Wednesday, January 1.

Header Ads

banner_Vietnam-4
  • Breaking News

    Du khách Trung Quốc giảm có ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam?

    Tăng trưởng khách du lịch quốc tế trong những tháng đầu năm 2019 có dấu hiệu chậm, do thị trường Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ được nêu ra tại Hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

    image.jpgee
    Nhóm du khách quốc tế tới Hội An, Việt Nam.
    Khách du lịch giảm do đâu?

    Báo cáo của Tổng cục Du lịch tại hội nghị cho biết, giai đoạn từ 2015-2018 lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá từ 8 triệu lượt (2015) lên đến gần 16 triệu lượt (2018) tăng đến 1,95 lần.

    Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh với gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng qua. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ông Hà Văn Siêu tại hội nghị cho biết nguyên nhân chính khách Trung đến Việt Nam giảm là do nền kinh tế Trung Quốc suy giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo ông Siêu, để vực dậy ngành du lịch, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch thì cho rằng cần siết chặt tình trạng phức tạp của tour 0 đồng sau khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Ông yêu cầu các địa phương phải tập trung tối đa để từng tháng phải đạt ít nhất 1,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.

    Phân tích về vấn đề này, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, một nhà quan sát cho biết có hai nguyên nhân dẫn đến việc du khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm.

    “Hiện nay Mỹ- Trung có thương chiến thì kinh tế Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng, sàn chứng khoáng đỏ liên tục và các xí nghiệp nước ngoài bỏ đi nước khác… việc buôn bán xuất khẩu hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn và họ đang tìm hướng đi khác. Khi nền kinh tế yếu đi thì người dân cũng sẽ kém đi du lịch thì đó là quy tắc chung.”

    Một nguyên nhân nữa mà theo ông Tạo là: “Hiện tượng treo bảng bằng tiếng Việt và tiếng Hoa là nhà hàng này hay khách sạn (ở Nha Trang và Đà Nẵng-pv) không tiếp khách TQ đó là việc cơ quan quản lý Đà Nẵng người ta không muốn có hiện tượng đó vì cho rằng làm như vậy sẽ gây ra hiểu nhầm và kì thị với khách du lịch TQ thì điều này nó cũng ảnh hưởng đến lượng khách. Tôi nghĩ là hai nguyên nhân nhưng nguyên nhân ban đầu thì cơ bản nhất.”

    Ông Đỗ Văn Toàn, một người kinh doanh khách sạn tại Nha Trang, trước đây từng trả lời với RFA trong bài viết “Du lịch Việt và vấn nạn khách Trung Quốc” đăng ngày 23/2/2018 có thừa nhận việc người dân địa phương hay các doanh nghiệp họ không mặn mà với khách Trung Quốc như xưa vì: “Ở khách sạn họ ở rất dơ dáy, không tôn trọng tài sản, phá rối mất vệ sinh, ăn nói… làm cho người xung quanh khó chịu và bất mãn. Khách Trung Quốc khiến cho những du khách khác đặc biệt là khách Âu Châu họ không đến Nha Trang nhiều như những năm trước đây nữa.”

    Một hướng dẫn viên du lịch với gần 30 năm kinh nghiệm, không muốn nêu tên cho RFA biết thêm nguyên nhân lượng khách Trung Quốc giảm đáng kể.

    “Khách TQ giảm có thể là do một số vấn đề là chính quyền sở tại họ bắt đầu siết, vì nhiều khi khách TQ họ không mang lại được lợi nhuận nhiều, có những tours khi đưa qua đây (khách TQ sang VN-PV) thì toàn bộ các dịch vụ đều là do người TQ nắm hết nên thành ra người dân địa phương cũng không được lợi lộc gì nhiều nên có thể chính quyền địa phương họ siết lại vấn đề đó, giống như tours 0 đồng tại Thái Lan nếu chính quyền siết lại thì chắc chắn nó sẽ giảm.”

    Ngoài ra, vị hướng dẫn viên này cũng đồng tình với ý thứ nhất của nhà báo Võ Văn Tạo, anh cho rằng:

    “Thật ra khách TQ họ chi tiêu không nhiều bởi vì tất cả những gì họ chi tiêu đều chạy ngược về túi TQ hết chứ không nằm ở VN. Bởi vì các cơ sở dịch vụ bên VN đều do người TQ điều hành, tức là họ (du khách TQ-PV) mua đồ cũng từ cửa hàng của người TQ, họ ăn trong những nhà hàng do người TQ làm chủ nên người bản xứ họ đâu được lợi lộc gì, toàn bộ tiền chảy về túi người TQ hết.”
    Cần chấn chỉnh cách quản lý

    Trong một phóng sự điều tra của báo Tiền Phong ngày 15/8/2019 cho thấy, tại khu vực thành phố Đà Nẵng nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm, nhiều tiểu thương, các chủ cửa hàng công khai giao dịch mua bán với du khách Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ (NDT).

    Dư luận xã hội cho rằng, cơ quan chức năng đã ở đâu khi để tình trạng này diễn ra một cách mất kiểm soát như vậy. Trong khi trước đó, truyền thông trong nước liên tục loan tin về việc chính phủ cấm giao dịch, mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do (chợ đen).

    Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng trả lời với báo Tiền Phong hôm 15/8/2019 có khẳng định “Theo quy định du khách không được phép dùng ngoại tệ để giao dịch mua bán khi đến Việt Nam. Sở đã tuyên truyền để người dân, du khách biết và tuân thủ quy định của pháp luật. Sở cũng thường xuyên phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra một số địa điểm, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý. Riêng đối với các đơn vị lữ hành, Sở có thông báo để các đơn vị hướng dẫn du khách chấp hành quy định. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý việc du khách dùng ngoại tệ là của Ngân hàng Nhà nước. “Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sở sẽ chuyển cho Ngân hàng Nhà nước xử lý”(trích từ báo Tiền Phong ngày 15/8/2019).

    Anh hướng dẫn viên không muốn nêu tên cho biết, đối với khách du lịch Trung Quốc, họ hay “yêu cầu” người buôn bán tại nước khác sử dụng đồng tiền nhân dân tệ của họ. Cũng với lý do đó tại khu vực mậu dịch biên giới phía Bắc, chính phủ Việt Nam bắt buộc chịu “lép” khi để họ thanh toán không cần đổi ngoại tệ, nhưng ở các tỉnh, thành phố du lịch của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang mà chính quyền không kiểm soát được việc này thì quá tệ.

    “Nhưng mà người dân họ sẽ làm, vì đối với dân cái gì có lời là họ làm nên giờ người TQ họ mua bằng tiền TQ thì họ vẫn cứ bán thì bán xong rồi thì người bán thu tiền TQ rồi tìm cách đổi lại VND vẫn đổi được. Chính phủ có cấm đi nữa cũng không thể nào cấm triệt để được, chính phủ không kiểm soát được cái đó. Nào giờ chính phủ VN đâu có bao giờ chấp nhận mà cứ nói hoài là vô VN phải xài tiền VN nhưng thật ra vô đây rồi thì tiền USD, EURO vẫn xài như thường.”

    Đồng ý với điều này, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm: “Không có nhà nước TQ nào dám yêu cầu chuyện phải để công dân tôi sang du lịch sử dụng tiêu tiền NDT đâu mà có thể là thói quen của người TQ khi đi du lịch, còn các nhà kinh doanh VN thì làm cách nào để thu lợi nhiều nhất mà thôi, còn việc chấp hành luật pháp nhà nước thì họ dấu cũng không biết được, việc này nó nhiều quá mà cơ quan quản lý thì lực lượng quá mỏng, họ (cơ quan chức năng –PV) biết hết đó nhưng lâu lâu họ sẽ tổ chức đi một đoàn đi kiểm tra để gọi là có việc như thế. Chưa nói đến việc thông đồng của nhân viên cơ quan nhà nước với các cơ sở kinh doanh du lịch, nhiều khi người ta (tiểu thương-PV) biết trước người ta thông báo cho để tìm cách đối phó.”

    Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại buổi hội nghị có thừa nhận rằng, thị trường du khách quốc tế đến Việt Nam phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng mỗi năm riêng thị trường Trung Quốc tăng khoảng 30% nhưng nay giảm 2,8% do đó nếu xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới thì sẽ rất khó để lấy thị trường khác bù đắp lại.

    Nhà báo Võ Văn Tạo thừa nhận viêc giảm lượng khách du lịch Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của VN. Để bù đắp lại thị trường này thì theo ông biết, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa đã có những kế hoạch xúc tiến tìm thị trường thay thế như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên để có thể bù đắp hoàn toàn thì phải cần một thời gian.

    Đối với anh hướng dẫn viên (dấu tên) thì có ý kiến khác cho rằng, lượng khách du lịch TQ cũng không phải là ít nhưng con số mà nhà nước công bố về khách du lịch thì nó không chính xác nên có giảm đi cũng không ảnh hưởng nhiều vì:

    “Năm ngoái thống kê của Chính phủ về số lượng khách TQ thật ra nó không chính xác bởi vì họ (chính quyền-PV) xem như tất cả hộ chiếu TQ đi qua cửa khẩu đều là du khách nhưng thật ra một bộ phận lớn không phải là du khách mà đó là những công nhân của TQ họ qua làm việc. Trên nguyên tắc là họ không được quyền làm việc tại Việt Nam nhưng chính phủ mắt nhắm mắt mở vẫn để cho họ làm. Hầu như tất cả các cơ ngơi mà người TQ đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam, các xí nghiệp TQ thì họ tuyển toàn công dân TQ qua nên thực chất họ không phải là khách du lịch vì hộ chiếu là TQ thì vẫn được coi là khách TQ.”

    Ngoài ra, anh cho biết lượng khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc họ sẽ mang lại lợi nhuận cho ngành du lịch Việt Nam nhiều hơn TQ mặc dù lượng khách của họ không nhiều bằng:

    “Bởi vì họ không làm du lịch theo kiểu của người TQ, họ qua đây họ tiêu tiền là lọt vào tay người Việt hết, họ ăn uống họ ở các dịch vụ là của người Việt nhưng mà người du khách TQ thì các công ty TQ qua đây làm, trên nguyên tắc bị cấm nhưng họ vẫn làm được vì họ núp bóng lấy tên của Việt Nam nên lợi nhuận từ khách TQ phần lớn chạy về TQ.”
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào