Header Ads

  • Breaking News

    Hong Kong: Phong trào biểu tình có lãnh đạo hay không?

    Phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong được cho là không có người lãnh đạo, từ những đợt biểu tình nhỏ cho tới những cuộc xuống đường thu hút hàng triệu người, trong các tình huống hỗn loạn và bạo động, cũng như những cuộc tuần hành ôn hòa.

    Bản quyền hình ảnh Chris McGrath Image caption Người biểu tình Hong Kong chống chính phủ tập trung trên đường trước Tòa nhà Hội đồng Lập pháp hôm 18/8/2019

    Không ít người trong giới phân tích chỉ ra giới hạn của chiến thuật ''không lãnh đạo'' trong phong trào đấu tranh của người dân Hong Kong.

    Những người này cho rằng trong tình trạng không người lãnh đạo, thì không sớm thì muộn, hành động quá khích của một thiểu số cực đoan sẽ làm tổn hại uy tín chung của cả triệu người ôn hòa bày tỏ chính kiến, làm tập thể mất đi hậu thuẫn của quần chúng.

    Nhận định này không phải vô căn cớ.

    Tuy đa số các cuộc biểu tình tại Hong Kong diễn ra trong ôn hòa trật tự, tình trạng xô xát giữa người biểu tình và Hong Kong đã xảy ra ngày càng nhiều, lên đến đỉnh điểm hôm 13/8/2019, khi sân bay quốc tế Hong Kong bị các cuộc biểu tình lớn làm tê liệt, phải đóng cửa hai ngày liên tiếp.

    Sau khi chính quyền giới hạn sinh hoạt của giới biểu tình và sân bay Hong Kong được mở cửa lại hôm 14/8, sự bế tắc trầm trọng làm thế giới nín thở theo dõi, nhất là khi người biểu tình không có dấu hiệu nao núng trước việc Trung Quốc rầm rộ đưa quân tới biên giới Hong Kong, động thái được cho là chuẩn bị thẳng tay đàn áp của Bắc Kinh.

    Hôm Chủ Nhật 18/8, khi mặc cho cho mưa to gió lớn, bất chấp không được phép, hơn 1,7 triệu người Hong Kong, con số do các nhà tổ chức đưa ra, xuống đường trong ôn hòa không có đụng độ nào, thì cả Hong Kong thở phào nhẹ nhõm.

    Câu hỏi được đặt ra là, vẫn trong khuôn khổ hoạt động ''không lãnh đạo'' ấy, ai đã làm gì, và làm thế nào để đột nhiên kêu gọi tất cả những người biểu tình cực đoan trước đây ứng xử khác đi, tránh được những đụng độ căng thẳng?

    Tôi tình cờ nhận được một tài liệu Google Doc do kênh trên ứng dụng chat Telegram có tên 'Kwan Kung Temple - Hongkongers' Press Room' (Phòng tin Đền Quan Công của người Hong Kong) gửi đến.

    Cánh cửa dẫn vào những ngóc ngách của giới hoạt động Hong Kong bỗng từ từ hé mở.

    Nơi chia sẻ tin (chat room) trên Telegram

    Tài liệu này là thời khóa biểu của các sự kiện chống luật dẫn độ được lên lịch từ giờ cho đến hết tháng Chín, do các tình nguyện viên của kênh này thiết lập và phổ biến.

    Tài liệu cũng có phần ghi chép tỉ mỉ kết quả những cuộc biểu tình trong quá khứ, kể từ khi phong trào chống dự luật dẫn độ bùng nổ vào đầu tháng Sáu.

    Thời khóa biểu cho thấy phong trào đấu tranh của Hong Kong được nhiều thành phần trong xã hội tham gia việc đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng năm yêu cầu căn bản mà người dân đã đưa ra từ hơn hai tháng nay.

