Chính quyền phường Hạ Đình thu hồi văn bản cảnh báo về nguy cơ độc hại từ vụ cháy ở Công ty Rạng Đông chỉ sau một ngày ban hành. |
Ngay
sau khi xảy ra vụ cháy nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào hôm
28/08/19, Ủy ban Nhân dân (UBND) phường Hạ Đình ra thông báo khuyến nghị
người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được
nuôi trong vòng bán kính 1 km tính từ tâm của đám cháy trong vòng 21
ngày. Người dân cũng được khuyến cáo không nên sử dụng nước ở các bể
chứa trong bán kính 1 km từ tâm của đám cháy.
Song
song với văn bản khuyến nghị của UBND phường Hạ Đình, cơ quan chức năng
cũng khuyến cáo sơ tán trẻ nhỏ, người già và người bệnh ra khỏi khu vực
chịu ảnh hưởng từ đám cháy trong thời gian từ 1 đến 10 ngày và nếu như
người dân có dấu hiện bất thường thì nên đến cơ sở y tế kiểm tra.
Một
số chuyên gia khoa học lên tiếng với truyền thông quốc nội rằng cảnh
báo của UBND phường Hạ Đình về nguy cơ nhiễm độc và kêu gọi người dân
cần chú ý phòng nhiễm độc, sau vụ cháy ở nhà máy Công ty Rạng Đông, là
cần thiết.
Phó
Giáo sư Trần Hồng Côn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được Báo mạng
Người Lao Động Online, vào ngày 30 tháng 8 dẫn lời cho rằng thông báo
của phường Hạ Đình “không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính 1km
tính từ vụ cháy” là phù hợp, với lời giải thích rằng chất thủy ngân và
bột huỳnh quang được sử dụng để sản xuất bóng đèn bị nung trong nhiệt độ
cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí và phát tán với nồng độ cao sẽ
gây hại sức khỏe con người.
Lập tức thu hồi cảnh báo
Thế
nhưng chỉ sau 1 ngày ban hành thông báo, UBND phường Hạ Đình ra quyết
định thu hồi khuyến nghị qua viện dẫn “không đúng thẩm quyền và chưa đủ
cơ sở”.
Chánh
văn phòng UBND quận Thanh Xuân, bà Vương Thị Vân Khánh, vào sáng ngày
30 tháng 8, cũng chính thức thông báo quyết định thu hồi khuyến nghị của
UBND phường Hạ Đình.
Đài
RFA ghi nhận việc nhanh chóng ban hành khuyến nghị của chính quyền địa
phương phường Hạ Đình về nguy cơ độc hại sau vụ cháy ở nhà máy Công ty
Rạng Đông và ngay sau đó thu hồi đã làm dấy lên sự quan ngại trong dư
luận, trong đó có dân chúng thủ đô. Cô Bích Phượng, từ Hà Nội, vào tối
ngày 30 tháng 8 cho biết cô rất lo ngại xoay quanh việc thông báo của
chính quyền địa phương:
“Bản
thân những người làm công tác quản lý nên người ta không hiểu biết về
khoa học, do đó trước hết phải để các nhà khoa học lên tiếng và căn cứ
vào phân tích của các nhà khoa học để đưa ra cảnh báo kịp thời và thiết
thực đối với người dân. Họ đã đưa ra thông báo thì căn cứ vào cái gì để
khuyến nghị về độc hại? Và khi rút lại thì ít nhất họ cũng phải căn cứ
vào một cơ sở nào đó để họ trấn an người dân yên tâm. Vả lại không thể
nói ảnh hưởng trong thời gian ngắn được, mà phải có những nghiên cứu,
điều tra và đánh giá của các nhà khoa học.”
Báo
mạng VnExpress, vào ngày 30 tháng 8 còn trích lời của Tiến sĩ Hoàng
Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí
sạch Việt Nam bày tỏ rằng ông “rất bất ngờ” trước quyết định thu hồi
văn bản cảnh báo của UBND phường Hạ Đình.
Trong
khi đó, vào tối cùng ngày 30 tháng 8, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải
lại khẳng định với RFA rằng quyết định thu hồi cảnh báo về độc hại của
Chính quyền phường Hạ Đình là việc làm đúng:
‘Hoan
nghênh UBND quận Thanh Xuân đã thu hồi cảnh báo của phường Hạ Đình. Đấy
là thông báo phản khoa học. Tại sao lại lấy mốc 21 ngày mà không phải
20 hay 22 ngày? Dựa vào cơ sở nào và ai chứng minh điều đó được? Bây giờ
hỏi một câu rằng tại sao cho trẻ em và người già sơ tán từ 1 đến 10
ngày? Từ nhà máy bị cháy thì khói bụi sẽ theo hướng gió thổi, thế thì
tại sao lại chỉ khoanh vùng trong 1 km?”
Giải quyết hậu quả ra sao?
UBND
quận Thanh Xuân cho biết nhiều cơ quan chuyên môn vào sáng ngày 30
tháng 8 đến hiện trường đám cháy để kiểm tra an toàn môi trường, tiến
hành khảo sát và quan trắc, lấy mẫu xét nghiệm đất, nước, không khí tại
khu vực xảy ra cháy và các khu vực lân cận.
Báo
Thanh Niên Online cho biết kết quả phân tích nhanh vào chiều cùng ngày
cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi…ở mức độ bình thường
và các chỉ số của thủy ngân, chì, kim loại nặng đều trong ngưỡng cho
phép an toàn đối với người dân; đồng thời các mẫu xét nghiệm thu thập
được sẽ được xét nghiệm lần cuối cùng tại phòng thí nghiệm của Viện Sức
khỏe Nghề nghiệp và Môi trường. Kết quả sẽ được gửi về Sở Y tế Hà Nội và
UBND quận Thanh Xuân.
Trong
cùng ngày 30 tháng 8, Công ty Rạng Đông lên tiếng trên truyền thông
rằng công ty không sử dụng thủy ngân làm bóng đèn, mà chỉ sử dụng loại
amalgam để sản xuất thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016, cho nên
không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mặc
dù vậy, giới chuyên gia cũng kêu gọi Chính quyền Hà Nội cần nhanh chóng
tiến hành những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ độc hại từ nguồn nước
và nhựa bị cháy. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh với RFA:
“Yêu
cầu Chính quyền Hà Nội khẩn trương lo nhanh một là đo thành phần trong
không khí, hai là thành phần trong nước ngầm. Quan trọng nhất là hiện
nay, sau khi bị cháy như thế, thì còn rất nhiều loại khác nên phải chặn
lại nguồn nước ở nhà máy của công ty đó. Tất cả kim loại nặng lắng đọng
chảy vào hố thì không cho chảy vào mương, ống và mạch nước ngầm. Tức là
phải xem xét về nguồn nước. Ở đó có nhà máy nước Hạ Đình sử dụng nước
ngầm. Thế thì phải kiểm tra mạch nước ngầm có bị nhiễm độc không? Nếu bị
nhiễm độc thì phải xử lý. Và cuối cùng là phải triệt để tạo điều kiện
cho việc thu dọn nhựa bị cháy ở nhà máy Rạng Đông.”
Còn
Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản
lý Môi trường nói với Báo mạng Zing.vn rằng để khắc phục sự cố sau vụ
cháy thì Công ty Rạng Đông cần xác định chất độc trong đất, nước và
không khí; đồng thời phải thông báo ngay đến cơ quan chức năng, đặc biệt
là phải chú ý ngoài các chất độc thông thường thì nhà quản lý còn phải
đo mức độ phóng xạ trong không khí để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người
dân.
(RFA)
Không có nhận xét nào