Báo chí đang lên tiếng một cách dè
dặt việc Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp duy nhất có tên trong Quyết
định số 2080/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường về việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia xây
dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Thủ tướng Phúc ngồi trên xe ô tô của Vinfast do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô của tập đoàn này. Hình minh họa. (Ảnh chụp màn hình Soha) |
Trong
quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường có ghi "nhóm chuyên gia có
trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tham gia
góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai".
Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup là người đứng thứ 8 trong danh sách nhóm chuyên gia.
Sự
dè dặt của báo chí cho rằng việc để duy nhất một doanh nghiệp chuyên
môn về bất động sản tham gia xây dựng dự án Luật đất đai là không công
bằng đối với những Tập đoàn kinh doanh bất động sản khác tại Việt Nam,
và liệu sự tham gia của chuyên gia đang làm việc cho 1 doanh nghiệp vào
tập thể soạn thảo luật có tạo ra sự can thiệp không lành mạnh của các
nhóm lợi ích vào chính sách, chủ trương có ảnh hưởng lớn về kinh tế hay
không?
Nếu
nhìn vụ việc dưới lăng kính của một chuyên gia kinh tế thì vấn đề công
bằng đối với các tập đoàn khác là không được đặt ra ở đây vì chuyên gia
Hồ Ngọc Lâm sẽ “làm thay” các tập đoàn khác khi để nghị một vấn đề gì đó
căn cứ trên lợi ích của doanh nghiệp mà bà đang làm việc, cũng là mẫu
số chung của những tập đoàn khác trong bài toán kinh doanh bất động sản,
tức kinh doanh đất đai do nhà nước quản lý.
Vậy
sự có mặt của bà Lâm có thể gây ra nghi kỵ về mưu toan tham nhũng chính
sách, tham gia đề nghị các điều khoản có lợi cho tập đoàn Vingroup
trong vấn đề đất đai mà tập đoàn này đang theo đuổi.
Tuy
nhiên nếu khách quan mà nói Vingoup không dại gì làm một chuyện lộ liễu
mà ai cũng thấy như vậy, nều muốn họ có rất nhiều cách mà không để lại
một dấu vết hay tai tiếng gì. Việc mời bà Hồ Ngọc Lâm vào ban soạn thảo
có lẽ là một vết xe cũ mà chính phủ Việt Nam đã quen đi, nhưng trên vết
xe đó chứa đầy những vi phạm về khái niệm của “Xung đột lợi ích” mà các
nước phương Tây rất xem trọng trong hệ thống pháp lý của họ.
Một
định nghĩa được sử dụng rộng rãi về xung đột lợi ích: "Xung đột lợi ích
(Conflict of Interest – COI) là tập hợp các tình huống tạo ra rủi ro
bởi phán đoán hoặc hành động chuyên nghiệp liên quan đến lợi ích chính
sẽ bị ảnh hưởng quá mức bởi lợi ích thứ cấp." Nói cách khác dễ hiểu hơn
thì “Xung đột lợi ích xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức có liên quan
đến nhiều lợi ích, một trong số lợi ích đó có thể có thể làm hại một lợi
ích khác.”
Có
một điều rất thú vị tuy Việt Nam không có luật về Xung đột lợi ích
nhưng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương
người ta có thể tìm thấy bài viết rất cụ thể về vấn đề này:
“Xung
đột lợi ích” là thuật ngữ được sử dụng quen thuộc ở nhiều quốc gia trên
thế giới nhưng còn khá mới đối với Việt Nam. Đến nay, ở Việt Nam chưa
có văn bản quy phạm pháp luật hoặc một công trình nghiên cứu toàn diện
nào đề cập đến khái niệm “xung đột lợi ích”. Do đó, nhận thức về vấn đề
này cũng còn nhiều quan điểm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, “xung đột
lợi ích” có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ
quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống mà chúng ta dễ gặp phải.
Ví dụ: Việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tuyển dụng
nhân sự mà những người thân, quen, thậm chí là vợ, con người đó lại
chính là đối tượng dự tuyển và trúng tuyển. Một người phụ trách việc mua
sắm hàng hóa cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng doanh nghiệp được chọn
thầu cung cấp hàng hóa lại thuộc sở hữu của vợ, con người đó. Hoặc một
bác sỹ khi làm việc trong bệnh viện công đã không nỗ lực khám, chữa bệnh
cho người bệnh mà lại gợi ý để người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoài giờ
tại phòng khám tư nhân mà mình làm việc...”
Tuy
nhiên do còn quá mới mẻ, những trường hợp như của bà Hồ Ngọc Lâm và
Vingroup chưa được phân tích cụ thể và vì vậy vấn đề này chuyển sang
cách nhìn tham nhũng chính sách.
Thông
qua định nghĩa từ phương Tây thì trường hợp của bà Hồ Ngọc Lâm tham gia
soạn thảo một dự thảo luật quan trọng của chính phủ mà dự thảo ấy có
liên hệ mật thiết đến vai trò bà đang giữ tại Tập đoàn Vingroup thì sự
có mặt của bà cho thấy đã vi phạm khái niệm xung đột lợi ích một cách rõ
ràng.
Để
bào chữa cho việc này ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai
cho biết danh sách chuyên gia bao giờ cũng gồm: các nhà khoa học, các
nhà lý luận, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các cán bộ lâu năm trong
ngành nhưng đã nghỉ hưu… “Chúng tôi mời như vậy để pháp luật sát với
cuộc sống, tinh thần là lắng nghe tất cả, kể cả lý luận, thực tiễn. Đặc
biệt, doanh nghiệp hiện nay người ta vướng mắc rất nhiều làm sao mình
tháo gỡ được”.
Thực
ra bà Hồ Ngọc Lâm vừa là một chuyên gia hay tạm gọi là một nhà khoa học
nhưng đồng thời bà cũng là một doanh nhân thì ai cấm bà tiếp cận vấn đề
từ góc độ lợi ích của tập đoàn mà bà đang phục vụ? Vì vậy giữa hai vai
trò mà bà đang nắm giữ đã xung đột lẫn nhau khiến mọi đề nghị, đóng góp
của bà vào Dự án luật bổ xung Đất đai trở thành lợi ích cho tập đoàn
Vingroup.
Có
lẽ vì vấn đề này quá lộ liễu và nhạy cảm nên Tập đoàn Vingroup thông
báo rằng bà Hồ Ngọc Lâm tham gia nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Đất đai với tư cách cá nhân, không báo cáo
Tập đoàn. Sau khi thấy vì cá nhân mình gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến
công ty và ban soạn thảo nên bà Lâm đã làm đơn xin rút khỏi việc này…
Luật sư Nguyễn Tiến Lập khi trả lời báo Người Đô Thị cho rằng cá nhân bà
Lâm hay Vingroup không có lỗi gì khi họ được mời làm thành viên Nhóm
chuyên gia. Bởi những câu hỏi trên, cũng như thắc mắc của dư luận là
dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách cơ quan chủ trì soạn
thảo.
Vấn
đề còn lại dành cho Chính phủ: Bộ Tài nguyên và Môi trường làm sao nhìn
thấy được sự nguy hiểm của xung đột lợi ích trong khi chưa có một văn
bản quy phạm pháp luật về vấn đề này?
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào