Theo bản tin của VOA, Bà Hoa Xuân
Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26 tháng 7 cáo buộc
Việt Nam đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính từ
tháng 5 chứ không phải mới đây. Tuyên bố này không mới ở nội dung nhưng
rất nghiêm trọng trong thời gian hiện tại, nó cho thấy Trung Quốc đã
quyết định tiến xa hơn trong hành vi xâm lấn bằng thủ đoạn liên tục lên
tiếng tố cáo Việt Nam mới là tác nhân xâm phạm quyền chủ quyền của nước
khác.
Ăn vạ, nước cờ không đối thủ của Trung Quốc |
Bắc
Kinh đã dùng kinh nghiệm của Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền
của Phát xít Đức để áp dụng vào Biển Đông: "Một lời dối trá nếu được
lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật".
Các
nhà tâm lý học gọi đây là “ảo tưởng về sự thật” nhưng người cộng sản
lại tin vào cái ảo tưởng này lâu dần sẽ trở thành chân lý đối với người
quen nghe nó. Bà Hoa Xuân Oánh lại càng tin hơn khi nhất mực cho rằng
chính Việt Nam mới là nước xâm chiếm chứ không phải Trung Quốc. Lời nói
dối ấy đã ăn vào tâm trí của lãnh đạo Bắc Kinh và gây cho họ ảo giác của
sự thật. Không may cho Việt Nam, tuy cùng học chung một người thầy Cộng
sản nhưng có lẽ tâm cơ chưa tới nên không đạt được trình độ tự lừa mình
như giới chức lãnh đạo Trung Quốc.
Chưa
bao giờ thoát ra được hai chữ “quan ngại” bởi bị lệ thuộc khá sâu vào
“đại cục” cả hệ thống chính trị Việt Nam cho tới giờ này vẫn cả tin rằng
Trung Quốc không bao giờ dám dấn sâu hơn vào quyền chủ quyền của Việt
Nam trên bãi Tư Chính, có chăng đây chỉ là động thái ném đá dò đường và
Việt Nam lại theo con đường cũ tiếp tục đu dây trên đống lửa dưới chân.
Nhưng qua tuyên bố lần này của bà Hoa Xuân Oánh người ta e rằng sức nóng
của ngọn lửa bên dưới sợi dây không cho phép Việt Nam sang bên kia bờ
“hữu nghị” như mọi lần, bởi nhiều lý do mà lý do lớn nhất là Việt Nam
đang thất bại trên nhiều mặt trận trong lẫn ngoài nước.
Bên
trong, Bộ chính trị còn vướng mắc những tranh cãi, so đo, trì kéo giữa
thế lực chính trị lấy đảng làm tiêu chuẩn tiến thân, một bên khác là
những nhóm khác nhau về nhận thức giữa lợi và hại nếu tiếp tục theo con
đường cũ là chấp nhận sự căm ghét của người dân, chấp nhận sự tha hóa
bên trong nội bộ và đồng thời chấp nhận luôn bàn tay thô bạo của Trung
Quốc nhúng vào chính trường Việt Nam. Cái lợi trước mắt là nếu chấp nhận
cải cách triệt để thì Trung Quốc không thể làm mưa làm gió như từ trước
tới nay mặc dù chấp nhận hy sinh và mất mát.
Bên
ngoài, Bộ ngoại giao Việt Nam không có tiếng nói dủ mạnh để thuyết phục
thế giới về hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Thiếu tiền, thiếu nhân sự
giỏi, thiếu cả sự trung tín cần thiết với các nước có quan tâm, Việt Nam
không đưa ra một chiến lược tuyên truyền với ý thức dân tộc đủ mạnh để
làm các nước khác tin vào vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với một vùng
biển mà Trung Quốc đang lăm le chiếm cứ.
Phương
tiện duy nhất mà Việt Nam có thể làm lại phân vân trước nhiều lựa chọn
đó là mang Trung Quốc ra tòa án Quốc tế như Philippines từng làm. Phân
vân không phải vì sợ thua, sợ tốn kém mà sợ mất đi chỗ dựa cho Đảng, cho
những cán bộ trung với Tàu, hiếu với Bắc Kinh và một mực cho rằng Trung
Quốc luôn luôn tốt với nhân dân Việt Nam. Phân vân vì sợ sau này nếu có
“mệnh hệ” gì thì làm sao sang Bắc Kinh tiếp tục xin chỉ đạo làm cái này
hay thực hiện cái nọ. Những hệ quả ấy làm cho Việt Nam chùn bước trước
một hành động đáng ra phải làm từ năm 2014 lúc Trung Quốc ngang nhiên
đem giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam nằm lì ra đó hơn hai tháng
trời.
Lần
này e rằng con số hai tháng sẽ không còn thích hợp khi Bộ Ngoại giao
Trung Quốc chính thức “lên tiếng” về cái mà họ không sở hữu.
Nhiều
nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc không dại gì đánh Việt Nam vì
họ đã khuynh loát hệ thống chính trị của nước này từ nhiều năm qua, nếu
xảy ra chiến tranh thì công trình gây dựng của họ bao năm nay thành ra
công dã tràng se cát. Lý thuyết này có thể đúng một phần vì dù sao thì
Việt Nam cũng từng làm cho Trung Quốc điêu đứng trong các trận chiến tại
các tỉnh biên giới phía Bắc vì vậy thay vì đánh nhau Trung Quốc sẽ áp
dụng chiến thuật tầm ăn dâu với vùng biển mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra đường 9
đoạn trong đó có bãi Tư Chính.
Lần
này Trung Quốc sẽ dùng truyền thông để rêu rao rằng Việt Nam chính là
kẻ xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc từ đó đưa ra các lý do nhằm
thuyết phục người dân trong nước và sau đó là các nước được Trung Quốc
bảo trợ và cuối cùng là các nước không liên quan.
Trung
Quốc sẽ dùng luận điệu: “Tại sao Việt Nam chỉ biết lên tiếng một cách
yếu ớt về vụ việc trong khi Trung Quốc lên tiếng nhiều lần, nhiều lúc,
nhiều nơi trước công luận quốc tế về vấn đề này? Tại sao người dân Việt
Nam không hề bức xúc trước việc bãi Tư Chính xảy ra tranh chấp mặc dù
báo chí nhà nước hô hào hãy bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc? Tại
sao Việt Nam luôn nói rằng họ có đầy đủ chứng cứ về quyền chủ quyền của
họ nhưng chưa bao giờ họ chính thức trưng ra bằng cớ trước dư luận thế
giới……”
Đi
kèm với những luận điệu vừa nói là hành động phá rối khu vực bãi Tư
Chính khiến cho các giàn khoan của quốc tế đang hoạt động tại đây nản
lòng và cảm thấy không an toàn. Kết quả dễ thấy nhất là yêu sách buộc
Việt Nam phải bảo vệ cho họ trong lúc thực hiện hợp đồng trong khi Việt
Nam không biết làm cách nào để đối phó với sự vô liêm sĩ của Trung Quốc.
Thành công này Trung Quốc không cần một viên đạn trong khi cho kẹo Việt
Nam cũng không dám bắn một phát nào về phía tàu hải cảnh của Trung
Quốc.
Bài
toán ăn vạ của Trung Quốc đã được giải mã qua tuyên bố của bà Hoa Xuân
Oánh và có lẽ chính phủ Việt Nam cũng cần một hành động dứt khoát để
đuổi người ăn vạ trước cửa nhà mình. Hành động ấy chỉ có thể là buộc
Trung Quốc im tiếng bằng một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Người
xưa nói chớ hề sai “Không thành công thì cũng thành nhân”. Chính phủ
nên chứng minh mình là người trưởng thành, tức là thành nhân, dám đối
phó với một kẻ gian manh và mạnh mẽ như Trung Quốc bằng một vụ kiện, chứ
không phải là người chỉ biết đứng phía sau bức màn mang tên Chủ nghĩa
Xã hội để biện minh cho tình hữu nghị viễn vông giữa hai đảng cộng sản
với nhau.
Khi
một chính phủ tự mình trưởng thành, dám vượt qua sợ hãi, thì không lý
gì nhân dân của chính phủ ấy lại không đồng hành để bảo vệ chính đất
nước của mình.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào