Hình minh họa |
Từ
tháng 5/2019 đến tháng 8/2019, với một sự leo thang lấn lướt kép, Trung
Quốc vừa điều tàu cảnh sát biển Hải Cảnh 35111 uy hiếp các tàu tiếp tế
giàn khoan hoạt động tại mỏ Lan Đỏ trong Lô 06-01, vừa điều tàu Hải
Dương Địa Chất 8, với một đội tàu hộ tống hùng hậu đến khảo sát các lô
130, 131, 132, 133, 154, 155, 156 và 157 trên một diện tích 31.000 km²
trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Công
ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) không cho phép đơn phương khảo sát tài
nguyên hay nghiên cứu khoa học biển trong EEZ của nước khác.
Việc
báo chí nhấn mạnh tên "Bãi Tư Chính" đã không thể hiện hết mức độ của
sự xâm lấn mới này. Thật ra, mỏ Lan Đỏ nằm trong bồn Nam Côn Sơn, gần bờ
hơn Bãi Tư Chính, cạnh mỏ Lan Tây, vốn là nguồn cung cấp 30% khí đốt
của Việt Nam từ năm 2003. Và thật ra sáu trong tám lô bị đội tàu Hải
Dương Địa Chất 8 vi phạm, các lô 130, 131, 132, 154, 155 và 156 đều nằm
phía bắc Bãi Tư Chính, với lô 130 chỉ cách đất liền Việt Nam khoảng 80
hải lý và đảo Phú Quý khoảng 37 hải lý.
Năm
2017 và 2018 Trung Quốc đã gây áp lực khiến Việt Nam phải ngưng Repsol
hoạt động trong các lô 07-03 và 136-03 gần đó, và năm 2012, để trả đũa
việc Việt Nam ban hành luật biển, Trung Quốc đã rao thầu cho 160.000 km²
trong EEZ của Việt Nam, trong đó có các lô 130, 131, 132, 133, 154,
155, 156 và 157, mà họ gọi là RJ03 và RJ27. Dĩ nhiên động thái mới của
Trung Quốc là những bước tiến trong một quá trình có chủ đích và sẽ
không phải là những bước cuối cùng.
Ngày
xưa, Trần Hưng Đạo thấy "sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn
tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh
rẻ tổ phụ; ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham
khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của
kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai
họa về sau", làm ông "thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau
như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan,
uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta
bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm."
Ngày
nay, Việt Nam lại đứng trước tình trạng "hổ đói, tránh sao khỏi tai họa
về sau" và Bắc Kinh lại uốn tấc lưỡi bảo Việt Nam phải "ứng xử cho
đúng", "tôn trọng chủ quyền Trung Quốc" và "đừng làm phức tạp tình
hình".
Chúng
ta không sánh được với người hùng anh xưa, nhưng may mắn được sống
trong một thế giới có những biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền lợi của
đất nước. Nếu bỏ phí cả những biện pháp đó thì "chẳng khác nào quay mũi
giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc... há còn mặt mũi
nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?"
Cơ chế giải quyết tranh chấp UNCLOS
Bài
viết này sẽ cố gắng, qua các câu hỏi và trả lời, cung cấp thông tin về
một trong những biện pháp văn minh nhất, bình đẳng nhất, với nó chí nhân
có thể thay cường bạo như Nguyễn Trãi đã viết. Đó là kiện Trung Quốc.
1. Kiện Trung Quốc về điều gì?
Việt Nam cần kiện Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
2. Nếu Trung Quốc không chấp nhận ra tòa?
UNCLOS,
trong Phần XV và các Phụ lục liên quan, quy định về một cơ chế giải
quyết tranh chấp bắt buộc cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt
Nam và Trung Quốc. Cơ chế này cho phép các thành viên kiện nhau về các
tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Công Ước, trong đó có
tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Với
cơ chế này, dù Trung Quốc không chấp nhận ra tòa cũng không ngăn cản
được vụ kiện. Trung Quốc cố ý không giải quyết tranh chấp một cách công
bằng, và mục đích của cơ chế này chính là để cho các thành viên UNCLOS
có thể thoát khỏi những sự cố ý tồi tệ như thế.
Tuy
cơ chế này cần hội tụ đủ một số điều kiện và có một số hạn chế, thí dụ
như trong Điều 297 và 298, việc vụ kiện Phi-Trung 2013-2016 được thụ lý
cho thấy khả năng là nếu Việt Nam kiện và Trung Quốc không chấp nhận ra
tòa thì tòa cũng sẽ thụ lý.
3. Sao không kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa?
Bản chất của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa là tranh chấp chủ quyền, không phải là diễn giải và áp dụng UNCLOS.
Cơ
chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS không bao gồm những tranh
chấp mà bản chất là tranh chấp chủ quyền. Tòa án Công lý Quốc tế cũng
không có thẩm quyền để xử tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi mọi
bên trong tranh chấp đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa bằng một trong
những hình thức trong Điều 36 và 37 của Quy chế của Tòa, và hiện nay
điều kiện đó chưa được đáp ứng.
4. Tòa nào sẽ xử?
Điều
287 của UNCLOS cho phép các bên trong tranh chấp tuyên bố chọn phương
tiện phân xử, thí dụ như Tòa án Công lý Quốc tế hay Tòa Trọng tài Quốc
tế về Luật Biển (ITLOS), nhưng phương cách mặc định là một Hội đồng
Trọng tài (HĐTT) lâm-cấp thời (ad hoc) được thiết lập theo Phụ lục VII
của UNCLOS.
Hội
đồng bao gồm năm trọng tài: mỗi bên được chọn một và các bên cùng nhau
chọn số còn lại. Nếu không đủ năm trọng tài vì các bên không đồng ý với
nhau, hay có bên không chọn, thì Chủ tịch Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật
Biển sẽ chọn. Chính một HĐTT như thế đã phân xử vụ kiện Phi-Trung
Philippines chọn một trọng tài, nhưng Trung Quốc không tham gia, và Chủ
tịch ITLOS Shunji Yanai chọn bốn trọng tài còn lại.
5. Hội đồng Trọng tài không phải là Tòa án Công lý Quốc tế, phán quyết của họ có ý nghĩa gì không?
Phán
quyết của HĐTT được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS hoàn toàn có
tính ràng buộc giữa các quốc gia trong vụ kiện, đối với các quốc gia này
thì không khác gì Tòa án Công lý Quốc tế đã xử. Thí dụ, phán quyết 2016
có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc, dù Trung Quốc không
công nhận.
Tuy nhiên, phán quyết đó không có tính ràng buộc giữa các quốc gia đó và các bên thứ ba.
6. Phán quyết 2016 đã bác bỏ Đường Chữ U rồi, kiện nữa làm gì?
Phán
quyết đó chỉ có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc. Nếu Việt
Nam muốn có một phán quyết có tính ràng buộc giữa mình và Trung Quốc,
Việt Nam phải kiện Trung Quốc.
Lợi ích và khả năng thắng
7. Kiện có ích gì khi Trung Quốc sẽ không tuân thủ?
Chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự nguyện tuân thủ phán quyết, cũng như họ đã không tuân thủ phán quyết 2016 về vụ kiện Phi-Trung.
Nhưng
một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, sẽ vô cùng hữu
ích trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Các nước khác, đặc biệt
là Mỹ, có thể ủng hộ Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, không thể
bị cho là thiên vị một bên trong tranh chấp và sự ủng hộ của họ sẽ có
nhiều trọng lượng hơn.
Trung
Quốc sẽ không thể ngụy biện rằng họ đang giải quyết và quản lý tranh
chấp với các nước nhỏ một cách tốt đẹp, các nước ngoài khu vực không nên
xen vào. Các nước khác có thể lên tiếng bảo vệ các công ty dầu khí của
họ khi các công ty này làm việc với Việt Nam, Trung Quốc không thể yêu
cầu họ rút ra khỏi "vùng tranh chấp".
Nếu
trong tương lai Việt Nam phải đưa tranh chấp ra LHQ, vì chắc chắn là
Trung Quốc sẽ leo thang lấn lướt, nếu có trong tay một phán quyết xác
nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, Việt Nam sẽ được nhiều phiếu ủng hộ
hơn.
Ngoài
ra, phán quyết của HĐTT UNCLOS sẽ xứng đáng với chính nghĩa của Việt
Nam hơn là cử người phát ngôn BNG, thậm chí cử ngoại trưởng, ra lặn ngụp
trong cù nhầy với các tương nhiệm Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh càng
ngày càng lấn tới.
Trung Quốc khảo sát và uy hiếp bên trong EEZ 200 hải lý của Việt Nam |
8. Lập luận của Việt Nam sẽ là gì?
Lập luận của Việt Nam có thể là:
- Các lô 05, 06, 07, 130, 131, 132, 133, 154, 155, 156, 157 và một phần của bãi Tư Chính nằm trong EEZ tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam.
- Phần còn lại của bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam.
- Các khu vực này nằm dưới mặt nước, do đó không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Bất cứ nước nào, tối đa cũng chỉ có các loại quyền chủ quyền và quyền tài phán (khác với chủ quyền) dựa trên nguyên tắc đất thống trị biển và UNCLOS.
- Các khu vực này không thể nằm trong EEZ hay thềm lục địa của bất cứ đảo nào đang bị tranh chấp (tức là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa). (Lý do là theo Điều 121(3) UNCLOS không đảo nào được hưởng quy chế vùng EEZ hay thềm lục địa, như HĐTT 2016 đã khẳng định).
- Trung Quốc không thể có quyền lịch sử đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam. (Lưu ý HĐTT 2016 đã khẳng định rằngTrung Quốc vừa không hề có quyền lịch sử đối với vùng biển và đáy biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý, vừa không thể bắt cá hai tay, một mặt thì đòi tự do tiền-UNCLOS trong việc họ khai thác bên trong EEZ của các nước khác, một mặt thì không chấp nhận tự do tự do tiền-UNCLOS của các nước khác khai thác bên trong EEZ của họ. Việc phê chuẩn UNCLOS có nghĩa phải bỏ cả hai sự tự do này).
Vì
vậy các khu vực này hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán
của Việt Nam. (Lưu ý đây là những quyền có hạn chế được UNCLOS quy định,
khác với chủ quyền mà không nước nào có thể có).
9. Khả năng Việt Nam thắng là bao nhiêu?
Để
thắng, Việt Nam phải vượt qua ba thử thách: Hội đồng Trọng tài có thẩm
quyền hay không (vấn đề jurisdiction), vụ kiện có thể được chấp nhận hay
không (vấn đề admissibility), và các lập luận của Việt Nam có đúng hay
không (vấn đề merit). Ba thử thách này dựa trên cùng các nguyên tắc
trong vụ kiện Trung-Phi.
Tuy HĐTT mới không bị phán quyết 2016 bắt buộc phải xử Việt Nam thắng, khả năng là Việt Nam cũng sẽ thắng.
Thử thách thứ nhất tương đương với trong vụ kiện Trung-Phi, và khả năng là HĐTT mới cũng sẽ kết luận rằng họ có thẩm quyền.
Các
luật gia ủng hộ Trung Quốc có thể cho rằng cả hai nước đều đòi chủ
quyền trên quần đảo Trường Sa như một đơn vị bao gồm các thực thể và các
vùng nước, do đó tranh chấp là tranh chấp chủ quyền và nằm ngoài thẩm
quyền của HĐTT. Nhưng yêu sách của bất cứ nước nào cũng phải dựa trên
nguyên tắc đất thống trị biển, và thêm vào đó các vùng biển trong vụ
kiện nằm quá xa quần đảo để bất cứ nước nào có thể đòi chủ quyền với
chúng như một đơn vị với quần đảo, cho nên lập luận đó sẽ bị bác bỏ.
Trong
thử thách thứ nhì, Việt Nam có một điểm mà Philippines không có, đó là
bản "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề
trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa" ngày
11/10/2011, trong đó có câu "Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt
Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu
nghị".
Các
luật gia ủng hộ Trung Quốc có thể khai thác câu này, diễn giải rằng nó
đã loại cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS. Tuy nhiên, lập
luận của HĐTT của vụ kiện Phi-Trung trong phán quyết về thẩm quyền,
đoạn 222-225, tuy là về DOC, cho thấy khả năng là diễn giải đó cũng sẽ
bị HĐTT mới bác bỏ.
Thử
thách thứ ba có hai phần: bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử đối với EEZ và
thềm lục địa", và chứng minh "không có EEZ có thể thuộc Trường Sa phủ
trùm lên các khu vực trong vụ kiện."
HĐTT
2016 đã bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử đối với EEZ và thềm lục địa" một
cách vững chắc, và khả năng là HĐTT mới sẽ công nhận lập luận đó.
Điểm
"không đảo nào trong quần đảo Trường Sa có EEZ" là điểm có thể bị tranh
cãi nhiều nhất, và khó có thể chắc chắn 100% rằng HĐTT mới cũng sẽ công
nhận điểm đó.
May
mắn cho Việt Nam, giả sử như HĐTT mới không công nhận điểm đó đi nữa,
ba đảo lớn nhất, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc đều nằm xa các khu vực trong
vụ kiện.
Giả
sử các đảo này được cho là có EEZ đi nữa, EEZ tối đa của chúng chỉ trùm
phủ lên một diện tích nhỏ của các khu vực trong vụ kiện. Nếu các luật
gia ủng hộ Trung Quốc đưa ra lập luận kiểu quần đảo Trường Sa và vùng
nước lân cận là một đơn vị chủ quyền thì cũng vô ích, vì nếu đã là "vùng
nước lân cận" thì không thể lan ra đến các khu vực trong vụ kiện. Do
đó, khả năng Việt Nam thắng kiện còn lớn hơn khả năng Philippines thắng
khi họ đưa Trung Quốc ra tòa.
Rụt rè và lỡ cơ hội
10. Nếu Trung Quốc rút ra khỏi UNCLOS thì sao?
Đây
là một câu hỏi quan trọng cho Việt Nam. Nếu Trung Quốc rút ra khỏi
UNCLOS trước khi Việt Nam nộp đơn kiện, HĐTT sẽ không còn thẩm quyền để
xử, Việt Nam sẽ không còn cơ chế để đưa Trung Quốc ra Tòa.
Năm
2006 Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 cho phép họ tuyên bố rút ra khỏi
một phần của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS, phần liên
quan đến phân định ranh giới biển. Với tuyên bố đó, Trung Quốc đã đi
trước một bước và làm cho Việt Nam mất đi cửa ngõ rộng nhất để kiện
những bước kế tới của họ: đuổi BP năm 2007, đuổi Exxon Mobil năm 2008,
phản đối đệ trình của Việt Nam về thềm lục địa năm 2009, và hàng loạt
những hành động lấn lướt khác.
Nếu
Việt Nam để cho Trung Quốc đi bước trước lần nữa, Việt Nam sẽ mất đi
cửa ngõ duy nhất còn lại để kiện họ. Có thể Trung Quốc sẽ đi bước này
trước khi họ bắt đầu một giai đoạn mới để tước đoạt từ Việt Nam.
TQ có ý đồ gì trong cuộc đối đầu ở Bãi Tư Chính?
11. Vậy tại sao Việt Nam không kiện?
Đây
cũng là câu hỏi quan trọng cho Việt Nam. Có thể là Việt Nam quá rụt rè,
không làm điều tối ưu, không tận dụng các phương tiện hòa bình để tự
vệ, không có một chiến lược tổng thể và lâu dài, có thể sẽ lỡ cơ hội.
Có
điều đáng lưu ý là khi Philippines còn bị lấn lướt ít hơn Việt Nam thì
họ đã khởi kiện Trung Quốc rồi (năm 2013), và khi đó họ không thể biết
nhiều về thắng-thua như ta biết hiện nay.
Điều thứ nhì là khi họ kiện thì Bắc Kinh đã nổi giận nhưng không trả đũa.
Điều
thứ ba là mặc dù Tổng thống Duterte có chính sách thân-sợ-thua Trung
Quốc, gác phán quyết sang một bên, họ có sự lựa chọn gác hay không -
Việt Nam không có sự lựa chọn đó.
Điều
thứ tư đáng lưu ý là khi tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines
thì người dân Philippines phản ứng mạnh mẽ, và Trung Quốc chỉ lấp liếm
đó là tai nạn, tàu của họ định cứu các ngư dân Philippines bị nạn, nhưng
do bị tám tàu cá Philippines bao vây nên phải bỏ đi - khác hẳn khi tàu
Trung Quốc đâm chìm rất nhiều tàu cá Việt Nam và không mảy may đếm xỉa
đến các phản ứng ngoại giao của chính phủ Việt Nam.
Dương Danh Huy
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Anh Quốc
*
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một
nhà nghiên cứu hiện đang sống và làm việc tại Anh Quốc.
(BBC)
Không có nhận xét nào