    Sau đây là vài ví dụ trích thời khóa biểu của 'chat room' này:

    Thứ Tư 21/8: Sinh hoạt của MTR Non-Cooperation Movement, kêu gọi sự đình công của nhân viên tàu điện ngầm MRT, với lưu ‎ý: ''Nếu chính quyền không đáp ứng trước ngày 2/9, nhóm tổ chức sẽ kêu gọi đình công mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày.''

    Thứ Năm 22/8: Cuộc biểu tình Hong Kong Secondary School Students, kêu gọi tham dự của học sinh, với lưu ‎ý: ''không cần mặc đồng phục nhưng ban tổ chức khuyên mọi người nên đeo mặt nạ''.

    Thứ Sáu, 23/8, 12 giờ trưa: Cuộc xuống đường ''Demonstration of the Accountants'' của giới kế toán, với lưu ý: ''Cảnh sát đã được thông báo theo luật định.''

    Thứ Sáu, 23/8, 7 giờ tối: Cuộc biểu tình Rally of the Christians của các tín đồ Thiên Chúa Giáo, với lưu ‎ý: 'Đang chờ kết quả giấy xin phép''.

    Và còn nhiều cuộc biểu tình khác nữa đã được lên lịch trước cả một tháng.

    Sau khi hoàn tất vài thủ tục chứng thực mình là nhà báo, tôi được tiếp xúc với một tình nguyện viên của Kwan Kung Temple Hongkongers' Press Room, qua một tài khoản Telegram riêng của người này.

    Tự giới thiệu tên là Qwan, tình nguyện viên trên cho biết Kwan Kung Temple Hongkongers' Press Room mới được nhóm thiết kế hôm 5/8 và khởi động một ngày sau đó.

    "Chúng tôi muốn phổ biến tin về phong trào biểu tình Hong Kong một cách đa dạng và chính xác, và dịch ra Anh ngữ các thông cáo báo chí, để cung cấp cho các cơ quan truyền thông địa phương và quốc tế.'' Qwan nói, và giải thích thêm:

    ''Nhóm tụi tôi khoảng 100 người thay nhau làm việc ngày đêm. Ngoài cung cấp tin, tụi tôi còn giúp các phóng viên báo chí tìm đối tượng phỏng vấn qua những ''virtual rooms'' [phòng ảo]. Nếu bạn có nhu cầu phỏng vấn gì, cứ gửi vào chat room một yêu cầu, chúng tôi sẽ qua mạng lưới của phong trào tìm đối tượng đáp ứng nhu cầu của quý vị."

    Tuy mới thiết lập được hơn hai tuần, đến sáng ngày 22/8, Kwan Kung Temple Hongkongers' Press Room đã có được 5,614 người ghi danh tham gia và hơn 90 yêu cầu phỏng vấn.

    Yêu cầu phỏng vấn số IR 084 viết:

    ''Cơ quan truyền thông quốc tế, cần phỏng vấn những người tham dự biểu tình trong vai trò hậu cần. Muốn tìm hiểu cụ thể công việc hỗ trợ biểu tình của họ như vận chuyển công cụ, thiết kế poster, cũng như đánh giá của họ về tương lai của phong trào. Hình thức phỏng vấn: Video. Có thể đeo mặt nạ và dùng tên giả. Xin liên lạc…''

    Yêu cầu phỏng vấn số IR 087 viết:

    ''Cần tiếp xúc và phỏng vấn nhiều người Hong Kong từng tham dự biểu tình, ít nhất là từ ngày 9/6, và đã tham dự những cuộc xuống đường then chốt từ đó đến nay, cũng như dự tính sẽ tiếp tục biểu tình. Chúng tôi muốn làm một phim tài liệu dài 60 phút có tiềm năng tạo ảnh hưởng quốc tếvề Hong Kong. Cần người tham dự biểu tình nam và nữ đứng ở chiến tuyến, người biểu tình ôn hòa, và học sinh biểu tình. Chúng tôi sẽ tiếp xúc đối tượng qua phôn trước, rồi sau đó qua Telegram hay WhatsApp. Có thể ẩn danh hay không, tùy trường hợp.''

    Được hỏi phòng tin Kwan Kung Temple có cho người Trung Quốc đại lục vào tham gia không, Qwan trả lời: ''Có chứ, chúng tôi không kỳ thị bất cứ ai, đây là một phòng tin mở, đây là Hong Kong, chứ không phải đại lục.''

    Từ kênh 'Kwan Kung Temple - Hongkongers' Press Room' tôi liên lạc được với một tình nguyện viên xưng tên là England Hermit, thuộc phòng tin 'Hong Kong Protest Press Liason Group', và vào đó xem sinh hoạt của họ.

    'Hong Kong Protest Press Liason Group' có quy trình đòi hỏi nhà báo phải chứng minh thân thế kỹ hơn, và đặc biệt chỉ phục vụ cho giới báo chí.

    Tại đây các phóng viên, đa số từ nước ngoài, có thể yêu cầu được giúp đỡ, như nhờ tìm thêm hay kiểm chứng thông tin, giải đáp thắc mắc, hay hỏi cách liên lạc với các tổ chức hoặc đối tượng phỏng vấn, thậm chí những cơ quan hay cơ sở địa phương.

    Một nhóm khoảng 25 tình nguyện viên thay phiên nhau phục vụ trên 100 nhà báo đã ghi danh tham gia. Mọi yêu cầu đều được phòng tin cố gắng đáp ứng, miễn là yêu cầu nhắm vào mục đích tường trình về hoạt động của phong trào.

    England Hermit cho biết tình trạng biểu tình kéo dài đã khiến ngày càng có nhiều nhóm tương tự như thế mọc lên:

    ''Những nhóm như thế này đều sinh hoạt tự túc, nhờ vào các tình nguyện viên, mỗi nhóm tập trung vào những gì họ có thể làm tốt nhất để hỗ trợ toàn bộ phong trào.''

    Theo England Hermit, phòng tin Hong Kong Protest Press Liason Group trước đó có tên 'General Strike Press Liason Group', được thiết lập vào đầu tháng Tám, với mục đích kêu gọi mọi người tham gia cuộc tổng đình công ngày 5/8. Nhưng sau ngày đình công, đã đổi tên vì muốn tiếp tục hỗ trợ phong trào đấu tranh có viễn cảnh sẽ còn kéo dài.

    Diễn đàn LIHKG (連登)

    Nhắc đến cuộc đình công thu hút hàng chục ngàn công nhân viên thuộc đủ mọi ngành hôm 5/8, thì không thể không nhắc đến Diễn đàn LIHKG (連登).

    ''Nghỉ làm, bạn có thể mất việc, nhưng nếu không nghỉ làm, bạn sẽ mất Hong Kong và mất quê nhà! Tự do không tự nhiên mà có, tôi năn nỉ các bạn, hãy cùng nhau đòi lại Hong Kong!''

    Đó là lời kêu gọi đình công được một thành viên đăng trên diễn đàn LIHKG, công cụ chính của phong trào đấu tranh 'không lãnh đạo' của người biểu tình, khoảng một tuần trước ngày đình công.

    Lời kêu gọi này nhanh chóng được 11,000 người bỏ phiếu đồng thuận, và nhờ đó giữ được vị trí ở trang đầu của diễn đàn, tiếp tục lôi cuốn sự chú ý.

    Kết quả là hôm 5/8 Hong Kong xảy ra cuộc tổng đình công khiến thành phố hoàn toàn tê liệt, lần đầu tiên trong vòng 50 năm.

    Ra mắt năm 2016 và thường được gọi là phiên bản Reddit của Hong Kong, LIHKG là một diễn đàn đa thể loại, hoạt động bằng tiếng Trung phồn thể.

    LIHKG được ưa chuộng vì diễn đàn này là nơi ẩn náu an toàn cho những người dân Hong Kong không dám ra mặt chống chính quyền, nhưng vẫn muốn tham gia đấu tranh và hoạt động chính trị.

    Với hơn 300,000 người ghi danh tham dự (con số này gia tăng hàng giờ), LIHKG là nơi những cuộc thảo luận về bước kế tiếp của phong trào biểu tình liên tục diễn ra. Tại đây, thành viên đưa ra đề nghị hoặc chủ đề cần bàn thảo. Mọi đề nghị sẽ được bỏ phiếu đồng thuận (upvote) hoặc chống (downvote) bởi các thành viên khác.

    Đề nghị hay nhất, hay chính xác hơn, được nhiều phiếu đồng huận nhất, sẽ xuất hiện trên trang đầu của diễn đàn, và có triển vọng trở thành bước đi kế tiếp của phong trào.

    Từ diễn đàn chính này, chương trình hành động sẽ tràn qua các nền tảng khác như những phòng tin trên Telegram nói trên, hoặc trên Facebook, và Instagram v.v… và từng nhóm tình nguyện viên sẽ đóng góp công sức theo khả năng của họ.

    Trở lại với câu hỏi ai đã làm gì và làm thế nào mà sau nhiều tuần xung đột đã khiến cho cuộc diễn hành 1,7 triệu người bỗng nhiên diễn ra hết sức ôn hòa hôm 18/8, câu trả lời là quyết định tập thể đó đến từ diễn đàn LIHKG.

    Hai tình nguyện viên Qwan và England Hermit, cùng là thành viên của diễn đàn LIHKG như đa số thành viên các nhóm nhỏ khác, cho tôi biết họ chứng kiến những cuộc thảo luận trong diễn đàn này LIHKG về các sự kiện xảy ra tuần lễ trước đó.

    ''Đa số thành viên đồng ý là việc chiếm giữ sân bay đã vượt quá ranh giới của một cuộc biểu tình bất bạo động, ngay cả trong mắt của truyền thông ngoại quốc, giới sẵn có thiện cảm với mục tiêu của phong trào.'' England Hermit kể lại.

    Trong khi đó, Qwan cho biết ngay sau những cuộc thảo luận, một bản văn được phổ biến trong diễn đàn vào rạng sáng thứ Tư, vài giờ sau khi sân bay bị đóng cửa thêm một ngày nữa.

    ''Chúng ta phải thừa nhận hành động của nhóm tại sân bay quốc tế Hong Kong tối hôm trước là quá bốc đồng. Chúng ta phải quyết tâm dũng cảm đối mặt với những sai sót của mình. Chúng ta phải chân thành xin lỗi những người dân đã luôn ủng hộ phong trào,'' văn bản viết.

    Và thế là ngay trong ngày hôm sau, nhiều thanh niên thiếu nữ đã mang những áp phích và tờ rơi xin lỗi hành khách và người dân Hong Kong nói chung đến rải ở một góc của sân bay, cũng như phổ biến những áp phích này trên mạng lưới internet.

    Và cứ thế phong trào đấu tranh 'không lãnh đạo' tiếp tục hoạt động.

    Những nhóm hỗ trợ khác

    Ngoài diễn đàn LIHKG và những phòng tin trên Telegram, phong trào đấu tranh của người dân Hong Kong còn được nhiều nhóm hỗ trợ khác tiếp tay.

    ''Mọi thứ đều rất hữu cơ. Bất cứ ai cũng có thể thiết lập ra một hai nhóm để làm bất cứ điều gì vào bất cứ lúc nào, tùy theo khả năng hay sở thích, để hỗ trợ mục đích chung. Tụi tôi không cần phải xin phép ai hoặc đăng ký ở bất cứ đâu. Mấy đứa bạn tôi cũng hoạt động trên Telegram, nhưng chúng thuộc nhóm thiết kế áp phích.'' Qwan kể.

    Một trong những nhóm thiết kế Qwan nói đến có tên 'Anti-Extradition Promo Channel' tụ họp những người chuyên thiết kế áp phích, tờ rơi, hay infographics, bằng nhiều thứ tiếng, để cổ động phong trào, giúp quần chúng hiểu rõ mục đích đấu tranh của người dân Hong Kong, hay tố cáo những hành động họ cho là phạm luật của chính quyền Hong Kong và chính quyền Bắc Kinh.

    Nhóm Fight for Freedom - Stand with Hong Kong, trong khi đó, hoạt động qua nhiều nền tảng khác nhau gồm Facebook, Twitter và website riêng, là nhóm chuyên viết và thiết kế các trang quảng cáo cho phong trào.

    Khởi đầu từ việc soạn tài liệu, thiết kế website và áp phích để vận động sự ủng hộ của người dân Anh Quốc, cũng như thúc đẩy chính phủ Anh áp lực Trung Quốc phải thực hiện các lời hứa và bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong theo Tuyên Bố Chung ký năm 1984, nhóm dần dà đảm nhận việc soạn và thiết kế các trang quảng cáo cho phong trào bằng nhiều ngôn ngữ, để đăng trên các tờ báo lớn quốc tế.



    Bản quyền hình ảnh Stand with Hong Kong Image caption Quảng cáo do đăng trên tờ Global and Mail kêu gọi mọi người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu sự hỗ trợ của chính phủ Anh do nhóm Stand with Hong Kong thiết kế Bản quyền hình ảnh Stand with Hong Kong Image caption Quảng cáo đăng trên tờ New York Times kêu gọi dân Mỹ yêu cầu dân biểu của mình ủng hộ dự luật Hong Kong Human Rights and Democracy Acts of 2019, do nhóm Stand with Hong Kong thiết kế

    Fight for Freedom - Stand with Hong Kong hoạt động chặt chẽ với nhóm chuyên gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding) để có tiền chi trả chi phí quảng cáo, với cuộc vận động gần đây nhất thu được hơn hai triệu đôla chỉ trong vài giờ.

    Theo trang Facebook của Fight for Freedom - Stand with Hong Kong, sáng hôm 19/8 một lá thư ngỏ do nhóm soạn và thiết kế đã được đăng tải cùng một lúc trên 11 tờ báo lớn trên thế giới, với thông điệp chung, nhưng lời kêu gọi được điều chỉnh để thích hợp với từng đối tượng độc giả.

    Nhóm 全民罷買日 Bye Buy Day HK, với hơn 1000 thành viên và khoảng 50 tình nguyện viên, chủ trương kêu gọi người Hong Kong không tiêu tiền trong hai ngày thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần, với mục đích dần dà tạo áp lực kinh tế lên chính quyền, cũng tạo cơ hội an toàn nhất và tiết kiệm nhất cho những người ủng hộ phong trào không thể hay ngại không tham dự biểu tình.

    Một đại diện dấu tên của nhóm nói với BBC:

    ''Nếu người tiêu dùng có thể được trao quyền bày tỏ ý kiến chính trị của họ với chính phủ qua việc tiêu dùng có chủ ý, chính phủ sẽ cảm thấy áp lực phải đáp ứng nhu cầu của họ. Xét cho cùng, mọi chính phủ đều quan tâm đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, với Hong Kong đặc biệt quan tâm đến doanh số bán lẻ, du lịch và giá bất động sản, và việc người dân bớt mua bán dần dà sẽ ảnh hưởng kinh tế''.

    "Mặt khác, chúng tôi cũng khuyến khích người tiêu dùng khi cần mua sắm thì nên ủng hộ những cửa hàng nhỏ tại địa phương, thay vì mua hàng của những hệ thống buôn bán lớn, thường có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh,'' người đại diện nói thêm.Và còn nhiều những nhóm khác cung ứng những gì cần thiết để hỗ trợ phong trào.

    Lợi thế và nguy cơ

    Có lẽ không có phương cách đấu tranh nào là hoàn hảo, nhưng chủ trương 'không lãnh đạo' mang lại một số lợi thế nhất định.

    Trước hết, mô hình 'không lãnh đạo' giúp phong trào không bị tàn lụi khi một vài lãnh đạo bị bắt.

    Vào thời điểm cuộc diễn hành 2 triệu người hôm 16/6, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hơn 100 người. Cho đến nay, khoảng 750 người biểu tình đã bị bắt, nhưng phong trào vẫn hoạt động mạnh, vì không đóng góp của riêng cá nhân nào là then chốt .

    Thứ hai, việc trưng cầu dân ý qua các diễn đàn giúp những ý kiến hay được ủng hộ và thực hiện, khiến phong trào không chỉ tận dụng được trí não của một vài người, mà trí não của cả một tập thể.

    Về điểm này, cụm từ 'không lãnh đạo' chưa chắc đã mô tả đúng phương cách đấu tranh của họ, mà có lẽ phải nói đây là phong trào có một mạng lưới nhiều nhà lãnh đạo tản quyền mới chính xác hơn.

    Lịch sử cho thấy các phong trào đấu tranh bền vững trên thế giới thường có một mạng lưới kết hợp rất nhiều nhóm nhỏ và nhiều tầng lớp lãnh đạo, như thế lãnh đạo của của các nhóm chỉ được giới hoạt động biết đến, và không dễ bị chính quyền điểm mặt.

    Thứ ba, mô hình 'không lãnh đạo' tước đi nhiều quyền lực của giới cầm quyền, khiến cho họ khó đối phó hơn, vì đơn giản là không thể điểm mặt, bắt bớ hay giam cầm tất cả mọi người.

    Sở dĩ Hong Kong đã có thể huy động một lúc hai triệu người xuống đường như hôm 16/6 và 1,7 triệu người hôm 18/8 (theo con số của các nhà tổ chức), không phải vì phong trào không có lãnh đạo, mà vì phong trào là một tập thể có nhiều lãnh đạo tản quyền, trong đó có Mặt trận Nhân quyền Dân sự (gồm 50 nhóm khác nhau), các Đoàn thể Sinh viên Học sinh, công đoàn Lao động, Công đoàn Sinh viên, Công đoàn Lao động, Hội các bà mẹ, và hàng trăm những nhóm sinh hoạt trên các nền tảng truyền thông xã hội nói trên.

    Người biểu tình Hong Kong cho đến nay đã thành công vì mô thức lãnh đạo tản quyền khiến mọi người tham gia đều được trao quyền.

    Họ không chỉ đi biểu tình, mà còn tùy theo sở trường và hoàn cảnh, phối hợp nỗ lực để cung ứng những thứ cần thiết, như ô dù, mặt nạ, thực phẩm, nước uống, rào chắn, cung cấp thông tin về các nguy cơ như sự hiện diện của cảnh sát, dịch vụ tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, cố vấn tâm lý, giao tiếp v.v...

    Quan trọng hơn, họ thành công vì có một mục đích chung, đi kèm với hấu hiểu sâu sắc về tinh thần dân chủ, biết tôn trọng sự khác biệt, không đả kích nhau, ngay cả khi có những khuynh hướng đấu tranh khác biệt, nhờ thế tránh được chia rẽ khiến phong trào bị suy yếu.

    Đương nhiên, nguy cơ lúc nào cũng rình rập một phong trào 'không lãnh đạo' vẫn là luôn luôn phải đối diện với một tình huống khó khăn do một thiểu số quá khích hoạt động tùy hứng gây ra, và tình hình có thể chuyển từ ôn hòa qua bạo động trong vài tích tắc.

    Trong trường hợp đó, thái độ đặt mục đích chung lên hết, và đồng lòng điều chỉnh kịp thời như chúng ta đã thấy cách đây hơn một tuần là điều tối quan trọng.

    Chưa biết phương thức đấu tranh 'không lãnh đạo' cuối cùng có giúp người biểu tình Hong Kong đạt được kết quả mong muốn không, nhưng có lẽ ngày nào mọi người còn chia sẻ một một mục đích chung, thì ngày đó phong trào còn có thể tồn tạ

    Tina Hà Giang

    bbcvietnamese.com

    Không có nhận xét nào