Căng thẳng Bãi Tư Chính giữa Việt Nam
và Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 tháng và dường như vẫn chưa có dấu hiệu
giảm bớt khi những thông tin từ nhiều nguồn cho thấy Trung Quốc đã điều
hàng chục tàu bao gồm Hải cảnh, tàu dân binh đi cùng tàu khảo sát Hải
Dương 8 có mặt liên tục ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bãi Tư Chính |
Thông
tin mới nhất được Giáo sư Carl Thayer thuộc Trường Đại học New South
Wales, đưa trên Twitter hôm 3 tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã điều 35 tàu
các loại vào vùng biển Việt Nam, trong này có những tàu trang bị vũ khí
hạng nặng. Lúc đỉnh điểm số tàu lên đến 80 chiếc.
Trước
đó, hôm 30/7, truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin ngoại giao khác nhau
cho biết phía Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về những căng thẳng ở Bãi
Tư Chính và xác nhận đã có khoảng 35 tàu Trung Quốc có mặt ở khu vực
này. Đây cũng là khu vực gần những lô dầu khí mà Việt Nam đã cho Ấn Độ
khai thác.
Theo
các thông tin đã được nhiều nguồn xác định, vào tháng 5 vừa qua, công
ty Rosneft của Nga đã ký hợp đồng với một công ty Nhật Bản để giàn khoan
Hakuryu 5 tiến hành khoan ở lô 06.1 ở bể Nam Côn Sơn. Hai tàu hậu cần
của Việt Nam thường xuyên đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06.1 để cung cấp
hậu cần cho giàn khoan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cho biết từ tháng 5, Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam không được khoan dầu.
Trung
Quốc coi toàn bộ vùng nước và các thực thể nằm trong đường đứt khúc 9
đoạn mà nước này vẽ ra ở Biển Đông thuộc ‘vùng nước lịch sử’ của Trung
Quốc. Bãi Tư Chính với lô 06.1 nằm trong khu vực này, dù bãi này hoàn
toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam căn cứ theo Công ước
về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Theo
Trang Minh Bạch Hàng Hải, từ ngày 16/6, tàu Hải cảnh Haijing 35111 đã
đi vào gần khu vực lô 06.1 nằm ở phía tây bắc Bãi Tư Chính. Tàu này luôn
đi gần các tàu hậu cần của Việt Nam nhằm đe dọa các tàu này. Ngày 2/7,
tàu 35111 thậm chí đi với tốc độ nhanh và chỉ cách các tàu hậu cần của
Việt Nam khoảng 100 mét mỗi tàu.
Ngày
3/7, Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 được hộ tống bởi 4 tàu Hải Cảnh và
một tàu dân binh, trong đó có tàu Hải cảnh 3901 là tàu hạng nặng cỡ
12.000 tấn. Đối mặt với các tàu Trung Quốc chỉ có 4 tàu Cảnh sát biển
của Việt Nam.
Theo
giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc gia tăng sức ép với Việt Nam lần
này tại Bãi Tư Chính cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn những đòi hỏi
về chủ quyền của nước này đối với Việt Nam sau khi Hà Nội nhân nhượng
chức sức ép của Trung Quốc vào các năm 2017 và 2018.
Tháng
7/207 Việt Nam đã phải dừng khoan thăm dò ở lô 136/03, và vào tháng
3/2018 Việt Nam cũng dừng thăm dò ở lô 07/03. Tất cả đều do sức ép của
Trung Quốc.
Trong
bài phân tích hôm 1 tháng 8, giáo sư Carl Thayer viết: “Những hành động
của Trung Quốc trong 3 năm qua cho thấy hai mục tiêu chính của Bắc
Kinh. Mục tiêu thứ nhất là thiết lập sự bá quyền của Trung Quốc đối với
việc khai thác nguồn tài nguyên biển (bao gồm dầu và khí) ở khu vực nằm
trong vùng đứt khúc 9 đoạn. Trung Quốc vì vậy làm gián đoạn các hoạt
động của các nước ven biển và gây sức ép lên các quốc gia này để bắt họ
phải tham gia khai thác phát triển chung cùng Trung Quốc.
Mục
tiêu thứ hai của Trung Quốc là loại bỏ các cường quốc bên ngoài khu vực
tham gia vào việc khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Đây là bằng
chứng từ việc Trung Quốc đệ trình bản thảo để thảo luận Bộ Quy tắc về
ứng xử giữa các bên trên Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc phê duyệt
vào tháng 8 năm ngoái. Trung Quốc đề nghị rằng việc hợp tác kinh tế biển
chỉ được thực hiện giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển, và không
được thực hiện bởi các công ty bên ngoài khu vực.”
Nhiều lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam hiện là liên doanh với các nước khác không phải Trung Quốc, như Ấn Độ, Nga, và Mỹ.
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 1 tháng 8 khẳng định những hoạt động
của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí của nước
này ở Việt Nam.
Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20 tháng 7 cũng lên tiếng kêu gọi
Trung Quốc phải dừng ngay các hành động bắt nạt ở khu vực Biển Đông.
(RFA)
Không có nhận xét nào