Trong khi Tổng thống Trump vẫn khẳng
định rằng ‘kinh tế Mỹ tốt hơn bao giờ hết’, ngày càng có dấu hiệu cho
thấy kinh tế Mỹ đang đến chỗ suy thoái. Một kinh tế gia nhận định với
VOA rằng nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài với cường độ hiện
nay thì có khả năng kinh tế Mỹ ‘sẽ rơi vào suy thoái sau hơn 12 tháng
nữa’.
Người tiêu dùng Mỹ đang mua sắm ở một trung tâm thương mại ở New York. Chi tiêu của người tiêu dùng là nhân tố chính quyết định sức khỏe của kinh tế Mỹ |
Các nhà kinh doanh lo sợ
Một
số nhà kinh tế đang kinh doanh ở Mỹ đã tỏ ra hoàn toàn lo ngại về rủi
ro của một số chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump đến nỗi họ
cho là sẽ có suy thoái ở Mỹ ở Mỹ vào cuối năm 2021.
Trong
một báo cáo được công bố hôm 19/8, 34% phần trăm các nhà kinh tế được
Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) khảo sát cho biết họ tin
rằng nền kinh tế đang chậm lại của Mỹ sẽ đi đến suy thoái vào năm 2021.
Con số này tăng lên so với chỉ 25% trong một cuộc khảo sát tương tự hồi
tháng Hai.
Cũng
đồng ý về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ, nhưng 38% số người được
vấn ý cho rằng suy thoái sẽ đến chậm hơn vào năm 2020. Chỉ có 2% cho
rằng suy thoái sẽ diễn ra ngay trong năm nay – năm 2019.
Như
vậy có đến 74%, tức gần 3/4 số người được hỏi đều tin rằng kinh tế Mỹ
sẽ suy thoái. Có điều họ không đồng nhất về thời gian sẽ diễn ra suy
thoái.
Các
kinh tế gia đã từng bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến thuế quan của ông
Trump và thâm hụt ngân sách tăng lên cuối cùng có thể làm suy giảm nền
kinh tế.
Chính
quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên hàng hóa từ nhiều đối tác thương
mại quan trọng của Hoa Kỳ - từ Trung Quốc, châu Âu cho đến Mexico và
Canada. Các quan chức chính quyền cho rằng thuế quan sẽ giúp họ đạt được
các điều khoản thương mại có lợi hơn. Nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa đạt
được nhượng bộ từ Trung Quốc trong khi các đối tác bị Mỹ đánh thuế chỉ
đơn giản trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng Mỹ.
Giao
thương giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã lao
dốc. Ông Trump đã quyết định hoãn đánh thuế khoảng 60% trong số 300 tỷ
đô la số hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc cho đến ngày 15/12 thay
vì vào đầu tháng 9.
Các
thị trường tài chính báo hiệu khả năng suy thoái của Mỹ vào tuần trước,
thêm vào mối lo ngại về căng thẳng thương mại đang diễn ra và tin tức
từ Anh và Đức rằng nền kinh tế của hai quốc gia này đang suy giảm.
Hồi
tuần trước, các chỉ dấu từ thị trường trái phiếu báo hiệu nguy cơ suy
thoái đã dẫn đến đợt báo tháo cổ phiếu lớn nhất ở Phố Wall trong năm
nay. Các chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 đều cùng giảm
khoảng 3% hôm 14/8.
Các
nhà kinh tế tham gia vào cuộc khảo sát của NABE cũng bày tỏ hoài nghi
về triển vọng thành công của vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa
Washington và Bắc Kinh. Chỉ 5% dự đoán sẽ có một thỏa thuận thương mại
toàn diện, trong khi 64% cho rằng có khả năng xảy ra thỏa thuận hời hợt,
và gần một phần tư dự báo hai nước sẽ không đạt được thỏa thuận nào cả.
Lãi suất trái phiếu đảo chiều
Mỹ
gần như chắc chắn không bị suy thoái ngay bây giờ. Nhưng nguy cơ Mỹ rơi
vào suy thoái đã tăng mạnh trong hai tuần qua, theo nhận định của New
York Times.
Tờ
báo này dẫn ra tín hiệu trên thị trường trái phiếu mà họ cho là ‘không
thể nhầm lẫn’ về nguy cơ suy thoái: lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm
của chính phủ Mỹ đã giảm mạnh kể từ cuối tháng 7.
Đây là điều mà các kinh tế gia gọi là ‘sự đảo chiều đường cong lãi suất’ (inverted bond yield curve).
Thông
thường, đường cong lãi suất sẽ đi lên dần theo thời hạn tức lãi suất
trái phiếu dài hạn luôn cao hơn với lãi suất trái phiếu ngắn hạn. Sự đảo
chiều xảy ra khi lãi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống đến mức thấp
hơn lãi suất ngắn hạn.
Sự đảo chiều lãi suất này cho thấy triển vọng tăng trưởng về dài hạn sẽ suy yếu hơn so với ngắn hạn.
Trong
vòng 50 qua, hễ mỗi lần đường cong lãi suất này đảo chiều thì y như
rằng sau đó kinh tế Mỹ suy thoái. Chỉ có một lần duy nhất tín hiệu này
dự báo sai, theo thống kê của AP.
Theo
lý giải của New York Times, thì cuộc chiến thương mại ‘lúc bật lúc tắt’
của ông Trump đã gây ra ‘bất trắc’ cho quá trình ra quyết định đầu tư
hay kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp đang giảm dần, bất chấp gói cắt giảm thuế của ông Trump,” tờ báo này viết.
“Suy
thoái này có khả năng là một dạng vết thương do tự mình cắt,” New York
Times dẫn lời ông Tara Sinclair, một nhà kinh tế tại Đại học George
Washington, nói. ‘Tuy nhiên, độ sâu của vết cắt phụ thuộc vào nhiều đặc
điểm khác của nền kinh tế và phản ứng chính sách sau đó.”
New
York Times cho rằng môi trường kinh doanh hiện không thuận lợi cho các
tập đoàn ra các kế hoạch đầu tư và thuê mướn nhân công.
“Cuộc
chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một nguyên nhân chính.
Cuộc tranh chấp đã gây khó khăn cho nhiều công ty toàn cầu trong việc
lên kế hoạch cho hoạt động của họ - và trong một số trường hợp, điều đó
có thể khiến họ ngồi nhìn hơn là đầu tư… Các công ty không biết liệu
thuế quan sẽ sớm được dỡ bỏ hay chúng sẽ tiếp tục làm tăng chi phí kinh
doanh,” tờ báo này viết.
“Tổng
thống Trump đã nói rằng chúng ta sẽ sớm có một thỏa thuận tốt với Trung
Quốc, nhưng ông ấy đã nói thế hết lần này đến lần khác trong vòng một
năm qua,” ông Phil Levy, một cựu quan chức thương mại trong chính quyền
George W. Bush, được dẫn lời nói. “Các doanh nghiệp cuối cùng bị tê
liệt. Họ phải lê kế hoạch, nhưng có rủi ro ở khắp mọi nơi, vì vậy các
doanh nghiệp phải thận trọng và ngưng đầu tư.”
Tuy
nhiên, nếu chỉ chi tiêu doanh nghiệp co cụm không thì không dẫn đến suy
thoái, nhưng nếu chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm thì sẽ gây nên
vấn đề lớn cho nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn hai phần ba
kinh tế Mỹ, so với khoảng 14% chi tiêu của các doanh nghiệp.
Cho
đến nay, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu mạnh mẽ, thúc đẩy tăng
trưởng chung. Nhưng sự nhiễu loạn trong thị trường toàn cầu có thể làm
giảm niềm tin của người tiêu dùng, và khiến người Mỹ bóp chặt hầu bao.
Cuộc khảo sát của Đại học Michigan về lòng tin của người tiêu dùng được
công bố hôm 16/8 cho thấy chỉ số này đã giảm mạnh trong tháng 8.
Bên
cạnh đó, nếu các doanh nghiệp giảm bớt đầu tư thì họ cũng có thể làm
giảm thu nhập của người tiêu dùng thông qua việc sa thải nhân công,
không thuê mướn nữa và không cho làm ngoài giờ nữa.
Ngoài
ra, còn có những rủi ro khác có thể làm cộng dồn lên những nguy cơ này,
cũng theo nhận định của tờ báo này. Trong số đó có sự tích lũy nợ của
doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã vay mượn nhiều hơn để tận dụng lãi
suất thấp. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn nếu kinh tế suy giảm
hay lãi suất tăng. Sư co cụm hoạt động vì chiến tranh thương mại có thể
gây ra một làn sóng phá sản của các doanh nghiệp.
Trump trấn an
Tuy
nhiên, cho đến nay, hầu hết các dấu hiệu kinh tế đều thể hiện vững
chắc. Các hãng xưởng đang mở thêm việc làm mới với tốc độ ổn định, tỷ lệ
thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất trong 50 năm và người tiêu dùng vẫn
rất lạc quan. Số liệu bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng nhiều nhất
trong 4 tháng.
Trong
khi đó, Tổng thống Trump và đội ngũ kinh tế của ông đang cố gắng chứng
tỏ những cảnh báo về suy giảm kinh tế không có gì nghiêm trọng, bất chấp
những tín hiệu từ thị trường trái phiếu cho thấy khả năng suy thoái sẽ
diễn ra.
Mặc
dù vậy, trong một động thái thể hiện sự lo âu về tình hinh kinh tế Mỹ,
ông Trump cũng đang kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất một
lần nữa để giúp thúc đẩy tăng trưởng.
“Tôi nghĩ Fed có thể giúp cho tôi,” ông Trump nói hôm 18/8. “Nhưng Fed không muốn giúp tôi quá nhiều.”
Tháng
trước, Fed đã cắt giảm lãi suất 0,25%. Trump đang thúc giục Fed cắt
giảm lãi suất thêm một điểm phần trăm càng sớm càng tốt.
Mới
đây nhất, Tổng thổng Trump xác nhận với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng
ông ‘đang xem xét cắt giảm thuế thu nhập cá nhân từ lương’, theo tin từ
Washington Post và Wall Street Journal.
“Thuế
lương là điều chúng tôi đang nghiên cứu và rất nhiều người muốn được
giảm thuế và điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động ở đất nước
chúng ta,” ông Trump nói trong một cuộc trao đổi với các phóng viên ở
Nhà Trắng hôm 20/8 mặc dù trước đó Nhà Trắng luôn bác bỏ thông tin này.
“Nền
kinh tế chúng ta đang rất mạnh", ông Trump viết trên Twitter hôm 19/8
và cáo buộc Đảng Dân chủ bôi xấu tình hình kinh tế để làm tăng cơ hội
của họ trong cuộc bầu cử vào năm 2020.
Một
ngày trước đó, ông Trump và cố vấn kinh tế của ông là Larry Kudlow đều
nhắc đến chi tiêu của người tiêu dùng như là dấu hiệu cho thấy sức bền
bỉ của nền kinh tế Mỹ.
“Tôi
không thấy suy thoái,” ông Kudlow nói trên chương trình ‘Meet the
Press’ của kênh NBC. “Người tiêu dùng đang làm việc với mức lương cao
hơn. Họ đang chi tiêu với tốc độ nhanh chóng.”
Chi
tiêu tiêu dùng là trụ cột chính của kinh tế Mỹ và dữ liệu từ Bộ Thương
mại tuần trước cho thấy doanh số bán lẻ vẫn vững mạnh.
Phó Tổng thống Mike Pence cũng thể hiện sự tự tin đó trong bài phát biểu hôm 19/8 Câu lạc bộ Kinh tế Detroit.”
“Bất
chấp những lời lẽ vô trách nhiệm của nhiều người trên truyền thông
chính thống, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ,” ông Pence nói. “Và triển vọng
kinh tế Mỹ vẫn mạnh.”
Căng
thẳng thương mại với Trung Quốc và các nước khác đã làm giảm sản xuất ở
Mỹ và hạn chế đầu tư kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế chậm lại từ mức
3,1% hàng năm vào đầu năm xuống còn 2,1% trong quý II.
‘Cần giải quyết sớm tranh chấp thương mại’
Trao
đổi với VOA, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy chương trình
MBA tại Keller Graduate School of Management ở Mỹ, cho rằng nếu cuộc
chiến thương mại với Trung Quốc không được giải quyết dứt điểm trong
vòng 12 tháng tới thì Mỹ sẽ ‘đối mặt với nguy cơ suy thoái cao’.
Tuy
nhiên, cho đến nay Bắc Kinh không tỏ dấu hiệu gì cho thấy họ muốn có
nhanh chóng có được thỏa thuận với Mỹ để chấm dứt cuộc chiến thương mại
và tốc độ đàm phán giữa hai bên được Mỹ đánh giá là chậm chạp.
“Nếu
chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn với cường độ này, nếu thuế quan
tăng lên 25% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ thì có đến
70-80% khả năng Mỹ sẽ rơi suy thoái sau 12 tháng nữa,” ông Lộc nói.
Theo
lời ông Lộc thì cuộc chiến thuế quan của ông Trump là ‘yếu tố rủi ro
cao nhất đối với kinh tế Mỹ’ và ‘cách tốt nhất là tìm lối thoát càng sớm
càng tốt cho cuộc chiến này’.
Tuy
nhiên, Tiến sĩ Lộc cho rằng cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát
động là cần thiết đối với Mỹ và so sánh Mỹ là ‘con bệnh cần liều thuốc
đắng (chiến tranh thương mại) để chữa bệnh’.
“Nếu
tạm thời không uống thuốc thì Mỹ sẽ mất càng nhiều cho Trung Quốc,” ông
giải thích. “Đây là liều thuốc cần phải uống nhưng vấn đề là uống bao
nhiêu và bao lâu.”
“Trung
Quốc đang nhắm vào bầu cử (Tổng thống Mỹ vào năm 2020) khi họ thấy rõ
ông Trump bắt đầu chùn bước sau khi rút lại một phần trong số 300 tỷ
hàng hóa sẽ không bị đánh thuế,” ông giải thích cho thái độ không mặn mà
đàm phán thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến của Bắc Kinh. Tuy nhiên ông
cũng cho rằng Bắc Kinh cũng ‘không muốn để chiến tranh thương mại kéo
dài mãi’ vì ‘xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm đi 12-15% trong mấy tháng
vừa rồi, nạn thất nghiệp trong mức cao và mỗi tháng nguồn vốn chảy ra
khỏi Trung Quốc mấy tỉ đô la’.
Về
khung thời gian nước Mỹ có thể suy thoái, ông Lộc cho rằng ‘ít có khả
năng’ Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 1 năm đổ lại nhưng nguy cơ sẽ cao hơn
sau đó.
“Công
ăn việc làm vẫn vững chắc, thu nhập của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu
năm nay dù thấp hơn năm ngoái 2% do cuộc chiến thuế quan nhưng vẫn ổn
định, nạn thất nghiệp thấp, tiền lãi của Mỹ dù thấp nhưng vẫn ở mức
dương trong khi tiền lãi trên toàn cầu đã xuống gần mức âm,” ông Lộc
phân tích.
“Mức
tăng trưởng GDP lúc trước dự tính là 2,5% bây giờ chỉ còn là 1,5 hay
1,7% nhưng nếu muốn xuống 0% hay tăng trưởng âm (ngưỡng bắt đầu suy
thoái) thì ít nhất cũng cần một năm nữa. Trong khi đó, chiến tranh
thương mại trong năm đầu tiên chưa có ảnh hưởng gì hết,” ông giải thích
thêm.
Khi
được hỏi về chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là trụ cột của nền kinh
tế Mỹ, tại sao vẫn mạnh mẽ bất chấp thuế quan làm giá cả hàng hóa tăng
cao, ông nói ‘người dân Mỹ trong mười mấy năm qua đã tiết kiệm nhiều hơn
trong quá khứ’ và ‘những mặt hàng bị đánh thuế các nhà nhập khẩu đã trữ
hàng từ trước’ nên vẫn còn hàng không bị đánh thuế để bán ra thị
trường.
Ông
cho rằng việc Fed giảm lãi suất không nên được diễn giải là thể hiện sự
lo ngại về sức khỏe kinh tế Mỹ mà là để ‘theo kịp với lãi suất của các
nước khác trên thế giới’.
Về
thâm hụt ngân sách do gói cắt giảm thuế mà ông Trump đưa ra hồi năm
2017, chuyên gia này cho rằng điều đó sẽ khiến cho Mỹ ‘mất khả năng tăng
chi tiêu nội địa để giúp kích thích nền kinh tế nếu suy thoái diễn ra’
Lợi
nhuận doanh nghiệp của Mỹ mặc dù bị tác động của cuộc chiến thương mại
nhưng ông Lộc cho rằng ‘đã được bù qua sớt lại’ bằng gói cắt giảm thuế
của ông Trump
“Do
chiến tranh thương mại, một số công ty phải ngưng lại không thể mở rộng
gì nữa để nghe ngóng coi như thế nào,” ông nói và dự đoán rằng trong
vòng 12 tháng nữa thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ sẽ suy giảm.
(VOA)
Không có nhận xét nào