luyện
các lực lượng tuần duyên của ASEAN, tiến hành các chương trình hỗ trợ an
ninh nhằm củng cố an ninh hàng hải của các nước trong khu vực cũng như
sẽ cùng với Thái Lan tổ chức Cuộc Diễn tập Hàng hải đầu tiên giữa ASEAN
và Mỹ vào tháng Chín tới.
Mỹ,
quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, luôn khẳng định không
đứng về bất kỳ quốc gia nào trong tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước.
Trong
một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về việc Mỹ sẽ hợp tác như thế
nào nhằm củng cố quyền tự do hàng hải với các nước tuyên bố chủ quyền ở
Biển Đông, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, đề cập tới
việc mới đây đã “đón tiếp lãnh đạo của Cảnh sát Biển Việt Nam” và “đang
hợp tác chặt chẽ” với phía Hà Nội.
“Vì là láng giềng của Trung Quốc, rõ ràng họ phải rất cẩn trọng trong quan hệ ở khu vực”, Đô đốc Schultz nói.
(VOA)
Không có nhận xét nào